Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thông tin phản hồi bài báo “Hoả tốc chuyển nhượng tài sản phải thi hành án”:
UBND xã Chà Là quá vội vàng khi làm thủ tục cho chuyển nhượng đất
Thứ hai: 10:08 ngày 26/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc UBND xã Chà Là chưa nhận được quyết định đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Chi cục THADS huyện Dương Minh Châu mà tiến hành thực hiện các thủ tục cho chuyển QSDÐ giữa bà Ngô Thị Mỹ Châu, chị Võ Thị Ni Na (con gái bà Châu) với vợ chồng ông Dương Ðình Huyến và bà Nguyễn Thị Hà là quá vội vàng...

Căn nhà trên phần đất của vợ chồng bà Châu đã được hoả tốc chuyển nhượng trong 13 ngày.

Báo Tây Ninh số ra ngày 7.3.2018 có đăng bài: “Hoả tốc chuyển nhượng tài sản phải thi hành án”. Nội dung bài báo nêu trường hợp bà Trần Thị Ngọc Lan kiện vợ chồng bà Ngô Thị Mỹ Châu (ngụ ở ấp Bình Linh, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu) đòi 145 triệu đồng. TAND huyện Dương Minh Châu tuyên bà Lan thắng kiện. 

Tuy nhiên, khi nhận được bản án có hiệu lực pháp luật và quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước đó của TAND huyện phong toả tài sản của bà Ngô Thị Mỹ Châu, thì chỉ 13 ngày sau, bà Lan biết được tài sản duy nhất của bà Châu để thi hành án cho bà đã được chuyển nhượng cho người khác.

Bà Lan đã gửi đơn đến UBND huyện, TAND huyện Dương Minh Châu yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng QSDÐ nêu trên để bảo đảm thi hành án cho bà. TAND huyện Dương Minh Châu ra quyết định thụ lý vụ án “tranh chấp về yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng QSDД.

Tuy nhiên, sau đó, TAND huyện lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Bức xúc, bà Lan gửi đơn khiếu nại đến TAND tỉnh, các cơ quan liên quan phản ánh sự việc trên cho rằng, việc TAND huyện Dương Minh Châu ra quyết định huỷ bỏ quyết định phong toả tài sản trước đó đã tạo điều kiện cho người phải thi hành án bán tài sản, ảnh hưởng đến quyền lợi của bà.

Sau khi Báo Tây Ninh đăng tải nội dung trên, ngày 20.3.2018, TAND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản phản hồi gửi Báo Tây Ninh, nguyên văn nội dung như sau:

“Sau khi tiếp nhận thông tin về bài viết “Hoả tốc chuyển nhượng tài sản phải thi hành án” của tác giả Ðức Tiến phản ánh trên báo Tây Ninh số 33/2018 ra ngày 7.3.2018 và văn bản số 894-CV/BNCTU ngày 16.3.2018 của Ban Nội chính Tỉnh uỷ yêu cầu Ban cán sự Ðảng Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh làm rõ và báo cáo Ban Nội chinh Tỉnh uỷ về việc phản ánh của Báo Tây Ninh.

Sau khi kiểm tra toàn bộ hồ sơ vụ án và thông tin phản ánh trên Báo Tây Ninh, Ban cán sự Ðảng TAND tỉnh báo cáo Ban Nội chính Tỉnh uỷ và có ý kiến như sau:

Về nội dung vụ việc: Ngày 16.12.2016, TAND huyện Dương Minh Châu thụ lý vụ án “Tranh chấp dân sự về hợp đồng vay tài sản” giữa bà Trần Thị Ngọc Lan là nguyên đơn và bị đơn là bà Ngô Thị Mỹ Châu.

Theo đơn khởi kiện, bà Lan yêu cầu toà án giải quyết buộc bà Châu trả cho bà Lan số tiền nợ gốc là 145.000.000 đồng và lãi suất theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình Toà án giải quyết, bà Lan phát hiện bà Châu đã chuyển nhượng phần đất có diện tích là 309m2 thuộc quyền sử dụng của bà Châu cho vợ chồng ông Dương Ðình Huyến.

Bà Lan cho rằng, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDÐ) của bà Châu là nhằm tẩu tán tài sản để trốn tránh việc trả nợ cho bà Lan sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, nên yêu cầu Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo đảm việc thi hành án cho bà sau này.

Xét thấy, yêu cầu của bà Lan là có căn cứ, nên TAND huyện Dương Minh Châu đã chấp nhận yêu cầu của bà Lan, ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 04/2016/QÐ-BPKCTT ngày 20.12.2016 phong toả tài sản của bà Ngô Thị Mỹ Châu theo quy định tại Ðiều 126 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Quyết định này không bị khiếu nại, có hiệu lực thi hành.

