Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thất bại của U23 Việt Nam ở giải châu Á đã giúp tuyển quốc gia có thời gian chuẩn bị nhiều hơn trước thềm AFF Cup 2020.
Tháng 1/2020, U23 Việt Nam bị loại tại vòng bảng giải châu Á, đồng nghĩa với thất bại trong mục tiêu giành vé đi Olympic Tokyo 2020. Thất bại này cũng đặt dấu chấm hết cho các chiến lược của đội U23 trong năm 2020.
Đội U23 không còn giải đấu chính thức nào trong năm nay, lứa 1997 của Nguyễn Quang Hải, Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh... cũng chính thức chia tay các giải trẻ khi đã hoàn thành giải đấu cuối cùng ở độ tuổi U23.
Lịch hoạt động của các đội tuyển tương đối nhẹ nhàng sau khi U23 Việt Nam không có vé đi Olympic. Ảnh: Minh Chiến.
Bản thân bóng đá Việt Nam cũng chịu tác động. Trước đó, Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) từng đề ra 2 bản thời gian biểu cho bóng đá Việt Nam trong năm 2020.
Hai phương án xây dựng dựa trên việc đội U23 giành vé hoặc không giành vé đi Olympic. Sau thất bại của thầy trò Park Hang-seo, phương án không Olympic đã được khởi động.
Tính riêng yếu tố thời gian, đây là phương án có lợi cho tuyển quốc gia nói riêng và V.League nói chung.
Với V.League, lần đầu kể từ năm 2016, giải quốc nội không bị “chia cắt” bởi các giải quốc tế. Trước đó, V.League 2017 đã nghỉ hơn 2 tháng vì U20 World Cup, V.League 2018 nghỉ tương tự vì Asian Games, còn V.League 2019 chịu tác động vì vòng loại U23 châu Á, King’s Cup và hàng loạt trận vòng loại World Cup.
Không còn quá nhiều giải đấu quốc tế xen lẫn, các CLB trong nước có điều kiện tập trung cho mùa giải quốc nội. Họ sẽ không tốn quá nhiều nguồn lực để duy trì ngoại binh, trả lương cầu thủ. Họ có khả năng duy trì phong độ, sớm kết thúc mùa giải. Ví dụ, nếu có Olympic, tháng 7 và 8 chỉ tổ chức được 3 vòng V.League. Không có Olympic, V.League chạy được tới 8 vòng.
V.League đá càng nhanh, thì càng kết thúc sớm, đội tuyển quốc gia càng có điều kiện tập trung cho cuối năm. Cuối năm cũng là thời điểm quan trọng nhất với bóng đá Việt Nam khi chúng ta bắt đầu vòng loại ba World Cup 2022 và bảo vệ ngôi vương AFF Cup.
Lịch hoạt động của bóng đá Việt Nam thời điểm cuối năm 2020 sau khi đội U23 không được đi Olympic. Ảnh: Minh Chiến.
Nếu có Olympic, các CLB lớn sẽ liên tục chơi với cường độ khoảng 5 ngày mỗi trận, còn V.League sẽ kết thúc hôm 26/10.
Những đội tham dự cúp châu Á hay Đông Nam Á như TP.HCM, CLB Hà Nội hoặc Quảng Ninh còn đá nhiều hơn. Lấy CLB Hà Nội làm ví dụ, nhóm tuyển thủ quốc gia của họ gồm Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh... có thể đá liên tục 3 ngày một trận từ tháng 8 tới hết năm.
Chiều ngược lại, nếu không có Olympic, V.League sẽ bế mạc sớm một tháng từ 27/9. Các đội bóng duy trì cường độ mỗi tuần một trận trong những khoảng thời gian dài còn đội tuyển Việt Nam có gần như trọn vẹn 3 tháng 10, 11 và 12 để tập trung cho hai mặt trận lớn.
Kể từ mùa xuân năm 2017, bóng đá Việt Nam lần đầu không có giải đấu lớn nào trước Tết Âm lịch. Đó là quãng nghỉ cần thiết và quý giá của bóng đá Việt Nam sau 3 năm vận hành liên tục với cường độ cao nhất ở hàng loạt sân chơi lớn như World Cup trẻ, U23 châu Á, Asian Games và Asian Cup.
Nguồn Zing