Thể thao   Bóng đá

BAOTAYNINH.VN trên Google News

U23 Việt Nam và thất bại sòng phẳng 

Cập nhật ngày: 17/01/2020 - 18:30

Bị loại ngay vòng bảng là bước lùi không thể chối cãi của Việt Nam tại giải U23 châu Á, nhưng nó xảy ra đúng lúc và công bằng.

HLV Park Hang-seo cúi đầu thất vọng khi chứng kiến các cầu thủ Việt Nam thua ngược Triều Tiên tối 16/1. Ảnh: Đức Đồng.

Nếu Việt Nam thắng Triều Tiên nhưng vẫn bị loại do UAE và Jordan hòa nhau, người hâm mộ có đủ tự tin để an ủi nhau rằng đội bóng của HLV Park Hang-seo xứng đáng hơn hai đối thủ Tây Á để vào tứ kết? Hoặc giả sử, đội bóng vẫn vào được tứ kết và gặp Hàn Quốc, có bao nhiêu người tin kỳ tích sẽ xuất hiện?

Trong bóng đá chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhưng trước khi nói đến những yếu tố bất ngờ, cần phải khẳng định rằng Việt Nam tại giải lần này không đủ chất lượng để có thể đi xa, kể cả con người và tinh thần.

Năm 2018, dù rằng có nhiều yếu tố may mắn, nhưng trên thực tế, chính các cầu thủ Việt Nam đã giành lấy vận may và biết cách nắm nó thật chặt. Chúng ta kiên cường trước sức ép của Australia và Syria để lấy vé vào tứ kết. Chúng ta bị thủng lưới trước ở những trận knock-out nhưng luôn bật dậy như một cái lò xo, lao lên như những chiến binh để khiến đối thủ phải tự quỵ ngã.

Ngược lại, ở giải lần này, khi bị đẩy vào tình thế bất lợi, không ai thấy những phẩm chất ấy nữa. Về con người, Việt Nam không thể áp đặt lối chơi hoặc tổ chức tấn công dồn dập trong một khoảng thời gian nhất định để cụ thể hóa ý đồ. Về tinh thần, dường như họ chỉ cố đá để không thua, chất phiêu lưu và khát vọng cứ như thể đã tan hết vào men say của SEA Games 30.

Trong số 23 cầu thủ dự U23 châu Á 2018, có 14 cầu thủ sau đó lên thẳng đội tuyển quốc gia và đa số họ giữ được các vị trí chính thức. Ngược lại, trong 23 cầu thủ thi đấu tại U23 châu Á 2020, ngoài những cầu thủ từ đội tuyển xuống, phần còn lại có rất ít triển vọng lên tuyển, kể cả những người đã được HLV Park Hang-seo ưu ái suốt hai năm qua như Bùi Tiến Dũng, Hà Đức Chinh... Nếu xem U23 là đội hình hai của đội tuyển quốc gia, xem như ông Park đã phá sản kế hoạch nhân sự.

Hơn ai hết, nhà cầm quân Hàn Quốc biết rõ điều này. Đó là lý do ông phải yêu cầu VFF lên kế hoạch chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam: Trong năm 2019, đội U23 tập trung tổng cộng 10 đợt chỉ để các trợ lý của ông chủ động chọn người. Không phải tự nhiên mà HLV Park phải đưa Hùng Dũng và Trọng Hoàng, yêu cầu sự có mặt của Văn Hậu tại SEA Games. Ông đã thấy rõ chất lượng của thế hệ kế cận. Và với những gì thể hiện ở Thái Lan lần này, có thể nói nếu không có các bổ sung nói trên, giấc mơ HC vàng SEA Games chưa chắc đã hoàn thành.

Như vậy, khoảng cách về trình độ giữa hai kỳ giải U23 hoàn toàn trái ngược. Một lứa cầu thủ mới 19-20 tuổi đã đủ chất lượng để đá đội tuyển quốc. Một lứa đã 21-22 tuổi vẫn cần có sự hỗ trợ của các cựu binh, thiếu một cái là tan hoang ngay. Hai năm trước ở Thường Châu, chỉ cần đưa Phan Văn Đức vào sân, HLV Park có thể chuyển hướng tấn công từ phải sang trái, có thể chuyển sơ đồ từ một tiền đạo thành ba cầu thủ tấn công cùng lúc.

Khi Văn Hậu bị chấn thương, Phạm Xuân Mạnh thay thế khá vừa vặn. Năm 2018, Việt Nam là đội bóng có khả năng chuyển trạng thái hay nhất giải, và HLV Park tỏa sáng với những quyết định thay người xuất sắc. Năm 2020, chúng ta hầu như chỉ nói về một vị trí của Trần Đình Trọng. Không còn nhân tố nào để chờ đợi từ ghế dự bị cả.

Với một đội hình không chỉ thiếu, mà là không hề có chiều sâu như vậy, Việt Nam phải tham gia cuộc đua giành suất dự Olympic 2020, về lý thuyết, còn khó hơn tranh vé dự World Cup do số lượng ít hơn và thể thức thi đấu cũng khắc nghiệt hơn.

Tại vòng loại World Cup 2022, có đến 4,5 tấm vé giành cho châu Á và được phân định thông qua vòng đấu loại cuối cùng theo thể thức vòng tròn hai lượt đi – về. Cơ hội của các đội bóng vào vòng loại này thường được kéo dài, sai lầm có thể sửa chữa. Nhưng với ba tấm vé dự Olympic 2020, tính khắc nghiệt của nó có thể thay đổi mọi dự báo. Màn kịch của hai UAE - Jordan là ví dụ điển hình. Họ sẵn sàng hy sinh tinh thần Fair-play để đạt mục đích sống sót ở vòng đấu bảng.

Tại vòng bảng 2018, chỉ năm trận đấu kết thúc với tỷ số hòa, thì giải 2020 có đến 11 trận bất phân thắng bại. Nếu 2018, có tám trận tỷ số cách biệt hai bàn trở lên thì năm nay, chỉ có năm trận. Tại vòng bảng ở Thường Châu, chỉ năm bàn thắng diễn ra từ phút 80 trở đi, còn tại Thái Lan có đến 12 bàn. Các con số thống kê nói trên cho thấy tính chất căng thẳng của giải U23 châu Á lần này. Về lý thuyết, để có thể đạt được mục tiêu dự Olympic thì lẽ ra trong tay HLV Park Hang-seo cần một đội ngũ chất lượng hơn hai năm trước.

Đấy là sự thật phũ phàng, như cái cách Việt Nam nhận thất bại ở lượt trận cuối cùng. Chúng ta đã thua chính mình, thua vì đối phương đã dành cho bóng đá Việt Nam một sự tôn trọng quá nhiều đến mức họ phải gạt bỏ lòng tự trọng để chơi một trận dàn xếp được tỷ số.

Dẫu sao, thất bại này cũng hợp lý, không có gì để tranh cãi. Nó thậm chí đến rất đúng thời điểm để Việt Nam có cái nhìn rõ nét hơn những gì mình có và thấy rõ những gì cần làm. Nói cho cùng, so với U23 châu Á, phần còn lại của năm 2020 thật sự mới là cuộc chơi chính của Việt Nam, với chiếc vé dự vòng loại cuối cùng World Cup 2022 và việc bảo vệ danh hiệu AFF Cup 2020.

Nguồn VNE