Ngày 10.7.2017, TAND huyện Dương Minh Châu đưa vụ án ra xét xử. Tại Bản án số 26/2017/DS-ST, đã tuyên xử buộc bà Châu phải trả cho bà Lan số tiền 166.000.000 đồng (trong đó tiền gốc 145.000.000 đồng và tiền lãi 21.000.000 đồng), đồng thời vẫn duy trì áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 04/2016/QÐ- BPKCTT ngày 20.12.2016 cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Căn cứ điểm g khoản 1 Ðiều 138 của Bộ luật Tố tụng dân sự và quyết định của bản án 26/2017/DS-ST “Toà án ra ngay quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật”.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Thẩm phán Mai Thanh Tú- chủ toạ phiên toà đã ra Quyết định số 01/2017/QÐ-BPKCTT ngày 17.8.2017 huỷ bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 04/2016/QÐ-BPKCTT ngày 20.12.2016 của TAND huyện Dương Minh Châu.

Ðồng thời, đã gửi quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Viện Kiểm sát, Chi cục THADS huyện Dương Minh Châu, các đương sự và vợ chồng ông Dương Ðình Huyến là cá nhân có liên quan theo quy định tại khoản 2 Ðiều 139 của Bộ luật Tố tụng dân sự để thực hiện.

Ý kiến của Ban cán sự Ðảng về thông tin của Báo Tây Ninh: Bài viết của tác giả Ðức Tiến trên Báo Tây Ninh số 33/2018 nêu trên là thông tin về ý kiến của bà Lan, cho rằng Thẩm phán Mai Thanh Tú ra quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là tạo điều kiện cho bà Châu và ông Huyến làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ theo quyết định của bản án.

Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 04/2016/QÐ-BPKCTT ngày 20.12.2016 của TAND huyện Dương Minh Châu theo quy định tại Ðiều 111 và 112 chỉ có ý nghĩa là tạm thời để chờ kết quả giải quyết của Toà án.

Ðiểm g khoản 1, Ðiều 138 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thẩm phán phải ra ngay quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời khi bản án có hiệu lực pháp luật là xác định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời trong giai đoạn xét xử (kể cả thời gian chờ kháng cáo kháng nghị) đã kết thúc.

Theo quy định tại khoản 1, Ðiều 132 của Luật THADS 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 thì cơ quan Thi hành án phải thực hiện:

“Trường hợp Toà án huỷ bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì ngay sau khi nhận được quyết định của Toà án, thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ thi hành quyết định áp dụng hiện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi có quyết định đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, chấp hành viên làm thủ tục giải toả kê biên, giải toả việc phong toả tài sản…”.

 Theo đó, việc UBND xã Chà Là chưa nhận được quyết định đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Chi cục THADS huyện Dương Minh Châu mà tiến hành thực hiện các thủ tục cho chuyển QSDÐ giữa bà Ngô Thị Mỹ Châu, chị Võ Thị Ni Na (con gái bà Châu) với vợ chồng ông Dương Ðình Huyến và bà Nguyễn Thị Hà là quá vội vàng, mà cần phải chờ các quyết định của cơ quan Thi hành án đối với bản án có hiệu lực của Toà án có liên quan đến việc chuyển nhượng của các bên đương sự trong vụ án.

Như vậy, Thẩm phán - chủ toạ phiên toà ông Mai Thanh Tú ban hành Quyết định số 01/2017/QÐ-BPKCTT ngày 17.8.2017 huỷ bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 04/2016/QÐ-BPKCTT ngày 20.12.2016 của TAND huyện Dương Minh Châu là có căn cứ, đúng pháp luật.

Quyết định số 01/2017/QÐ-BPKCTT ngày 17.8.2017 huỷ bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 04/2016/QÐ-BPKCTT ngày 20.12.2016 của TAND huyện Dương Minh Châu không phải là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo yêu cầu của bà Châu và ông Huyến.

Hiện nay, TAND huyện Dương Minh Châu đang thụ lý đơn khởi kiện của bà Lan về việc yêu cầu “Huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa bà Châu với vợ chồng ông Dương Ðình Huyến.

Ban Cán sự Ðảng Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh báo cáo và trình bày ý kiến về thông tin của Báo Tây Ninh qua bài viết: Hoả tốc chuyển nhượng tài sản phải thi hành án”.

Ðức Tiến

Điều 138. Huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
1. Toà án ra ngay quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị huỷ bỏ;
b) Người phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;
c) Nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Bộ luật Dân sự;
d) Việc giải quyết vụ án được đình chỉ theo quy định của Bộ luật này;
đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng theo quy định của Bộ luật này;
e) Căn cứ của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn;
g) Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật;
h) Các trường hợp Toà án trả lại đơn khởi kiện theo quy định của Bộ luật này.
(Trích Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục