Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Báo Tây Ninh có nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1961, ngụ ấp Tân Trường, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu) về việc tranh chấp đất đai với ông Tạ Văn Minh ngụ cùng xã. Qua xem xét hồ sơ, được biết cơ quan có thẩm quyền đã chấm dứt thụ lý giải quyết vụ việc khiếu nại của bà.
Vợ chồng bà Tâm vẫn kiên quyết khẳng định đám đất này là do gia đình bà khai phá vào năm 2001.
Theo bà Tâm trình bày, vào năm 2001, gia đình bà khai phá phần đất trảng có diện tích khoảng 1,5 ha tại khu vực bàu Săng Máu, thuộc ấp Tân Trường. Đến năm 2003, do canh tác không đạt hiệu quả nên bà Tâm cho bà Lê Thị Nhân mượn đất để sản xuất.
Năm 2004, bà Nhân và ông Nguyễn Văn Long ngụ cùng ấp lén lút chiếm dụng luôn diện tích 1,5 ha đất của gia đình bà Tâm để bán cho ông Tạ Văn Minh ngụ cùng xã Tân Hiệp.
“Việc mua bán này có sự mập mờ về vị trí đất, bà Nhân và ông Long bán đất cho ông Minh ngay lô cao su E4, nhưng ông Minh lại lấy đất của gia đình tôi tại lô D4 để sử dụng, vị trí của 2 lô này hoàn toàn khác nhau. Năm 2005, gia đình tôi vào khu đất để sản xuất thì ông Minh ngăn cản, tranh chấp bắt đầu kéo dài từ đó”, bà Tâm kể.
Đơn khiếu nại của bà Tâm còn đề cập đến Quyết định số 817 ngày 21.5.2012 của UBND huyện Tân Châu, với nội dung bác đơn của bà Tâm tranh chấp đất đai với ông Tạ Văn Minh, buộc vợ chồng bà Tâm phải giao trả khoảng 1,5 ha đất trên cho ông Minh tạm canh tác, cho đến khi nào Nhà nước có phương án sử dụng đất cụ thể thì ông Minh phải chấp hành theo quy định, vì nguồn gốc đất này là của Nông trường cao su Tân Hiệp, nên cả ông Minh và bà Tâm đều không đủ tư cách pháp lý để tranh chấp.
“Ông Minh đã không khiếu nại Quyết định 817, cũng như không tranh chấp đất với gia đình tôi nữa. Đến năm 2012, gia đình tôi trồng cao su trên phần đất, trong suốt khoảng thời gian dài trồng và chăm sóc vườn cao su, ông Minh không hề có ý kiến gì. Ngày 17.1.2018, cơ quan chức năng đã tiến hành cưỡng chế chặt bỏ toàn bộ cây cao su để giao đất cho ông Minh. Gia đình tôi kịch liệt phản đối cách giải quyết này, nên tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan trong tỉnh”, ông Lê Văn Giang- chồng bà Tâm cho hay.
Trở lại nguyên nhân dẫn đến việc thi hành cưỡng chế khu đất này đối với gia đình bà Tâm. Trong Quyết định 817 về việc giải quyết tranh chấp đai giữa ông Minh và bà Tâm có phần nội dung nêu rõ: phần đất này trước đây thuộc Nông trường cao su Tân Hiệp. Vào thời điểm đó, khu vực này thường xuyên bị ngập nước, canh tác không hiệu quả nên được sử dụng để nuôi cá.
Tuy nhiên, do nông trường thiếu sự quản lý để dân vào bao chiếm và sử dụng. Hiện nay, theo Quyết định số 2210 ngày 20.10.2009 của UBND tỉnh, thì phần đất này nằm trong diện tích được giao về cho huyện Tân Châu quản lý để bố trí đất đai cho các hộ dân sản xuất ổn định. Trên thực tế, khu đất chưa được thực hiện đo đạc, cắm mốc, tổ chức bàn giao đất giữa nông trường và chính quyền địa phương.
