Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trước kỳ họp thứ 16 của HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri kiến nghị nhiều nội dung, trong đó có vấn đề ngập úng về mùa mưa; nước sạch có dấu hiệu chưa sạch và tiến độ thực hiện một số dự án giao thông.
Ngập úng
Cử tri xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng đề nghị điều chỉnh lưu lượng nước hồ Dầu Tiếng khi xả, tránh gây ngập úng cục bộ, làm thiệt hại cây trồng, hoa màu của dân ven sông Sài Gòn. Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị ngành chức năng khảo sát, xem xét hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại.
UBND tỉnh trả lời
Thực hiện vận hành hồ theo quy trình vận hành đã được phê duyệt, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam đang vận hành hồ Dầu Tiếng đúng theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai ban hành theo Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 25.12.2019 của Thủ tướng Chính phủ và quy trình vận hành hồ chứa nước Dầu Tiếng ban hành theo Quyết định số 3474/QĐ-BNN-TCTL ngày 1.9.2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngày 4.11.2024, Công ty có Thông báo số 127/TB-TLMN-QLN về việc điều tiết xả nước qua tràn hồ Dầu Tiếng đợt 3.2024, xả tràn từ 7 giờ ngày 5.11 đến 7 giờ ngày 13.11, xả tràn với lưu lượng 200 m3/s. Theo thiết kế tràn xả lũ với lưu lượng tối đa 2.800 m3/s, tuy nhiên, hiện nay, hồ Dầu Tiếng mới xả với lưu lượng 200 m3/s.
Hồ Dầu Tiếng xả lũ. Ảnh: Minh Dương
Để bảo đảm an toàn công trình, phòng và giảm lũ cho hạ du, UBND tỉnh đề nghị Công ty chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh, thành phố vùng hạ du hồ Dầu Tiếng tuyên truyền, phổ biến cho người dân vùng ven sông Sài Gòn không canh tác ở những vị trí trũng thấp để tránh bị ngập úng gây thiệt hại đến sản xuất của bà con nhân dân khi hồ phải xả lũ.
Công ty đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du hồ chứa nước Dầu Tiếng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xem xét, phê duyệt.
Do đó, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du hồ chứa nước Dầu Tiếng, Công ty chủ trì phối hợp các địa phương (UBND huyện Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng) xác định hành lang thoát lũ theo mức độ xả lũ của hồ chứa nước để xác định phạm vi ngập, cắm mốc hành lang thoát lũ.
Kiểm tra chất lượng nước sạch
Cử tri xã An Thạnh, huyện Bến Cầu nêu, hiện nay hệ thống cấp nước sinh hoạt do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Tây Ninh cung cấp trên địa bàn xã có lúc nước bị vàng, đục, có cặn bã, không bảo đảm vệ sinh, gây ảnh hưởng sức khoẻ cho người sử dụng. Đề nghị Trung tâm thường xuyên theo dõi, kiểm tra chất lượng nước cũng như có giải pháp khắc phục để nguồn nước bảo đảm chất lượng cho người dân sử dụng.
UBND tỉnh trả lời cho biết, tính đến ngày 20.11.2024, hệ thống cấp nước hoạt động với công suất thực tế là 2.498 m3/ngày.đêm, phục vụ cấp nước cho 5.741 hộ dân (Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Tây Ninh đã đấu nối, hoà mạng lưới tuyến ống hệ thống cấp nước Khu đô thị Mộc Bài với các tuyến ống hiện hữu của 7 công trình cấp nước: Bình Hoà 1 (370 hộ), Bình Hoà 2 (582 hộ), Bình Quới (197 hộ), Phước Thành 1 (369 hộ), Phước Thành 2 (195 hộ) của xã Phước Bình; Phước Hưng mới (185 hộ), Phước Hưng 2 (363 hộ) của xã Phước Chỉ.
Trung tâm mở rộng phạm vi cung cấp nước phục vụ người dân, cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ khảo sát, đấu nối vào nước mới cho 480 hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch từ hệ thống trong phạm vi tuyến ống hiện hữu).
Theo kết quả chương trình giám sát định kỳ (lấy mẫu ngày 26.8.2024) và đột xuất (lấy mẫu ngày 20.9.2024) chất lượng nước sạch năm 2024 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xét nghiệm 17 chỉ tiêu, kết quả: chất lượng nước sạch tại hệ thống cấp nước đô thị Mộc Bài được cải thiện, đạt quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
Thực hiện quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 5 của QCĐP 01:2024/TN quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được UBND tỉnh ban hành ngày 30.5.2024, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn triển khai gói thầu mua sắm dịch vụ xét nghiệm các thông số chất lượng nước sạch của công trình cấp nước tập trung 4 tháng cuối năm 2024.
Theo đó, đã lấy mẫu nước tại hệ thống cấp nước đô thị Mộc Bài và gửi kiểm nghiệm mẫu tại Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn vào tháng 10.2024 (kèm theo 2 phiếu kết quả kiểm nghiệm ngày 19.10.2024). Kết quả: các chỉ tiêu phân tích đạt QCĐP 01:2024/TN quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Tuy nhiên, khi nhận được phản ánh về chất lượng nước cung cấp cho người dân bị vàng, đục, có cặn bã, không bảo đảm vệ sinh, ngày 19.11.2024, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã phối hợp UBND xã An Thạnh lấy mẫu tại hộ dân phản ánh (hộ Trần Thu Hồng) và gửi mẫu đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xét nghiệm, kiểm tra (dự kiến sau 5 ngày có kết quả kiểm tra).
Khi có kết quả, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn sẽ thông tin đến hộ dân và địa phương. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra và thực hiện súc rửa hệ thống xử lý nước, vệ sinh các tuyến ống truyền tải nước sạch bảo đảm nguồn nước đến người dân sử dụng.
Giao thông
Cử tri phường Lộc Hưng, xã Đôn Thuận (TX. Trảng Bàng) đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành dự án đường ĐT.787B, ĐT.789, hiện nay các dự án trên thi công rất chậm, ảnh hưởng đến việc sinh sống và kinh doanh của người dân. Đề nghị quan tâm kiểm tra, nhắc nhở đơn vị thi công thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.
UBND tỉnh trả lời cho biết, Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT.787B, ĐT.789, do Ban Quản lý dự án ngành giao thông (Ban QLDA ngành giao thông) là chủ đầu tư. Ban QLDA ngành giao thông đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công của nhà thầu, đến nay tiến độ thi công đã được đẩy nhanh hơn trước.
Đối với đường ĐT.787B, nhà thầu đang triển khai thảm bê tông nhựa mặt đường, đến nay đã đạt hơn 80% mặt đường. Trong thời gian tới, nhà thầu tiếp tục đẩy nhanh thi công thảm bê tông nhựa mặt đường còn lại, kế hoạch sẽ hoàn thành toàn bộ mặt đường bê tông nhựa trước Tết Nguyên đán 2025.
Đối với đường ĐT.789, Ban QLDA ngành giao thông đã yêu cầu nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, chú ý thi công gói gọn, dứt điểm theo từng đoạn, kết hợp nhanh chóng thảm bê tông nhựa mặt đường ngay khi các đoạn nền đá 4x6 đạt yêu cầu kỹ thuật để tạo sự thuận lợi, êm thuận cho người và các phương tiện tham gia giao thông.
Về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, Ban QLDA ngành giao thông tăng cường kiểm tra, nhắc nhở công tác bảo đảm ATGT của nhà thầu, yêu cầu bố trí đầy đủ cọc tiêu, biển báo, rào chắn, đèn tín hiệu vào ban đêm trong suốt quá trình thi công cũng như tưới nước hạn chế bụi, vệ sinh môi trường.
Việt Đông