BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tuỳ tiện cất nhà ở trên đất công 

Cập nhật ngày: 13/02/2017 - 22:32

BTNO - Theo phản ánh của người dân, việc xây dựng trái phép không đúng theo quy hoạch, tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng nhà ở tạm trái phép để hoạt động kinh doanh vẫn còn xảy ra, không tránh khỏi ảnh hưởng đến trật tự xây dựng và mỹ quan Thành phố Tây Ninh.

Nhà bà Hiền.

Mặc dù, UBND thành phố Tây Ninh đã xây dựng đề án xử lý các trường hợp người dân tự ý lấn chiếm đất công, hoặc đất công được cơ quan quản lý cho mượn, cho ở nhờ qua các giai đoạn.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại khu đất đối diện Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi Tây Ninh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố Tây Ninh đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, vận động nhiều trường hợp người dân cơi nới, lấn chiếm đất công tự nguyện tháo dỡ nhà, công trình trả lại đất cho UBND Thành phố quản lý. Tuy nhiên, gần đây, một hộ dân đã tiến hành lát nền gạch, dựng nhà sắt để kinh doanh ăn uống (đối diện khách sạn Việt Phương).

Nhà ông Hồng.

Ngoài việc dựng nhà sắt, hộ dân này còn dùng các vật liệu khác làm vách che chắn trông rất luộm thuộm, mất vẻ mỹ quan đô thị. Một trường hợp khác, trước đây có một hộ dân lấn chiếm đất công để ở, quá trình thực hiện quản lý về đất đai, Nhà nước yêu cầu giải toả, có chính sách hỗ trợ di dời, nhưng sau đó, hộ dân này lại tiếp tục đến cất nhà tại một khu đất công khác.

Đó là trường hợp bà Lưu Thị Hà Vân, người đã từng lấn chiếm đất công, cất nhà tạm bán quán cà phê gần trụ sở TAND Thành phố. Để thực hiện dự án xây dựng trụ sở của một cơ quan Nhà nước, chính quyền đã hỗ trợ kinh phí di dời nhà ở cho bà Vân. Nhưng sau đó, bà Vân lại “di dời” đến khu đất trống, cũng là đất công, phía đối diện với trụ sở Cục Thi hành án dân sự tỉnh để ở và bán nước giải khát.

Một trường hợp nữa là hộ ông Trịnh Việt Hồng tự ý xây dựng nhà trên phần đất công tiếp giáp với văn phòng Ban quản lý khu phố 1, phường 3. Cả hai căn nhà của bà Vân và ông Hồng đều xây dựng bằng gạch khá kiên cố. Tại khu vực phía sau trụ sở TAND Thành phố cũng có một căn nhà vách bằng tôn được cất “chơi vơi” giữa khu đất công nhưng không thấy chính quyền địa phương xử lý.

Nhà bà Vân.

Qua trao đổi, UBND phường 3 cho biết các trường hợp lấn chiếm đất công nêu trên như sau:

Tại khu đất đối diện với Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi, trước đây khu đất này bỏ trống, cỏ cây mọc um tùm, tình trạng vứt rác bừa bãi diễn ra thường xuyên, gây ô nhiễm môi trường. Hộ bà Nguyễn Thị Thu Hiền xin Ban quản lý khu phố cất khung nhà sắt bán bánh canh xắt, hứa sẽ thường xuyên dọn dẹp rác khu đất trên. Bà cam kết khi nào Nhà nước sử dụng sẽ tháo dỡ khung nhà sắt trả lại đất. Khu đất này không nằm trong danh mục đất công do UBND phường 3 quản lý. UBND phường 3 cũng đã có công văn kiến nghị UBND Thành phố sớm có chủ trương đưa vào sử dụng khu đất trên, tránh tình trạng bỏ đất hoang phí.

Hộ ông Trịnh Việt Hồng xây nhà trên khu đất công, tại hẻm số 5, đường Phạm Tung, thuộc khu phố 1, phường 3 (thường gọi là khu Chi Lăng). Khu đất này trước đây là khu nhà tập thể dành cho công nhân của Công ty Xây lắp, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Văn hoá - Thông tin... Hộ ông Hồng cất nhà ở gần 30 năm. Khoảng năm 2011, nhà ông Hồng bị hư hỏng nên phá bỏ và xây dựng lại với diện tích lớn hơn diện tích nhà cũ, do vậy UBND phường 3 đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính.

Lãnh đạo phường 3 cho biết, nhà ở trong khu Chi Lăng phần lớn đã xuống cấp nên họ sửa chữa tạm để ở, UBND phường 3 gặp rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý. Được biết, khu đất này do Phòng Quản lý đô thị đang quản lý, không nằm trong danh mục đất công do phường 3 quản lý. Hiện, khu đất này đang được UBND tỉnh kêu gọi đầu tư để xây dựng khu dân cư.

Nhà ông Hưng.

Về trường hợp hộ bà Lưu Thị Hà Vân, cũng theo UBND phường 3, hộ này có 4 nhân khẩu, trước đây cất nhà tạm gần khu đất TAND Thành phố, sau này dời đến khu đất trống trước trụ sở Cục THADS tỉnh cất nhà ở tạm. Ngôi nhà vách tôn do ông Hưng (ở địa phương khác, không có nhà ở) đến cất tạm làm nghề sửa giày dép khoảng 10 năm nay. Khu đất này cũng không nằm trong danh mục đất công do UBND phường 3 quản lý.

ĐỨC TIẾN – THANH THẢO

Tại khoản 3, Điều 10 của Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10.11.2014 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở”. Về thẩm quyền của chủ tịch UBND xã, phường trong việc xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau: “1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng; c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này; d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”.