Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
UBND tỉnh vừa chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện thị và các sở, ngành có liên quan thực hiện việc tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm.

(BTNO) - UBND tỉnh vừa chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện thị và các sở, ngành có liên quan thực hiện việc tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm nhằm chủ động dập tắt các ổ dịch phát sinh, ngăn ngừa dịch lây lan rộng, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và ổn định sản xuất.
Theo thông báo của Bộ NN& PTNT, hiện nay, vắc-xin cúm gia cầm H5N1, chủng Re-5 vẫn còn hiệu lực cao đối với virus cúm gia cầm nhánh 1.1 (tại 13 tỉnh, thành khu vực miền Tây Nam bộ); hiệu lực còn 70% (trong điều kiện phòng thí nghiệm) đối với virus cúm gia cầm nhánh 2.3.2.1A (tại 23 tỉnh, thành phố, trong đó có Tây Ninh); và không còn hiệu lực đối với virus cúm gia cầm nhánh 2.3.2.1B (tại 8 tỉnh,thành phố trong cả nước).
Tiêm phòng vắc-xin cúm già cầm |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm năm 2012 trong Dự án "Sử dụng vắc-xin nhằm khống chế và thanh toán bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao, giai đoạn 2011- 2012; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiêm phòng bắt buộc các loại gia cầm có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao như đàn gia cầm giống, đàn vịt chạy đồng, đàn ngan (vịt xiêm), đàn gà chọi trên địa bàn tỉnh. Kinh phí người chăn nuôi tự lo, loại vắc-xin và kỹ thuật tiêm phòng thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Đối với các loại gia cầm còn lại, khuyến cáo người chăn nuôi tự tiêm phòng vắc-xin bảo vệ cho đàn gia cầm của mình.
Trong trường hợp có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh, ngân sách tính sẽ hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng (gồm chi phí mua vắc-xin và tiền công tiêm phòng) với số lượng là 1.000.000 liều vắc-xin cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, để tiêm phòng tại các địa bàn sau: tiêm phòng bao vây cho toàn bộ gia cầm trong vùng vành đai 3-5 km tính từ điểm có dịch; tiêm phòng tại những nơi có nguy cơ cao (nơi giám sát phát hiện virus, khu chăn nuôi tập trung, chợ, cơ sở giết mổ, buôn bán gia cầm…).
Trường hợp dịch xảy ra trên diện rộng, ngân sách tỉnh sẽ chi hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm theo Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 5.6.2008 của Thủ tưởng Chính phú về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm và Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23.8.2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 5.6.2008 về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm.
Sở NN&PTNT có nhiệm vụ hướng dẫn người chăn nuôi lựa chọn những loại vắc-xin hiện còn hiệu lực với các nhánh virus đang lưu hành trên địa bàn tỉnh; tổ chức cung ứng, bảo quản tốt vắc-xin phục vụ nhu cầu của người chăn nuôi; chuẩn bị sẵn sàng vắc-xin, bảo hộ lao động, thuốc sát trùng đề kịp thời sử dụng khi có dịch xảy ra; tăng cưòng công tác thông tin tuyên truyền vận động người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, gia cầm, sản phẩm gia cầm tích cực hưởng ứng các biện pháp phòng chống dịch, chủ động khai báo khi có dịch…
HY UYÊN