Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
UBND tỉnh chỉ đạo: Tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn
Thứ sáu: 11:26 ngày 30/09/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị khẩn trương xây dựng kế hoạch kiểm tra các vị trí xung yếu có khả năng gây ngập úng, sạt lở trên địa bàn tỉnh.

Trong những ngày 20, 21.9.2011, tình hình mưa gây ngập úng một số nơi trên địa bàn tỉnh như: huyện Tân Châu nước từ núi Bà Đen đổ về gây ngập úng cục bộ tại ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng với 20 hộ bị ảnh hưởng; thiệt hại 12 ha cây ăn quả; Thị xã nước mưa từ thượng nguồn đổ về rạch Tây Ninh gây ngập úng cục bộ tại phường 1, phường 2, phường 3, xã Bình Minh, xã Ninh Thạnh với 338 hộ bị ảnh hưởng; gây thiệt hại 113 ha cây trồng các loại; huyện Dương Minh Châu nước mưa gây ngập úng cục bộ tại xã Suối Đá, Thị trấn gây thiệt hại 10 ha hoa màu và 10 ao cá.

Để chủ động đối phó với thời tiết xấu có thể xảy ra và tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị khẩn trương xây dựng kế hoạch kiểm tra các vị trí xung yếu có khả năng gây ngập úng, sạt lở trên địa bàn tỉnh; rà soát các trang thiết bị, phương tiện phòng, chống lụt, bão để kịp thời huy động tham gia khi có mưa, bão xảy ra.

Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn; công tác khắc phục hậu quả, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời với các tình huống khẩn cấp về mưa, bão có thể xảy ra. Chủ động phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà tăng cường các biện pháp phòng, chống lụt, bão công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng. Các hoạt động điều tiết, tích nước phải được tăng cường kiểm tra an toàn công trình hồ chứa, các phương án phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, cảnh báo kịp thời cho chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng hạ lưu bị ảnh hưởng trực tiếp, trước khi xả lũ.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà chủ động phối hợp với lực lượng công an hồ nước kiểm tra tàu, thuyền hoạt động trong hồ nước; kiểm tra, quan trắc các hạng mục công trình theo quy chế báo động I, nhất là khu vực tràn xả lũ, đập chính, đập phụ, đập phụ Suối Đá, Bàu Vuông.

Sở Giao thông -Vận tải tăng cường công tác kiểm tra các vị trí xung yếu thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ; có kế hoạch huy động lực lượng điều tiết giao thông những tuyến đường bị ngập sâu (nếu có) để tránh thiệt hại về người, tài sản của nhân dân; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các phương tiện hoạt động trên sông, các bến đò, bến phà; kiên quyết đình chỉ các hoạt động đối với phương tiện không đảm bảo an toàn, không có trang thiết bị, phương tiện bảo vệ người khi hoạt động trên sông. Chỉ đạo điều hành tiến độ thi công các công trình giao thông hợp lý, tránh tình trạng khi có mưa lớn gây ra ách tắc đường giao thông, ngập úng khu dân cư, sản xuất của nhân dân. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện ứng cứu khi có mưa, bão xảy ra.

Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh: chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống khẩn cấp, hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả mưa, bão gây ra. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, nắm chắc tình hình thời tiết, áp thấp nhiệt đới, mưa, bão… để chuẩn bị phương án phù hợp công tác huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị phòng, chống, ứng phó đạt hiệu quả cao nhất.

UBND các huyện, thị xã: tăng cường công tác kiểm tra các vùng xung yếu trên địa bàn, chủ động thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án phòng, tránh, ứng phó lụt, bão, đặc biệt là kiểm tra, cập nhật các địa điểm xung yếu, vị trí an toàn, số hộ dân, số dân phải sơ tán, di dời khi có lụt, bão, thiên tai xảy ra. Chủ động tính toán chi tiết việc huy động lực lượng, phương tiện cơ giới để di dời dân nhanh chóng, hướng dẫn người dân di chuyển đến nơi trú ẩn an toàn, thuận tiện nhất khi xảy ra mưa, bão. Đồng thời, phối hợp, hiệp đồng với chủ các phương tiện cơ giới trên địa bàn để kịp thời huy động, trưng dụng khi cần thiết. Tại các địa điểm tạm cư phải được tổ chức chu đáo, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống, điều kiện sinh hoạt, đảm bảo môi trường, vệ sinh cho người dân.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà chủ động phối hợp với lực lượng công an hồ nước kiểm tra tàu, thuyền hoạt động trong hồ nước; kiểm tra, quan trắc các hạng mục công trình theo quy chế báo động I, nhất là khu vực tràn xả lũ, đập chính, đập phụ, đập phụ Suối Đá, Bàu Vuông. Thông báo kịp thời đến các vùng phụ cận, vùng hạ du khi hồ nước Dầu Tiếng xả tràn để các địa phương chủ động phòng, chống lụt, bão, kịp thời di dời dân đến nơi an toàn. Tổ chức triển khai kịp thời đến các xí nghiệp, trạm, đội thuỷ nông các huyện, thị xã, thường xuyên kiểm tra công trình trong mùa mưa lũ, điều tiết nước trong kênh an toàn hợp lý trong mùa mưa lũ, thường xuyên kiểm tra các đoạn kênh xung yếu tránh sạt lở gây nguy hiểm cho công trình, thực hiện nghiêm túc việc bố trí cán bộ chuyên kênh thường xuyên trực 24/24 giờ bảo vệ, điều tiết trong mùa mưa, lũ hợp lý không để vượt thiết kế gây ảnh hưởng đến an toàn công trình. Tăng cường kiểm tra các công trình thuỷ lợi: hồ Tha La, các kênh tiêu trục phải đảm bảo thông thoáng để kịp thời tiêu nước khi xảy ra mưa lớn, tránh gây ngập úng cục bộ. Chủ động thông báo cho nhân dân các vùng thấp như: xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, các xã: Hưng Thuận, Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng chủ động bảo vệ diện tích sản xuất, di dời dân khi hồ nước Dầu Tiếng xả lũ.

VTT

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục