BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tuyên truyền xây dựng Đảng về đạo đức - “Thách thức sứ mệnh và trách nhiệm của báo chí” 

Cập nhật ngày: 09/08/2024 - 08:15

BTN - Công cuộc đổi mới 40 năm qua cho thấy, trong cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt việc gìn giữ, cổ vũ và thực hành đạo đức, không ít cấp, không ít phương diện, không ít người coi nhẹ, thiếu sự tham gia của báo chí đã lâm vào khó khăn nan giải

Ngày 8.8, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước tổ chức hội thảo “Báo Đảng tuyên truyền xây dựng Đảng về đạo đức”. Tham dự có ông Lê Quốc Minh- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Nhị Lê- nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí khu vực miền Đông Nam bộ cùng một số cơ quan báo chí miền Trung, Tây Nguyên, miền Bắc, miền Tây Nam bộ.

“Không để mặc vận nước nổi trôi”

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Nhị Lê phân tích, nếu như các kỳ đại hội trước xác định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về “chính trị, tư tưởng và tổ chức” thì tới Đại hội lần thứ XIII bổ sung vấn đề “đạo đức”, cùng với “chính trị, tư tưởng và tổ chức” hợp thành mục tiêu bao trùm toàn bộ công tác xây dựng Đảng: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.

“Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”.

Từ phải sang: Đại tá Đỗ Phú Thọ - Chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân uỷ Trung ương; bà Trần Thị Mỹ Linh - Tổng Biên tập Báo Tây Ninh; bà Hoàng Thị Bích Phú - Phó Tổng Biên tập Báo Đồng Nai và ông Nguyễn Quý Trọng - Tổng Biên tập Báo Hải Dương tham gia tọa đàm.

Đó không chỉ là lý tưởng chính trị mà còn là chuẩn mực nhân văn cao nhất trước hết cho mọi chủ trương, đường lối của Đảng và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Đó không chỉ là trọng trách lịch sử “vừa là người lãnh đạo” mà còn là lương tri, là đạo lý của Đảng “vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân” - “đứa con nòi của giai cấp lao động” Việt Nam.

Hiện nay, hệ thống báo chí nước ta có 798 cơ quan báo chí, gồm 127 báo và 671 tạp chí, 72 cơ quan phát thanh truyền hình, với 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí… hợp thành các binh chủng báo chí tư tưởng lý luận, gánh vác trọng trách người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể và người tổ chức tập thể, lay động tới sinh mệnh mỗi cá nhân, ảnh hưởng tới từng bộ máy và lan toả rộng khắp toàn xã hội.

Nhà báo Nhị Lê phát biểu tại hội thảo.

Công cuộc đổi mới 40 năm qua cho thấy, trong cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt việc gìn giữ, cổ vũ và thực hành đạo đức, không ít cấp, không ít phương diện, không ít người coi nhẹ, thiếu sự tham gia của báo chí đã lâm vào khó khăn nan giải. Không ít cơ quan dưới mọi mánh lới ngăn cản công tác báo chí trên phương diện này đã bị cô lập, thoái bộ, thậm chí cả một số người dùng nhiều thủ đoạn hoặc là bóp nghẹt hoặc mua chuộc báo chí… đã tự mình chuốc lấy hậu hoạ khôn lường. Không ít cơ quan báo chí chưa coi trọng nhiệm vụ này và không ít nhà báo, theo đó cũng “nhúng chàm”, “con sâu làm rầu nồi canh”.

Nói khái lược, toàn bộ điều đó đang là khó khăn to lớn, là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất quan trọng của các thành viên của hệ thống chính trị, trước hết là Đảng và Nhà nước tiếp tục nắm chắc và phát huy sức mạnh tổng lực của báo chí, với tư cách là một trong những nhân tố chủ yếu bảo đảm sự thành công đối với công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trong tầm nhìn tới năm 2030 và xa hơn. Xin khắc sâu, vấn đề xây dựng đạo đức không chỉ đặt ra đối với Đảng, ở đây, thách thức sứ mệnh và trách nhiệm của báo chí nước ta.

“Báo chí tiếp tục làm sâu sắc hơn, đa dạng hơn trọng sự, sự vô đạo đức, để thức tỉnh và để mọi đảng viên, cán bộ tự thức tỉnh. Ấy là khi không làm tròn phận sự của mình; khi nước còn nghèo, nhân dân còn thiếu thốn, mà mình dùng những phương tiện bất chính để trở nên “giàu có bất thường”, dư dật kệch cỡm.

Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sinh hoạt vật chất, hết thời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt, sẽ truyền đến ngàn đời sau”. Báo chí cần cảnh giới rằng, nếu phi đạo đức thì của gì cũng cả gan lấy, việc gì cũng bất chấp làm, nhất định không chỉ rước hoạ thân bại danh liệt, và mọi tai hoạ không thể không đến.

Người giữ trọng trách các cấp mà cái gì cũng rắp mưu đoạt, việc gì cũng bằng mọi thủ đoạn làm, nhất định nhà sẽ suy bại, thiên hạ tất loạn, quốc gia nguy cơ rơi vào vòng nô lệ. “Tiền vua thì có thần, tiền dân thì có ma”.

Trộm cắp, suy thoái, hủ bại đạo đức, thì chính là tự diệt mình, lại làm phong hoá bại hoại, khiến cho đạo lý bị tổn thương. Đồng thời, biểu dương những hành động giữ mình thanh liêm, lại không phù hoa xa xỉ, không sa vào trộm cắp, lấy Liêm để răn mình, lấy Chính để sửa mình, góp sức sửa sang thể chế, đặng tu dưỡng chính khí, khắc chế mọi hủ bại…

Báo chí tiếp tục phê phán tình trạng không ít đảng viên, cán bộ do đạo đức kém nhưng bo bo nghĩ đến lợi lộc, áo cơm vị kỷ, mặc gia phong, vận nước nổi trôi. Nhất là, những đảng viên, cán bộ khi tài đức không xứng với chức vị, khi không có tài đức mà dám cầm trọng trách, để cho cơ đồ tan hoang, đổ vỡ.

Tình trạng không ít người khi đã ở cấp lãnh đạo mà không làm cho đạo đức được thi hành, quốc pháp được tuân thủ, lại chuyên sống xảo trá, quỷ quyệt, ăn cắp quốc khố... thì đó chính là đã làm vấy bẩn đạo đức và xâm phạm lợi ích của nhân dân và của quốc gia.  Đặc biệt, những bậc đứng chủ trì việc công mà kém đạo đức thì thân không chỉ tự mình chuốc lấy ươn hèn mà nhà phải suy bại, nước phải nguy vong”- nhà báo Nhị Lê phát biểu.

“Báo chí không chỉ phản ánh những điều sẵn có”

“Để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, tìm ra được đề tài và triển khai thành sản phẩm báo chí thì điều quan trọng là phải hiểu đầy đủ, rõ ràng các quy định và phải có sự so sánh, đối chiếu giữa quy định mới với quy định cũ.

Cùng với đó phải có được thông tin thực tế liên quan đến vấn đề này, có đội ngũ chuyên gia uy tín am hiểu lĩnh vực, vấn đề liên quan đến những đề tài được lựa chọn để triển khai. Điều đó đòi hỏi có sự phân công, bố trí nhân sự (phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý) phù hợp và có đủ năng lực, kinh nghiệm cùng trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ.

Đây là điều rất quan trọng để ban biên tập nhận được sự tham mưu từ phòng, ban, bộ phận chuyên môn về đề tài cũng như việc triển khai thực hiện các đề tài bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu, mong mỏi của bạn đọc trong tuyên truyền xây dựng Đảng về đạo đức” - đại diện Báo Sài Gòn  Giải Phóng tham gia ý kiến.

Lãnh đạo cơ quan báo chí này thông tin thêm, những phóng viên được giao phụ trách viết về lĩnh vực chính trị, xây dựng Đảng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng về phẩm chất chính trị, lý lịch và mối quan hệ xã hội của phóng viên.

Dẫn lời nhà báo Lê Quốc Minh, đại diện Báo SGGP tán thành quan điểm: tác phẩm báo chí hiện nay cần thiên về báo chí xây dựng, báo chí giải pháp thay vì chỉ phản ánh những điều sẵn có. Lãnh đạo Báo SGGP dẫn ra thực tế, ngay tại tờ báo Đảng lớn nhất phía Nam này cũng đang thiếu những cây bút có khả năng phân tích, bình luận.

Qua rồi “ở đâu có máu chảy ở đó có thông tin”

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phát biểu thông tin định hướng về báo chí xây dựng, báo chí giải pháp tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dẫn câu chuyện của hãng tin Reuters rằng, khi mới thành lập, hãng tin này chuyên đưa tin tiêu cực, thiên tai, hoả hoạn, vụ án… do có liên quan đến việc mua bảo hiểm. Thông tin kiểu “ở đâu có máu chảy ở đó có thông tin” đã kích thích trí tò mò của người đọc và hãng tin này phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên, sau hơn một trăm năm hình thành và phát triển, thống kê gần đây nhất của chính hãng tin này cho thấy, bạn đọc đã chuyển hướng tìm kiếm thông tin, theo đó họ dần tránh xa thông tin tiêu cực. Chính hãng tin này chuyển hướng từ thông tin tiêu cực “cướp hiếp giết” sang những thông tin tích cực, giàu năng lượng sống, thu hút rất đông bạn đọc. Ông Lê Quốc Minh cho biết, xu hướng báo chí xây dựng, báo chí giải pháp đã và đang phát triển ở các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới. Ở Việt Nam, báo chí nước ta từ lâu đã đi theo hướng này, nói nôm na cho dễ hiểu, báo chí xây dựng là “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định những bài báo, bản tin kiểu câu view để kiếm quảng cáo không có giá trị bền vững.

Việt Đông