Trong khoảng 1,5 ha đất đang tranh chấp, ông Minh sang nhượng lại của ông Long khoảng 1 ha, bà Nhân 0,5 ha (sang nhượng giấy tay có trưởng ấp xác nhận). Bà Nhân và ông Long đều khẳng định khu đất do chính họ khai phá từ năm 1991, đến năm 2004 thì sang nhượng lại cho ông Minh.
Ông Long còn lưu ý, thời điểm ông Minh mua đất vẫn còn nhiều cây điều do chính ông Long trồng trên đất từ năm 1997. Trong khi bà Tâm cho rằng, bà đã khai phá khu đất vào năm 2001, điều này mâu thuẫn với hiện trạng đất khi ông Minh mua vào năm 2004, do trên đất cây điều đã to lớn và ra trái, thậm chí cho đến hiện nay, trên bờ một cạnh mảnh đất vẫn còn hàng điều được trồng cùng thời điểm để minh chứng.
Quyết định 817 còn nêu rõ, bà Tâm chỉ trình bày bằng miệng, không có chứng cứ hay nhân chứng thuyết phục. Trong khi ý kiến của ông Long và bà Nhân được nhiều người dân có đất gần đó xác nhận là đúng. Tóm lại, mảnh đất này trước đây thuộc quyền quản lý của Nông trường cao su Tân Hiệp, việc các hộ dân tự ý bao chiếm, sử dụng, sang nhượng và tranh chấp là trái pháp luật.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng các hộ dân đã có quá trình cải tạo đất. Việc bà Nhân và ông Long sử dụng đất và sang nhượng lại cho ông Minh là có cơ sở. Từ đó quyết định: “trong khi Nhà nước chưa có phương án sử dụng đất, xét trên cơ sở chứng cứ thực tế, UBND huyện Tân Châu tạm thời chấp nhận giao đất cho ông Tạ Văn Minh canh tác, cho đến khi nào Nhà nước có phương án sử dụng đất cụ thể thì ông Minh phải chấp hành theo quy định... Bà Tâm và ông Minh có quyền khiếu nại quyết định này”.
Ông Minh đã không khiếu nại quyết định trên, nhưng bà Tâm thì có. Nội dung đơn khiếu nại của bà Tâm luôn một mực khẳng định đất do gia đình bà khai phá từ năm 2001, ông Minh mua đất ở chỗ khác gần đó nhưng lại cố tình chiếm dụng ngay thửa đất của bà để canh tác, còn chủ động nộp đơn tranh chấp.
Ngày 20.3.2013, UBND huyện Tân Châu ban hành Quyết định số 542 về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Tâm. Theo đó, không chấp nhận nội dung đơn khiếu nại của bà, giữ nguyên Quyết định số 817 ngày 21.5.2012 của UBND huyện, vì nội dung khiếu nại của bà Tâm không có cơ sở để giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Tâm tiếp tục khiếu nại Quyết định số 817 lên UBND tỉnh. Ngày 21.1.2014, UBND tỉnh ra Công văn số 206 trả lời đơn khiếu nại của bà Tâm, nội dung công văn này vẫn khẳng định khiếu nại của bà Tâm không có cơ sở để được xem xét giải quyết.
Công văn 206 của UBND tỉnh giải thích, qua kiểm tra đơn khiếu nại, hồ sơ, chứng cứ liên quan thì nội dung khiếu nại của bà Tâm là không có căn cứ. Vì bà Tâm không phải là người trực tiếp sử dụng đất, mặt khác, còn có hành vi lấn chiếm đất của người khác đang sử dụng ổn định. Trong quá trình khiếu nại, bà Tâm không chứng minh được đất đang tranh chấp thuộc quyền sử dụng của mình, bà cũng không cung cấp được hồ sơ, giấy tờ liên quan.
Thực tế, bà Tâm không sử dụng đất từ năm 1990 đến 2006… Về thời hạn khiếu nại, ngày 31.5.2012, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Châu đã phối hợp với UBND xã Tân Hiệp tống đạt Quyết định số 817 cho ông Lê Văn Giang, nhưng mãi cho đến ngày 25.1.2013 bà mới có đơn khiếu nại.
Theo Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 thì thời hạn khiếu nại là 90 ngày. Còn tại Khoản 6 Điều 11 của luật này quy định: “các trường hợp không được thụ lý giải quyết… thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng”.
Như vậy, việc khiếu nại của bà Tâm về Quyết định số 817 của huyện Tân Châu đã hết thời hạn và thuộc các trường hợp không được thụ lý giải quyết. Công văn 206 của UBND tỉnh yêu cầu bà Nguyễn Thị Tâm chấp hành nghiêm Quyết định 817 của UBND huyện Tân Châu. Đồng thời nhấn mạnh, UBND tỉnh Tây Ninh sẽ không xem xét, giải quyết mọi khiếu nại của bà Tâm đối với vụ việc này nữa. Mặc dù vậy, bà Tâm vẫn tiếp tục nộp đơn lên tỉnh khiếu nại Công văn 206.
Ngày 15.7.2016, Văn phòng UBND tỉnh đã có Công văn số 2912 trả lời đơn khiếu nại của bà Tâm. Nội dung chính: “…Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, Văn phòng UBND tỉnh thông báo để bà Nguyễn Thị Tâm được biết mọi khiếu nại của bà đối với nội dung liên quan đến việc tranh chấp đất với ông Tạ Văn Minh sẽ không được UBND tỉnh xem xét giải quyết nữa”. Vậy mà gia đình bà Tâm vẫn tiến hành nộp đơn khiếu nại nhiều nơi.
Ngày 17.1.2018, cơ quan chức năng đã thực hiện cưỡng chế thi hành Quyết định số 817, chặt bỏ hơn 900 cây cao su, di dời toàn bộ số cây ra khỏi khu đất, thu hồi 13.273,6m2 đất thuộc thửa số 05, tờ bản đồ địa chính chính quy số 20 (xã Tân Hiệp lập năm 2013), tạm thời giao đất lại cho ông Tạ Văn Minh sử dụng.
Qua trao đổi với vợ chồng bà Tâm vào ngày 24.1.2018, ông và bà vẫn kiên quyết khẳng định: “Đất này do chính gia đình tôi khai phá vào năm 2001, đất của ông Minh sang nhượng nằm ở vị trí khác, từ trước đến giờ trên đất không có cây điều nào cả”.
Cùng ngày, ông Tạ Văn Minh cũng cho biết: “Bà Tâm nói tôi không hề có ý kiến gì khi gia đình bà vào khu đất trồng cao su là không đúng sự thật, thậm chí, bà còn nằm chắn ngang trước đầu xe máy cày để ngăn cản không cho con tôi cày đất. Nhận thấy tình hình có nguy cơ xảy ra xô xát dẫn đến vi phạm pháp luật, nên tôi chọn cách nhờ đến cơ quan Nhà nước xử lý theo đúng quy định, chứ không phải đồng ý cho bà Tâm sử dụng đất để rồi khiếu nại khi cây cao su của bà trồng đã lớn”.
Theo quan sát thực tế tại hiện trường vào ngày 24.1, chúng tôi nhận thấy quả đúng là có một hàng cây điều nhiều năm tuổi trên bờ một cạnh mảnh đất này.
Hỏi ông Giang: “Vì sao ông nói trên đất không có cây điều nào cả nhưng thực tế lại có một hàng cây điều trên bờ đám đất”? Ông Giang trả lời: “Bờ này là bờ đê giáp ranh thửa đất, ai muốn trồng gì mà không được, ông Long chỉ trồng mấy cây điều trên bờ đê này thôi, chứ hoàn toàn không trồng trên thửa đất…”.
Chúng tôi nhận thấy, tuổi thọ của những cây điều này được trồng vào khoảng năm 1997, do vậy, ý kiến của ông Giang thiếu thuyết phục.
Quốc Sơn