Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
U19 ngày xưa, U19 ngày nay
Thứ ba: 20:55 ngày 12/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thầy trò Philippe Troussier chấp nhận những giây phút tranh cãi để vượt qua vòng loại U19 châu Á. Nhưng chưa chắc đó là điều mà bóng đá Việt Nam cần từ đội U19 lúc này.

Năm 2014, U19 Việt Nam đá tổng cộng 39 trận, nhưng chỉ thắng bảy. Ở Cup quốc tế Hassanal Bolkiah, họ thậm chí còn thua Malaysia, Myanmar và hòa... chủ nhà Brunei. Những trận thua thuộc dạng "kinh điển" cũng xuất hiện, như 0-7 trước Nhật Bản ở Nutifood Cup hay 0-9 trước Tottenham trong chuyên du đấu châu Âu.

Không có một thành tích đặc biệt nào được tạo ra. Ở vòng chung kết U19 châu Á cuối năm đó, Việt Nam thảm bại trước Hàn Quốc 0-6 ở trận ra quân, thua tiếp Nhật Bản 1-3 và bị loại ngay từ vòng bảng.

Lứa U19 Việt Nam của những Tuấn Anh, Nguyễn Phong Hồng Duy, Công Phượng... năm 2014 từng thua sấp mặt dưới tay nhiều ông lớn trước khi làm nên kỳ tích dưới thời HLV Park Hang-seo. Ảnh: Lâm Thỏa.

Nhưng hai phần ba đội bóng ngày đó là những người tạo ra kỳ tích Thường Châu đầu năm 2018. Chính "đội bóng đá đâu – thua đó" ngày ấy đã thổi bùng ngọn lửa đam mê cho bóng đá Việt Nam sau giai đoạn tồi tệ 2011-2013. Khởi đầu của họ, tức các trận đấu tại giải vô địch U19 Đông Nam Á và vòng loại U19 châu Á cuối năm 2013, hoàn toàn không được "o bế" như lứa U19 hiện tại. Khi ấy, chỉ có một số ít người hâm mộ xem được trận thắng Australia 5-1 qua những hình ảnh kém chất lượng bằng livestream trên mạng xã hội.

Nhưng không phải những chiến công, mà phong cách chơi bóng hồn nhiên, tràn trề nhựa sống và sự tận hiến của lứa U19 với nòng cốt từ Học viện HAGL mới là làn gió mát tái sinh những tâm hồn chán nản của người yêu bóng đá Việt Nam. Thay vì chọn các trận đấu dễ dàng để kích động tâm lý "thèm chiến thắng" nơi đại đa số người hâm mộ, U19 ngày đó được chọn cách đối đầu với các đội bóng mạnh nhất có thể... để thất bại.

Ở U19 Nutifood Cup, đó là các đối thủ AS Roma, Nhật Bản, Tottenham. Rồi dù cất công đăng cai giải vô địch U19 Đông Nam Á Mở rộng 2014, Việt Nam vẫn mời Nhật Bản tham gia để đá với họ hai trận, và... thua cả hai. Vậy mà, một đội bóng rất xa lạ với chiến thắng đó khiến hàng triệu người, thậm chí không hề mê bóng đá, lại háo hức chờ đến giờ mở tivi. Nhiều người trong số đó đến bây giờ vẫn luôn cảm ơn bầu Đức, vẫn yêu Công Phượng, Tuấn Anh... như những ngày đầu. Lứa cầu thủ U19 năm đó làm người hâm mộ thích xem bóng đá, kể cả khi họ khoác áo đội tuyển hay trở về đá cho HAGL dự giải U21 quốc tế 2014 ở Cần Thơ.

Nhắc lại một thời điểm và một đội tuyển đặc biệt ấy để thấy bóng đá Việt Nam hiện tại thay đổi rất lớn ở cách nhìn nhận, và để thấy có một điều gì đó đã không đúng khi nhiều người vui mừng thái quá với chiếc vé dự vòng chung kết 2020 mà U19 Việt Nam vừa đoạt được.

Cũng cần nhắc thêm một chút, rằng lứa U19 của năm 2015 thậm chí còn thua đậm 0-6 trước Thái Lan ở chung kết giải vô địch Đông Nam Á. Sang năm 2016, đội bóng này thua Australia 2-5 cũng tại giải khu vực, thua tiếp U19 Nhật Bản 0-3 ở giải châu Á, dù giành vé dự World Cup. Nhưng, chính lứa cầu thủ này, cùng lứa 2014, lại là thế hệ đặc biệt trong tay HLV Park Hang-seo hiện nay.

Câu chuyện của bóng đá trẻ, tầm U19 trở xuống là vậy. Ở lứa tuổi này không nên lấy thành tích để đo lường tương lai. Họ có thể vừa thắng tưng bừng đã thua ngay trận kế tiếp, kể cả khi đá với đối thủ yếu hơn. Thành tích có thể quan trọng, cũng có thể không. Không chỉ ở các khu vực kém phát triển, mà trên thế giới cũng vậy.

Trong 23 kỳ World Cup, chỉ ghi nhận 78 đội tuyển từng góp mặt, nhưng ở 22 kỳ World Cup trẻ (U19 và U20), có đến 101 đội, trong đó có 28 đội chỉ một lần góp mặt và hơn 30 đội dự các giải trẻ này chưa từng giành vé dự World Cup.

U20 Việt Nam từng thất bại nặng nề ở World Cup trẻ, nhưng vẫn luôn mang lại niềm vui cho người hâm mộ bằng lối chơi cống hiến. Ảnh: Đức Đồng.

Lứa U19 của năm 2019 được đầu tư không kém đội tuyển quốc gia của Park Hang-seo, gấp nhiều lần so với lúc HLV Hoàng Anh Tuấn cầm quân. Nhưng thực tế, dàn cầu thủ do HLV Philippe Troussier dẫn dắt chưa có điều gì khác biệt sau hơn hai tháng tập trung trong điều kiện chất lượng cao. Thậm chí, so với lúc U18 thua Campuchia hồi tháng 8, các vấn đề về bóng đá trẻ Việt Nam chưa có gì tốt hơn.

Chiến thắng được khích lệ nhất trước Thái Lan thật ra không có gì đặc biệt nếu nhìn vào sự sa sút của bóng đá trẻ xứ Chùa Vàng gần đây (thua Campuchia cả hai trận, từ U18 đến U19). Ngược lại, U19 của HLV Troussier lại chơi kém thuyết phục trước các đội yếu như Mông Cổ và Guam, rồi hòa Nhật Bản với 15 phút cuối trận gây tranh cãi.

Nếu 15 phút đó mà diễn ra cách đây hơn năm năm, chắc chắn chẳng ai tán thành, và cũng không lấy gì để vui mừng. Vì không ai muốn nhìn thấy các cầu thủ trẻ chơi bóng với quá nhiều toan tính - điều sẽ triệt tiêu cảm hứng và không khơi gợi được những gì còn tiềm ẩn về năng lực của họ. Bóng đá Việt Nam từng bị trả giá vì "bệnh thành tích".

Vì chiến thắng, các HLV sẵn sàng "dạy" các cầu thủ trẻ mánh lới chơi bóng theo kiểu người lớn, khiến tư duy về chiến thuật chậm phát triển do phải vận dụng trí não cho các trò tiểu xảo. Việc rèn văn hóa không đi kèm với dạy đá bóng.

Bầu Đức từng phải nặng lời mắng một cựu cầu thủ của ông là "mất dạy" và ông quyết tâm gìn giữ lứa cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh bằng quan điểm "thua cũng được nhưng phải đá đẹp". Quan điểm đó có phần cực đoan, nhưng lại phù hợp với bóng đá trẻ, và trong giai đoạn cụ thể, nó chính là phao cứu sinh của bóng đá Việt Nam, chính là điểm khởi đầu cho niềm đam mê bóng đá trở lại với người hâm mộ trước khi gặp được cái duyên với HLV Park Hang-seo.

Vậy thì tại sao U19 Việt Nam không tận dụng lợi thế hơn người để tạo cú sốc trước U19 Nhật Bản? Phải chăng chiếc vé dự VCK châu Á quan trọng hơn cơ hội để các cầu thủ có thể chơi 15 phút để đời? Vì sao họ không xông lên như bản năng mà lại dễ dàng toan tính bằng cách chuyền bóng câu giờ hòng bảo đảm vé đi tiếp? Việc cầm hòa Nhật Bản và vào vòng chung kết châu Á cũng đâu thể nói rằng trình độ của đội U19 sẽ cao hơn cách đây năm năm? Mà có khi, nó còn khiến quên đi việc dậm chân về chất lượng của U19 lứa này.

Thay vì chơi bằng đam mê và khát khao chiến thắng, U19 Việt Nam chọn phương án thực dụng để đạt kết quả hòa trước Nhật Bản hòng có vé dự VCK U19 châu Á 2020. Ảnh: Đức Đồng.

Ở góc nhìn khác, toan tính ấy không giống tư duy chơi bóng của các đội do ông Park Hang-seo dẫn dắt. Các đội bóng của ông Park có thể ưu tiên cho việc duy trì sự chắc chắn, nhưng tâm thế của họ là tấn công và chiến thắng. Nếu không có tâm thế và tư duy đó, làm sao có những màn ngược dòng ở đã đi vào lịch sử ở Thường Châu, Trung Quốc. Chính bản năng đá cống hiến, tấn công là điều làm nên những thành công của các đội bóng do ông Park dẫn dắt, dù ở từng hoàn cảnh, họ buộc phải ưu tiên đá phòng ngự.

Có hai lý do để giải thích vì sao bóng đá Việt Nam lại vui với trận hòa Nhật Bản của đội U19. Đầu tiên, đó có thể là Việt Nam không đủ năng lực để tin vào chiến thắng dù đá hơn người, nên đá cầm hòa như vậy là thành công. Lý do thứ hai có thể là áp lực của kỳ vọng. Từ thành công của đội tuyển và U23, dường như mọi thành tích có liên quan đều đang được đặt với chỉ tiêu cao hơn năng lực.

Người hâm mộ cũng có vẻ thích nhìn thấy tấm vé đá châu Á hơn là một trận đấu kiểu thua 0-7, 0-3 như lứa Công Phượng, Quang Hải... trước đây. Chúng ta muốn nhìn thấy thành tích hơn là niềm vui chơi bóng của các cầu thủ trẻ, và vì thế, họ làm mọi cách để chứng tỏ bản thân không thua kém đàn anh.

Nhưng nếu như thế, phải chăng bóng đá Việt Nam đã tiến quá nhanh với tốc độ, phải chăng bóng đá Việt Nam không còn đủ thời gian để quay lưng nhìn lại khoảng trống phía sau, mà luôn phải tiến tới? Điều đó có thể gây hại với đội bóng của ông Park, nếu họ phải nhận một kết quả không như ý trong những ngày tới.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục