Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tuyển sinh lớp 10: Thi tuyển kết hợp xét tuyển 

Cập nhật ngày: 19/03/2024 - 15:10

BTNO - UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào trường trung học phổ thông, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, Truờng phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh, năm học 2024-2025.

Thí sinh dự thi vào lớp 10, năm học 2023-2024. Ảnh minh hoạ

Phương thức tuyển sinh

Tuyển thẳng: Áp dụng đối với người học thuộc các đối tượng được quy định tại Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT, ngày 3.5.2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (trừ Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha) và tại Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật.

Kết hợp giữa thi và xét tuyển: Áp dụng cho học sinh có nguyện vọng học tại các trường THPT công lập trong toàn tỉnh (gồm 24 trường THPT).

Xét tuyển: Áp dụng cho học sinh có nguyện vọng học tại các cơ sở giáo dục tư thục và các trung tâm GDNN-GDTX.

Tổ chức tuyển sinh: Người học dự tuyển vào lớp 10 dự thi 3 môn Ngữ văn (120 phút), Toán (120 phút) và Tiếng Anh (60 phút) kết hợp với điểm bình quân trung bình cả năm ở 4 lớp cấp THCS và điểm ưu tiên (nếu có). Công thức tuyển sinh như sau:

Điểm xét tuyển: ((Ngữ văn (hệ số 1) + Toán (hệ số 1) + Tiếng Anh (hệ số 1)) x 70%) + ((điểm bình quân trung bình cả năm ở 4 lớp cấp THCS) x 30%) + điểm ưu tiên (nếu có).

Hình thức thi: Thi theo hình thức thi tự luận (đối với môn Ngữ văn và Toán); thi theo hình thức trắc nghiệm (đối với môn Tiếng Anh). Thời gian làm bài thi: 120 phút (đối với môn Ngữ văn và Toán); 60 phút (đối với môn Tiếng Anh).

Nguyên tắc xét tuyển: Tối đa 3 nguyện vọng

Chỉ xét tuyển đối với thí sinh đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm quy chế trong kỳ thi tuyển sinh và các bài thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh đều đạt từ 1 điểm trở lên theo nguyên tắc điểm xét tuyển cao xếp trước, điểm xét tuyển thấp xếp sau. Trường hợp thí sinh có đồng điểm xét tuyển sẽ được tính đến điểm trung bình cả năm của lớp 9 theo thứ tự điểm cao xếp trước, điểm thấp xếp sau.

Căn cứ vào năng lực và điều kiện học tập, mỗi thí sinh dự tuyển có tối đa 3 nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng dự tuyển từ cao xuống thấp. Cụ thể: thứ tự nguyện vọng 1 của thí sinh được xét trước tiên, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh được tiếp tục xét đến nguyện vọng 2, nếu nguyện vọng 2 không trúng tuyển sẽ tiếp tục xét đến nguyện vọng 3 (nguyện vọng cuối cùng). Thí sinh đã trúng tuyển ở nguyện vọng 1 không được xét ở nguyện vọng 2, 3. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 không được xét tiếp ở nguyện vọng 3 (nguyện vọng cuối cùng).

Thí sinh không trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha và có đăng ký dự tuyển vào các trường THPT công lập sẽ được xét tuyển vào các trường THPT công lập theo tối đa 3 nguyện vọng đã đăng ký.

Xét tuyển: Người học dự tuyển vào lớp 10 dựa vào kết quả học tập và rèn luyện ở 4 năm THCS kết hợp với điểm bình quân trung bình cả năm ở 4 lớp cấp THCS và điểm ưu tiên nếu có, cụ thể: Hạnh kiểm tốt, học lực giỏi 10 điểm; hạnh kiểm khá, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực khá 9 điểm; hạnh kiểm khá, học lực khá 8 điểm; hạnh kiểm trung bình, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực trung bình 7 điểm; hạnh kiểm khá, học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá 6 điểm; các trường hợp còn lại 5 điểm.

Công thức tính điểm xét tuyển:

Điểm xét tuyển = tổng điểm học tập và rèn luyện ở 4 năm THCS + điểm bình quân trung bình cả năm ở 4 lớp cấp THCS + điểm ưu tiên (nếu có). Xét tuyển thực hiện theo nguyên tắc điểm xét tuyển cao xếp trước, điểm xét tuyển thấp xếp sau. Trường hợp người dự tuyển có đồng điểm xét tuyển sẽ được tính đến điểm trung bình cả năm của lớp 9 THCS theo thứ tự điểm cao xếp trước, điểm thấp xếp sau.

Tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha

Ngoài quy định về đối tượng, hồ sơ dự tuyển, điều kiện dự tuyển chung, người học đăng ký dự tuyển vào trường chuyên phải được xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp cấp THCS từ khá trở lên.

Người học được đăng ký dự thi nhiều nhất là 2 môn chuyên phù hợp với lịch thi quy định (môn chuyên 1, môn chuyên 2). Nếu không trúng tuyển ở môn chuyên 1, người học được tiếp tục xét ở môn chuyên 2.

Mỗi người học dự thi 3 môn không chuyên, gồm Toán không chuyên, Ngữ văn không chuyên, Tiếng Anh không chuyên và nhiều nhất 2 môn chuyên (phù hợp với lịch thi). Người học có nguyện vọng thi vào lớp chuyên Tin học (nguyện vọng 1 hoặc nguyện vọng 2) phải dự thi môn Toán chuyên.

Kỳ thi vào trường chuyên tổ chức thi 4 buổi thi, gồm: Buổi 1: Ngữ văn không chuyên, Tiếng Anh không chuyên; buổi 2: Toán không chuyên; buổi 3: Ngữ văn chuyên, Toán chuyên; buổi 4: Vật lý chuyên, Hoá học chuyên, Sinh học chuyên, Tiếng Anh chuyên, Lịch sử chuyên.

Thí sinh đạt ở vòng sơ tuyển phải tiếp tục dự thi các môn không chuyên (Ngữ văn không chuyên, Toán không chuyên, Tiếng Anh không chuyên) và nhiều nhất 2 môn chuyên.

Môn thi: Môn không chuyên (hệ số 1): Ngữ văn (120 phút); Toán (120 phút); Tiếng Anh (60 phút). Môn chuyên (hệ số 2): Ngữ văn (150 phút), Toán (150 phút), Vật lý (150 phút), Hoá học (150 phút), Sinh học (150 phút), Tiếng Anh (150 phút, có phần nghe), Lịch sử (150 phút).

Quy định trong việc xét tuyển: Điểm xét tuyển là tổng số điểm các bài thi không chuyên, điểm bài thi môn chuyên tương ứng với lớp chuyên (đã tính hệ số).

Nguyên tắc xét tuyển: Thí sinh không trúng tuyển ở môn chuyên 1 được tiếp tục xét tuyển theo kết quả môn chuyên 2. Thí sinh không trúng tuyển vào trường chuyên được tiếp tục dự xét tuyển vào trường thực hiện phương thức kết hợp giữa thi và xét tuyển (nếu đã đăng ký từ ban đầu).

Tuyển sinh vào Trường phổ thông Dân tộc nội trú

 Lớp đầu cấp (lớp 6 và lớp 10): Học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh.

Tuyển sinh học sinh là người dân tộc thiểu số mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Học sinh là người dân tộc Kinh mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Trường phổ thông Dân tộc nội trú được tuyển không quá 10% học sinh là người dân tộc Kinh trong tổng số chỉ tiêu tuyển mới hằng năm.

 Tuyển bổ sung các khối lớp 7, 8, 9: Học sinh là người dân tộc thiểu số mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh tại xã, phường, thị trấn khu vực II và khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi theo quy định của cấp có thẩm quyền; là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh, đang học ở các trường phổ thông trong tỉnh, có xếp loại học lực từ trung bình trở lên, hạnh kiểm từ khá trở lên và được xét lên lớp trong năm dự tuyển.

Tuyển sinh vào lớp 6: Tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển, huy động 100% học sinh người dân tộc hoàn thành chương trình cấp tiểu học đang cư trú trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố vào học lớp 6 thuộc đối tượng tuyển sinh theo quy định. Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6: 105 học sinh/3 lớp. Tuyển sinh lớp 10: 105 học sinh/3 lớp (trong đó có 70 học sinh tốt nghiệp THCS tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú). Trường phổ thông Dân tộc nội trú còn tuyển bổ sung 74 học sinh đối với các lớp 7, 8, 9.

Việt Đông


 
Liên kết hữu ích