Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
UBND tỉnh và ngành chức năng quan tâm thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh
Thứ hai: 17:58 ngày 17/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua buổi giám sát của HĐND tỉnh, UBND tỉnh cho biết, đối với các kiến nghị chậm triển khai thực hiện, còn vướng mắc, UBND tỉnh đang thực hiện, ngay sau khi có kết luận, UBND tỉnh sẽ báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh.

Dãy nhà trước đây được quảng cáo Khu dân cư Cầu Đúc (xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) bị tạm dừng chuyển nhượng, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị sớm giải quyết dứt điểm

Cuối tháng 6 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát đối với UBND tỉnh, sở, ngành liên quan về việc thực hiện các kiến nghị của các cơ quan HĐND tỉnh giai đoạn 2021-2022. Qua giám sát cho thấy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai đến các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát của các cơ quan HĐND tỉnh.

Đến nay, cơ bản các nội dung nêu trong các kết luận, kiến nghị sau giám sát đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời và đạt được nhiều kết quả; các kết luận và kiến nghị được UBND tỉnh và các ngành chức năng quan tâm thực hiện.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 (tháng 7.2021 đến hết năm 2022), các cơ quan của HĐND tỉnh thực hiện 15 cuộc giám sát chuyên đề và 3 phiên giải trình nhằm đánh giá kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng trên nhiều lĩnh vực, kịp thời xác định những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân; từ đó có những đề xuất, kiến nghị phù hợp, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh tồn tại, hạn chế.

Qua đó đã ban hành 140 kiến nghị, trong đó, có 23 kiến nghị chưa đến thời hạn báo cáo tại thời điểm rà soát theo yêu cầu, còn lại 117 kiến nghị được rà soát trong kỳ giám sát (gồm 30 kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh và 87 kiến nghị của các Ban HĐND tỉnh) được chuyển đến UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị.

Qua rà soát, tổng hợp báo cáo của các đơn vị, hầu hết các kiến nghị đều được chỉ đạo và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong các kiến nghị đã và đang thực hiện có 11 kiến nghị (chiếm tỷ lệ 9,4%) còn nội dung cần quan tâm làm rõ thêm hoặc việc triển khai thực hiện còn chậm.

Cụ thể, qua phiên giải trình về công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và việc tách thửa đất, hình thành khu dân cư, nhà ở riêng lẻ ở đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh: Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực thi công vụ, nhiệm vụ quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, xác định rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm dẫn đến những sai phạm trong lĩnh vực đất đai và xây dựng.

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ đối với các trường hợp: Khu nhà ở liền kề suối Cầu Đúc, phía sau chợ Võ Vương, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu; khu dân cư tại ấp Trường Lưu, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành; khu dân cư cuối hẻm 5 đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh.

Kiến nghị này đã được UBND tỉnh chỉ đạo giao Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các dự án, UBND tỉnh sẽ báo cáo HĐND tỉnh kết quả kiểm tra theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, Thường trực HĐND tỉnh vẫn chưa nhận được báo cáo cụ thể của UBND tỉnh về kết quả kiểm tra đối với các trường hợp trên.

Qua khảo sát phúc tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, khu nhà ở liền kề suối Cầu Đúc, phía sau chợ Võ Vương, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu đã được Ban kiến nghị kiểm tra, làm rõ theo Báo cáo số 39/BC-HĐND ngày 3.12.2021. Đến tháng 3.2022, Sở Tài nguyên và Môi trường mới thành lập đoàn kiểm tra đối với UBND huyện Gò Dầu, Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh Gò Dầu, UBND xã Phước Đông. Tuy nhiên, đến tháng 6.2023 (hơn 15 tháng) chưa có kết luận kiểm tra đối với trường hợp này.

Ngoài ra, để bảo đảm cho công tác kiểm tra, từ ngày 16.3.2022 đến nay, Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh Gò Dầu đã từ chối thực hiện các giao dịch đối với đất và tài sản gắn liền với đất trong và ngoài “Khu nhà ở liền kề suối Cầu Đúc” đối với những thửa đất có nguồn gốc tách thửa do hiến đất làm đường.

Điều này dẫn đến việc nhiều người dân gửi đơn khiếu nại do không đồng tình với cách giải quyết của đơn vị, khi không thể thực hiện các giao dịch chuyển nhượng, thế chấp... gây thiệt hại về quyền và lợi ích của người dân. Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh Gò Dầu không có thông báo tạm dừng các giao dịch có liên quan đến khu đất đang thanh tra, chờ kết luận mà chỉ khi người dân có nhu cầu đến thực hiện các thủ tục mới thông báo.

Đơn vị cũng chưa cung cấp được cho Ban Kinh tế - Ngân sách báo cáo số liệu các thửa đất giao dịch trong khu vực này phát sinh từ thời điểm ngày 16.3.2022 đến nay và văn bản thống nhất cho chủ trương tạm dừng giao dịch trong thời gian chờ kết luận kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Một nội dung khác Thường trực HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh là: sớm ban hành quy định quản lý thống nhất việc người dân “hiến đất” xây dựng các công trình công cộng, bảo đảm đúng thẩm quyền, công khai, minh bạch; khuyến khích việc “hiến đất” để phục vụ lợi ích chung của xã hội, nhất là thực hiện các công trình công cộng trong xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt; đồng thời kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc “hiến đất” để tách thửa, phân lô, bán nền, hình thành khu dân cư tự phát không đúng quy hoạch.

Kiến nghị này đã được UBND tỉnh chỉ đạo giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn để thống nhất việc người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước để thực hiện các công trình công cộng.

Tuy nhiên, sau hơn một năm (từ ngày 28.4.2022 đến 30.5.2023), Sở Tài nguyên và Môi trường mới ban hành Hướng dẫn số 3737/HD-STNMT ngày 30.5.2023 về việc thực hiện tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước để dùng vào mục đích công cộng.

Qua khảo sát, một số địa phương phản ánh gặp khó khăn đối với các trường hợp “hiến đất” trước đây để làm mới, mở rộng tuyến đường giao thông trong quá trình xây dựng nông thôn mới nhưng địa phương không thực hiện các thủ tục thu hồi đất, đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân, đến nay các trường hợp này không thể thực hiện các giao dịch chuyển nhượng, thế chấp vay vốn...

Theo Hướng dẫn số 3737/HD-STNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường, điều kiện để người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước để xây dựng công trình công cộng là phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp các quy hoạch không đồng bộ với nhau, việc thực hiện cập nhật, điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch hiện nay lại không đủ cơ sở pháp lý (do trước đây không có chủ trương đầu tư, không thu hồi đất, không có hồ sơ thiết kế, không có đo đạc...).

Ngoài ra, khi đo đạc, người “hiến đất” phải nộp phí chỉnh lý, phí đo đạc là rất bất cập, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất việc miễn thu các phí này trong trường hợp người dân tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước để xây dựng công trình công cộng.

Người dân khám chữa bệnh tại Trung tâm y tế huyện Dương Minh Chău (Ảnh Tâm Giang).

Qua giám sát về tình hình hoạt động của hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh: Sớm rà soát quy định đối với chính sách thu hút, hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ y tế các cấp trong tỉnh, đề xuất HĐND tỉnh ban hành nghị quyết cho phù hợp với tình hình hiện nay, phát huy chính sách ưu đãi, thu hút, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có trình độ cao, tay nghề giỏi về công tác tại tỉnh, chính sách cho nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế; bảo đảm các chính sách, chế độ về tiền lương, phụ cấp theo lương, phụ cấp đặc thù nghề nghiệp, nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức tại các cơ sở y tế; có cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ, viên chức làm công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; xem xét tăng kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên cho hoạt động của các trạm y tế.

Kiến nghị này đã được UBND tỉnh thực hiện, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức nhân viên ngành Y tế tỉnh Tây Ninh. Theo nội dung Nghị quyết, đối tượng là công chức, viên chức và nhân viên ngành Y tế được hỗ trợ thêm hằng tháng (ngoài tiền lương và phụ cấp hiện hưởng), đây là chính sách nhằm hỗ trợ, tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế.

Việc triển khai thực hiện các kiến nghị qua giám sát của HĐND tỉnh giúp các cơ quan chức năng đánh giá lại kết quả thực thi pháp luật của đơn vị, nắm bắt những thông tin triển khai từ cơ sở, từ đó có sự đối chiếu, điều chỉnh phù hợp. Việc rà soát kết quả thực hiện kiến nghị qua giám sát giúp cho UBND tỉnh đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của các sở, ngành phụ trách; tính hiệu quả, khả thi của các quy định, quyết định chỉ đạo, giải pháp triển khai thực hiện trong thực tế, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện. Khoản 2 Điều 22 của Nghị quyết quy định: “Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên được sử dụng nguồn thu để hỗ trợ hằng tháng đối với bác sĩ, viên chức và người được ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm là viên chức y tế theo quy định của pháp luật; nếu đơn vị có chênh lệch thu nhỏ hơn chi thì ngân sách Nhà nước cấp bù”. Ngoài ra, chưa thống nhất trong cách hiểu, xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ hằng tháng đối với công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế.

Qua buổi giám sát của HĐND tỉnh, UBND tỉnh cho biết, đối với các kiến nghị chậm triển khai thực hiện, còn vướng mắc, UBND tỉnh đang thực hiện, ngay sau khi có kết luận, UBND tỉnh sẽ báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh