Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thái Lan của HLV Akira Nishino dự SEA Games nhưng tâm trí còn để ở U23 châu Á. Một đội bóng như thế sẽ khó có cơ hội trước U22 Việt Nam đầy quyết tâm.
Khi đưa Akira Nishino lên dẫn dắt đội tuyển và U22 Thái Lan, người Thái tin rằng đẳng cấp World Cup của cựu HLV trưởng tuyển Nhật Bản sẽ giúp Thái Lan tiến gần hơn tới Cúp Thế giới và Olympic.
Họ có lẽ chưa từng nghĩ đến viễn cảnh U22 Thái Lan sa lầy, thậm chí là đối mặt khả năng bị loại ở SEA Games.
U22 Thái Lan bước vào trận gặp Việt Nam với nhiều bất lợi về điểm số, phong độ, vị thế.
Vì sao Thái Lan khủng hoảng ở SEA Games?
Thắng 2-0 trước Lào tiếp tục là màn trình diễn tồi tệ của U22 Thái Lan ở SEA Games 30. Trước lượt trận cuối với U22 Việt Nam, người Thái mới có 9 điểm, xếp cuối trong nhóm 3 đội dẫn đầu. So với Việt Nam và Indonesia, U22 Thái Lan có ít lợi thế nhất, buộc phải thắng đậm để tự quyết số phận. Họ đang đứng trước nguy cơ bị loại sau 3 kỳ đại hội liên tiếp giành HCV.
Sự sa sút của U22 Thái Lan ở SEA Games là bất ngờ lớn, đi ngược lại với những đổi thay tích cực mà ông Akira Nishino mang tới cho tuyển Thái tại vòng loại World Cup.
Vì sao có sự trái ngược ấy?
Nói về Thái Lan tại SEA Games, không thể đặt ngoài bối cảnh chung của bóng đá châu Á. SEA Games 30 chỉ là 2 trong 3 sự kiện quan trọng với HLV Akira Nishino giai đoạn cuối 2019, đầu 2020. Hai sự kiện còn lại đồng thời là hai mục tiêu quan trọng nhất gồm vòng loại World Cup 2022 và Vòng chung kết U23 châu Á 2020. Trong đó, U23 châu Á là giải đấu quan trọng đặc biệt với người Thái khi họ là chủ nhà. Đây là cơ hội “nghìn năm có một” với bóng đá Thái, nơi họ có trong tay rất nhiều lợi thế để hiện thực hóa giấc mơ tham dự Olympic.
HLV Akira Nishino vốn không coi trọng SEA Games bằng U23 châu Á 2020. Ảnh: Minh Chiến.
Với đẳng cấp của một HLV từng qua vòng bảng World Cup, ông Nishino đương nhiên sẽ nhắm tới Olympic. Chiến lược gia 64 tuổi lần đầu tiên làm việc ở nước ngoài, nghĩa là hoàn toàn xa lạ với hệ thống bóng đá Đông Nam Á mà SEA Games là đại diện tiêu biểu như chia sẻ của trợ lý Totchtawan Sripan: “Ban đầu, ông Nishino thậm chí chẳng biết SEA Games là giải đấu gì, nhưng ông ấy đang dần thấy được tầm quan trọng của giải đấu này đối với người Thái”.
Đó không phải suy nghĩ riêng của ông Nishino mà cũng là quan điểm ban đầu của thầy Park. Chia sẻ với Zing.vn, người đại diện Lee Dong-jun từng nói: “Không chỉ HLV Park, toàn bộ người Hàn Quốc đều chỉ nghĩ tới World Cup. Không phải chúng tôi coi thường SEA Games, mà vì khi nhắc tới giải đấu này, chúng tôi khi đó đều chưa biết SEA Games là gì”.
Điểm khác biệt là ông Park đã biết về đại hội thể thao này từ đầu năm. Ông hiểu khát khao của người Việt Nam, và sẵn sàng chuẩn bị cho nó. Còn HLV Nishino mới biết tới SEA Games được vài tháng. Với chiến lược gia người Nhật Bản, Đại hội Thể thao Đông Nam Á chỉ là hòn đá cản đường ông tiến tới giấc mơ về một kỳ Olympic tổ chức ngay tại quê nhà.
Khi không thể từ chối SEA Games, ông Nishino hẳn đã rất lưỡng lự. Ông không biết có nên cho học trò căng sức ở giải đấu này không, không biết có nên mất thời gian và thể lực quý giá? Ông dự SEA Games nhưng liên tục nói về U23 châu Á. Trong 3 đội mạnh ở bảng B, Thái Lan là cái tên duy nhất từ chối gọi cầu thủ quá tuổi. Hiệp hội Bóng đá Thái Lan bảo cầu thủ “không chỉ chơi bóng vì huy chương vàng mà còn vì tương lai”.
Ở chiều ngược lại, cả U22 Indonesia và U22 Việt Nam đều dồn toàn lực, dùng mọi quyền lợi có thể, mang tới giải lực lượng tốt nhất. Thái độ tiếp cận khác nhau giữa 3 đội tuyển đã dẫn tới những kết quả khác nhau.
Khác với Thái Lan, U22 Việt Nam đã mang tới SEA Games 30 những con người tốt nhất có thể. Ảnh: Minh Chiến.
U22 Thái Lan đến Philippines nhưng tâm trí đã nghĩ về VCK U23 châu Á đầu năm sau. Họ đá với Lào, Singapore nhưng đầu còn nghĩ về Australia, Iraq (các đối thủ tại U23 châu Á). Họ ra sân nhưng không tập trung, phân vân, lưỡng lự giữa hai mục tiêu. Đấy có lẽ là lý do hợp lý nhất giải thích cho sự sa sút không tưởng của họ. Trong quá khứ, Lào rất khó có thể khiến Thái Lan bế tắc như trận đấu vừa qua.
Sự bối rối của Nishino cũng là điều dễ hiểu khi đây mới là lần đầu tiên ông làm việc ở nước ngoài. Dù giàu kinh nghiệm, ông có vẻ chưa thể chu toàn bài toán rắc rối mang tên SEA Games, một sự kiện thể thao vốn là vấn đề rất riêng, rất đặc thù, chỉ có tại Đông Nam Á.
Sự sa sút của Thái Lan dẫn tới một câu hỏi ngược. Họ định mang hành trang nào tới U23 châu Á 2020? Họ có thể tự tin ra sân ở châu Á khi còn không thắng nổi tại Đông Nam Á? Bị loại có thể cho họ thêm vài ngày nghỉ ngơi, nhưng nó cũng hứa hẹn những hệ lụy tâm lý xấu, sự sụp đổ dây chuyền.
Liệu có thể chuẩn bị cho chiến thắng bằng một thất bại?
Nếu không cẩn thận, ông Nishino và U22 Thái Lan sẽ “xôi hỏng bỏng không”, thất bại với cả 2 mục tiêu quan trọng. Gộp thêm thế khó ở vòng loại World Cup, năm đầu tiên của ông Nishino ở Thái Lan có thể kết thúc trong nỗi thất vọng.
Muốn biết U22 Thái tập trung tới đâu trước ngày quyết đấu với U22 Việt Nam, hãy nghe ông Nishino chia sẻ một ngày trước trận: “Lần đầu dẫn dắt U22 Thái Lan giúp tôi nhận ra từng điểm mạnh và yếu của các cầu thủ trong đội, qua đó biết cần cải thiện những gì trước khi chúng tôi bước vào Vòng chung kết U23 châu Á 2020 trên sân nhà”.
