BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ukraine: Người dân vùng Chernobyl muốn về nhà

Cập nhật ngày: 14/08/2012 - 04:50

Tờ nhật báo Sehodnya của Ukraine hôm 13.8 đưa tin, một nhóm người Ukraine đã viết thư gửi lên Thủ tướng Mykola Azarov để xin được trở về quê nhà của họ ở thị trấn Chernobyl – hiện trường xảy ra thảm hoạ nguyên tử làm nhiều người chết nhất trên thế giới từ trước đến nay.

Bức thư có chữ ký của 35 người, tất cả đều là những cư dân vùng Chernobyl trước đây, nhưng họ cho biết hàng trăm người có cùng nguyện vọng là được định cư trong vùng loại trừ quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (ảnh). Những người này nêu lý do là thị trấn Chernobyl và các vùng phụ cận hiện đã không còn bị ô nhiễm.

Thảm hoạ hạt nhân Chernobyl ở Ukraine xảy ra vào ngày 26.4.1986 khi một trong những lò phản ứng của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl phát nổ. Bụi phóng xạ đã lan rộng ra lãnh thổ Nga, Đông Âu và Tây Âu, Anh, Mