Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hơn 30 năm làm nghề quấn, sửa mô tơ điện, ông Đỗ Văn Trạng (69 tuổi, ngụ ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành) vẫn không ngừng học hỏi. Ngày trẻ, ông được học ở trường lớp. Khi về hưu, ông tự học qua điện thoại thông minh.
Dù học bằng cách nào đi nữa cũng giúp ông tích luỹ thêm kiến thức, kinh nghiệm. Ông nói: “Làm nghề nào cũng vậy, mình phải học hỏi mỗi ngày mới bắt kịp sự phát triển, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau”.
Năm 1972, ông Trạng tham gia kháng chiến, hoạt động ở núi Bà. Sau đó, ông bị thương ở mặt, xương sống, trở thành thương binh với tỷ lệ thương tật được giám định trên 30%. Sau ngày giải phóng, ông làm việc cho một cơ quan tại thị xã Hoà Thành, rồi về công tác ở xã Trường Hoà cho đến khi nghỉ hưu.
Ông Đỗ Văn Trạng tại không gian làm việc của mình.
Người thương binh với hơn 40 năm tuổi Đảng cho biết, trước chỉ học hết lớp 4 rồi tham gia cách mạng. Đất nước thống nhất, ông mới tiếp tục học hành. Ông nói: “Lúc đó tôi rất muốn đi học, dù có khó vẫn cố gắng. Bởi tôi nghĩ, phải có học thì mình mới có thể truyền đạt được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân”. Tinh thần học tập đó được ông duy trì suốt đến nay và truyền lại cho các con mình. Các con ông đều tốt nghiệp đại học, có người học thạc sĩ và đều có việc làm ổn định.
Ngoài giờ làm việc, ông Trạng theo học nghề quấn mô tơ điện. Sau này, khi không còn làm việc Nhà nước, ông tập trung theo nghề. Hơn 30 năm qua, ông đã dạy nghề cho hơn trăm người. Dù vui vì nghề giúp mình có thêm thu nhập phụ giúp gia đình, nhưng đôi khi ông cũng chạnh lòng bởi nghề không giữ được người do vất vả mà không mang lại kinh tế cao. Ông ước tính, trong hơn 100 học trò, chỉ có vài chục người ra làm nghề và đến nay cũng không còn mấy người theo nghề. Đến giờ, do tuổi cao nên ông không còn dạy nữa nhưng vẫn luôn sẵn lòng dạy nếu có người thực sự muốn học.
Nhắc đến việc tự học nghề, ông cho hay, nhờ có sẵn nền tảng kiến thức tích luỹ qua bao năm, ông dùng điện thoại thông minh lên mạng tìm hiểu hoặc học từ những bạn cùng nghề kiến thức mới. “Nếu biết tìm trên mạng cũng có những kênh chỉ dạy rõ ràng, có kèm sơ đồ rất dễ hiểu để thực hành theo. Dẫu các kênh không chia sẻ những kiến thức chuyên sâu nhưng với tôi như vậy là đủ làm nghề”- ông chia sẻ thêm.
Ông Trạng nói mình thích học và tìm hiểu thêm kiến thức, kỹ thuật trên mạng vì không bị ràng buộc thời gian, không gian. Theo ông, lĩnh vực nào cũng có những thay đổi không ngừng nên bản thân mỗi người phải không ngừng học hỏi mới có thể thích ứng. Nhờ tự học mà ông tự tin hơn trong công việc, có thể tìm hiểu và sửa được những chiếc mô tơ đời mới. Ông nói: “Mỗi khi biết thêm kỹ thuật, kiến thức mới tôi vui lắm vì có thể tích luỹ kinh nghiệm để truyền dạy lại cho con cháu mình. Người làm nghề phải biết khiêm tốn và tích cực học hỏi, không ngại khó ngại khổ mới tiến bộ được”.
Hiện tại, với nghề quấn, sửa mô tơ điện, ông Trạng có thể kiếm thêm vài triệu đồng mỗi tháng sau khi đã trừ chi phí. Cái nghề này dẫu không phải là nguồn thu nhập chính nhưng ông vẫn duy trì vì đam mê và mong muốn tiếp tục phát triển. Gần hai năm qua, ông Trạng sinh hoạt tại CLB Người khuyết tật xã Trường Hoà, được xét vay vốn từ chương trình hỗ trợ sinh kế của Hội Bảo trợ người khuyết tật, người nghèo và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh. Ông rất vui vì có thêm vốn để mua nguyên vật liệu hành nghề.
Hàng chục năm qua, ngôi nhà của ông luôn chất đầy những chiếc mô tơ điện, cuộn dây đồng đang được làm dang dở. Khi rảnh rỗi, ông còn dành thời gian thăm rẫy ở khu vực ven chân núi Bà. Niềm vui giản dị của người đảng viên gần 70 tuổi này cũng chỉ có vậy.
Vi Xuân