Tiễn Thái Lan rời SEA Games
Ngược lại với sự lừng khừng của người Thái, U22 Việt Nam mạnh nhất, quyết tâm nhất đang hiện diện ở Philippines. 4 chiến thắng, điểm số cao nhất, hiệu số tốt nhất khẳng định thầy trò HLV Park Hang-seo rất mạnh. 5 bàn thắng ghi sau phút 80 khẳng định đội tuyển cực kỳ quyết tâm.
Khát vọng của U22 Việt Nam là điều dễ hiểu nếu biết rằng bóng đá Việt Nam chưa từng giành huy chương vàng SEA Games. So với Thái Lan đã no nê danh hiệu sau 16 lần đăng quang, U22 Việt Nam có nhiều lý do để tận hiến hơn. Những người làm bóng đá Việt Nam đều hiểu rằng đại hội này là cơ hội lớn nhất để giành HCV. Đây cũng là kỳ SEA Games cuối cùng của Quang Hải, Tiến Dũng, Đức Chinh và lứa 1997, là giai đoạn Việt Nam đang ở đỉnh cao. Đây là thời cơ hiếm có.
Chấn thương của Nguyễn Quang Hải chắc chắn tác động lớn tới hành trình chinh phục. Nhưng nếu nhìn theo khía cạnh tích cực, đó cũng là cơ hội cho Hải “Con” nghỉ ngơi trước U23 châu Á, là cơ hội để ông Park tìm ra những giải pháp mới. Bởi U23 châu Á mới là nơi Việt Nam cần Quang Hải hơn cả, nơi anh phải đạt tới trạng thái bùng nổ như tại Thường Châu gần 2 năm trước.
U22 Việt Nam hiện có 12 điểm, sở hữu hiệu số +13. Người Thái có 9 điểm, hiệu số +10. U22 Indonesia nhiều khả năng sẽ có thêm 3 điểm trước Lào, U22 Thái Lan buộc phải thắng Việt Nam với cách biệt 2 bàn nếu muốn đi tiếp. Đó là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn dựa trên phong độ đôi bên thời điểm này. HLV Nishino cũng chưa từng thắng được thầy Park trong 2 lần gặp nhau gần nhất còn U22/U23 Thái Lan đã thua Việt Nam ở cả M-150 Cup 2017 lẫn vòng loại U23 châu Á 2020.
Về lối chơi, U22 Việt Nam chắc chắn sẽ đá phòng ngự phản công. Chúng ta đã mất Quang Hải, không buộc phải thắng và không chịu áp lực nào. Được chủ động phòng ngự sẽ mang lại lợi thế cho U22 Việt Nam, giúp chúng ta được chơi theo cách tốt nhất có thể. Đó cũng là thử thách khó khăn cho hàng công U22 Thái Lan, vốn đã mất tới 90 phút để có bàn đầu tiên trước tuyển Lào.
Đặt mọi thứ lên bàn cân, U22 Thái Lan và HLV Akira Nishino chẳng có gì để tự tin trước Việt Nam. 90 phút sắp tới có thể là lần cuối cùng chúng ta thấy người Thái hiện diện ở môn bóng đá nam SEA Games 30.
Họ đã nói gì trước trận?
- HLV Akira Nishino (U22 Thái Lan): “Việc gặp U22 Việt Nam sẽ khiến các cầu thủ Thái Lan thi đấu hưng phấn, tích cực hơn. Chúng tôi sẵn sàng bước vào trận này”.
- HLV Park Hang-seo (U22 Việt Nam): “Trước trận đấu với Thái Lan, tôi muốn kiểm tra tình trạng cầu thủ rồi sẽ tung những người tốt nhất vào sân”.
Trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Thái Lan tại bảng B môn bóng đá nam SEA Games 30 sẽ diễn ra lúc 15h ngày 5/12 trên sân Binan, trực tiếp tại Zing.vn.
Dự đoán của Zing.vn: U22 Việt Nam 1-0 U22 Thái Lan.
Nguồn Zing