Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
“Đường đi do hộ cá nhân tự chừa, khi cơ quan chức năng đo đạc đã cập nhật vào bản đồ địa chính với chiều ngang quá rộng, ảnh hưởng đến phạm vi sản xuất đất nông nghiệp. Đến khi đường không còn nhu cầu sử dụng, được nhiều người trong khu dân cư xác nhận, việc xin cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) phần đường bị bỏ hoang lại gặp trở ngại. Vì vậy, tôi kiến nghị Nhà nước cấp “sổ đỏ” theo nhu cầu sử dụng thực tế để tránh lãng phí đất”. Đó là ý kiến của bà Hà Thị Nhi (ngụ ấp Phước Lập, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành).
Ông Lực đã mở lối đi khác vào đất rộng thoáng hơn.
Ông Nguyễn Văn Thiện, ngụ ấp 3, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành - người đại diện theo uỷ quyền của bà Hà Thị Nhi gửi đơn đến Báo Tây Ninh trình bày: bà Hà Thị Nhi là người được hưởng di sản thừa kế đối với QSDĐ theo kết quả đo đạc năm 2020 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Tây Ninh - Chi nhánh huyện Châu Thành, phần đất có diện tích 849,6m2, thửa số 562, tờ bản đồ số 50, vị trí đất tại ấp Phước Lập.
Đất có tứ cận: Đông giáp đất anh Dương Tấn Tài là con ruột bà Nhi, Tây giáp đất ông Trần Văn Dũng, Nam giáp đường đất sỏi phún giao thông nông thôn với chiều ngang khoảng 4m, Bắc giáp đất ông Đoàn Văn Lực.
Ngày 23.7.2020, ông Thiện đại diện cho bà Nhi nộp hồ sơ kê khai thừa kế và đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu tại UBND xã Phước Vinh. Chính quyền địa phương đã tiếp nhận đầy đủ hồ sơ và không yêu cầu bổ sung thêm. Ngày 26.8.2020, tổ công tác của UBND xã đến phần đất trên để kiểm tra hiện trạng, lấy ý kiến của khu dân cư và các cận giáp ranh.
Theo đó, anh Tài, ông Dũng, ông Lực đã ký tên vào biên bản, thống nhất không tranh chấp đất với bà Nhi, kể cả phần con đường mà trước đây gia đình bà Nhi chừa cho hai hộ dân phía bên trong đi ngang đất. Anh Tài, ông Dũng, ông Lực đều không có ý kiến gì nếu Nhà nước xét cấp luôn quyền sử dụng phần đất đường cho bà Nhi.
Nói thêm về con đường, ông Thiện cho hay, hai hộ phía bên trong đất của bà Nhi không còn nhu cầu sử dụng đường này. Hộ thứ nhất đã bán đất cho ông Lực và đi nơi khác hơn 10 năm qua, ông Lực cũng đã mở lối đi mới rộng thoáng hơn.
Hộ thứ hai là ông Phan Thanh Xuân hiện ngụ gần đó nhưng cũng đã có đường đi khác thuận tiện (trong đó có đường giao thông nông thôn nêu trên). Hơn nữa, cuối đường giáp với đất bà Nhi là một hố sâu, bản đồ địa chính cũng chỉ thể hiện đường D4 đến đó. Chính vậy, nhiều năm qua không còn ai sử dụng đường này. Nhằm tránh lãng phí đất, bà Nhi đã nộp đơn xin đăng ký QSDĐ theo hiện trạng và nhu cầu thực tế.
Ngày 28.9.2020, UBND xã có Công văn số 989 về việc trả lời đơn cho ông Thiện, bà Nhi. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ xã thống nhất, phần đất nông nghiệp (BHK) thì tiếp nhận đơn giải quyết theo quy định.
Riêng phần con đường D4 tại bản đồ số 50 (bản đồ lưới năm 2010), không cấp phần đất đường cho bà Nhi. Ngày 14.9.2020, Ban quản lý ấp Phước Lập cùng UBND xã và MTTQ lấy ý kiến khu dân cư, về việc xem xét hồ sơ xin đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ diện tích 849,6m2. Qua đó, hai hộ không có ý kiến, đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật; một hộ không đồng ý cấp phần đất con đường cho bà Nhi, theo biên bản thể hiện thì đó là hộ ông Phan Thanh Xuân.
Cũng theo Công văn 989, Hội đồng xét duyệt đơn xin đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ thống nhất không cấp phần đất đường cho bà Nhi như trên là căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 22 Nghị định số 43 ngày 15.5.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
“Như vậy, trường hợp của bà Nhi xin đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu có một phần con đường D4 trên bản đồ số 50 thì không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. UBND xã đề nghị bà Hà Thị Nhi liên hệ cơ quan chức năng điều chỉnh bản vẽ đăng ký phần đất nông nghiệp theo quy định” - công văn của UBND xã Phước Vinh nêu rõ.
Tuy nhiên, theo ông Thiện, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu là của UBND cấp huyện. Việc UBND xã ban hành Công văn trả lời có nội dung: “... trường hợp của bà Nhi xin đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu có một phần con đường D4 trên bản đồ số 50 thì không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ...” là chưa phù hợp thẩm quyền theo quy định.
Đường D4 có chiều ngang quá rộng và chỉ đến cuối thửa đất số 562 của bà Nhi là đường cùng (hướng mũi tên).
Về nội dung trên, bà Nhi thắc mắc rằng, vì sao con đường D4 là lối đi nội bộ cho số ít hộ dân, trên thực tế cũng không còn tồn tại nhưng trong bản đồ số 50 năm 2010 lại thể hiện chiều ngang đường quá rộng, ảnh hưởng đến phạm vi đất sản xuất nông nghiệp của bà.
Mặt khác, tại biên bản lấy ý kiến khu dân cư vào ngày 26.8.2020, ông Phan Thanh Xuân đã đồng ý ký tên để Nhà nước cấp quyền sử dụng phần đất đường cho bà Nhi, tại sao đến ngày 14.9.2020 lại có thêm một biên bản khác thể hiện ý kiến của ông Xuân theo chiều hướng ngược lại?
Về nội dung này, ông Xuân cho biết: “Trước đây có con đường băng ngang qua đất bà Nhi. Lòng đường rộng khoảng 3m, do cha của bà Nhi chừa cho hai hộ dân có đất bên trong đi. Thực tế, hơn 10 năm qua không còn ai sử dụng đường này.
Do một hộ dân phía bên trong đã bán đất đi nơi khác, còn lại là hộ gia đình tôi đã có hai đường đi mới thuận tiện hơn. Tôi không có ý kiến gì về đoạn đường cũ ngang qua đất bà Nhi. Nếu Nhà nước xét thấy hợp lý thì nên cấp khoảng đất đó cho bà canh tác để kiếm thêm nguồn thu nhập”.
Ông Nguyễn Văn Cường- Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết, chiều ngang con đường D4 rộng có thể là do cán bộ đo đạc trước đây đã tính luôn phạm vi cây cối mọc hoang cặp hai bên đường. Về con đường D4 rộng, bà Nhi có thể yêu cầu cơ quan chức năng xem xét đo đạc lại theo hướng hợp lý hơn.
Về đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ của bà, chính quyền địa phương sẽ tiếp nhận giải quyết theo quy định đối với phần đất nông nghiệp (BHK). Riêng phạm vi đất đường D4, UBND xã Phước Vinh đã có báo cáo, xin ý kiến UBND huyện Châu Thành.
QUỐC SƠN