Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
UBND tỉnh: Trả lời cử tri về bạo lực học đường
Thứ ba: 23:57 ngày 13/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong nhà trường; giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn, Đội, nhân viên, học sinh, sinh viên chịu trách nhiệm thực hiện quy định về bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường.

“Tình trạng bạo lực học đường ngày càng diễn biến phức tạp, đề nghị ngành Giáo dục có giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giáo dục đạo đức học đường cho học sinh, từng bước kéo giảm và tiến tới nói không với bạo lực học đường”- cử tri xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng và cử tri xã Thái Bình, huyện Châu Thành nêu kiến nghị.

Ảnh hưởng của môi trường xã hội, phim ảnh, trò chơi trực tuyến…

Theo UBND tỉnh, học sinh là người đang trong quá trình hình thành phát triển nhân cách, các em còn đang trong giai đoạn phát triển, chưa ổn định tâm sinh lý để trở thành công dân hoà nhập mọi mặt vào các hoạt động đời sống, kinh tế xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn phát triển này có một bộ phận học sinh vi phạm đạo đức, có hành vi bạo lực học đường. Sự quan tâm giáo dục của gia đình, nhà trường và cả xã hội, các em sẽ tiến bộ và trở thành một công dân có ích cho xã hội.

Đạo đức của học sinh là một bộ phận không thể tách rời của đạo đức xã hội, vì vậy, việc xây dựng và phát triển đạo đức của học sinh ngoài sự quyết tâm của ngành Giáo dục còn đòi hỏi phải có sự chung tay của gia đình và của toàn xã hội. Việc xây dựng hình thành nhân cách, phát triển đạo đức cho học sinh vừa là mục tiêu cũng vừa là nhiệm vụ của ngành Giáo dục.

Học sinh tham gia đánh nhau thường là học sinh từ lớp 7 đến lớp 10 tương ứng với độ tuổi từ 12 tuổi đến 15 tuổi, ở giai đoạn này, học sinh đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì, tâm sinh lý có nhiều biến động, xốc nổi cực đoan, thích thể hiện bản thân.

Học sinh đánh nhau còn do các em có phát sinh mâu thuẫn trong đời sống học đường như bắt nạt, tình cảm nam nữ, nói xấu nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp trên mạng xã hội, trò chơi trực tuyến...), chứng tỏ sự ảnh hưởng của bản thân đến bạn bè, tập thể (làm “đàn anh”, “chị đại”...).

Các em chưa có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn bằng các phương thức phi bạo lực, chưa có kỹ năng sử dụng mạng xã hội, chưa có kỹ năng chấp nhận sự khác biệt, chưa có định hướng đúng đắn trong cách thể hiện bản thân, chưa có nhiều hiểu biết về pháp luật, chưa tìm được nơi đáng tin cậy để giãi bày các khó khăn vướng mắc, những mâu thuẫn trong đời sống tâm lý nội tâm, để trình báo các nguy cơ bị xâm hại về thể chất cũng như tinh thần, để yêu cầu được giúp đỡ.

Các em học sinh có xu hướng bạo lực trong giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống do bị ảnh hưởng của môi trường xã hội nơi các em sinh sống, phim ảnh, trờ chơi trực tuyến, mạng xã hội...

Cần sự chung tay

Về giải pháp, UBND tỉnh nhấn mạnh, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường và phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường. Ngành Giáo dục phối hợp với các sở, ngành có liên quan như: Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật; kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh. Phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong nhà trường; giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn, Đội, nhân viên, học sinh, sinh viên chịu trách nhiệm thực hiện quy định về bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường.

Xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi học sinh. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, hoạt động xã hội để hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.

Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường; phân công rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong nhà trường để việc thực hiện kế hoạch một cách có hiệu quả; lựa chọn, bồi dưỡng và cử giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh; quan tâm các em học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức xã hội của địa phương xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường; xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh, sinh viên có hành vi bạo lực học đường theo quy định.

Thiết lập các kênh thông tin về bạo lực học đường của cơ sở giáo dục (hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát...) để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường. Bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ tư vấn tâm lý, để thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện và xử lý nhũng mâu thuẫn, xung đột trong trường học.

Tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường trong chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường. Xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội. Tích cực thực hiện nêu gương người tốt việc tốt, đề cao sự gương mẫu của thầy, cô giáo để mỗi thành viên trong nhà trường đều trở thành nhà giáo dục thân thiện, thuyết phục.

Tổ chức ký cam kết phối hợp hằng năm giữa phụ huynh học sinh trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. Thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và phụ huynh học sinh về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường và thống nhất biện pháp giáo dục học sinh; hỗ trợ, cung cấp cho phụ huynh học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.

Thành lập tổ tư vấn tâm lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn tâm lý. Tổ tư vấn tâm lý học đường làm đầu mối tiếp nhận thông tin về các mầm mống bạo lực xảy ra trong trường học, tư vấn giải toả các vướng mắc tâm lý của học sinh, hướng dẫn các em học sinh xử lý các mâu thuẫn theo hướng phi bạo lực. Đối với giải pháp này, hiện nay, ngành Giáo dục đang thực hiện Thông tư 31/2017/TT-BDGĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông; Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục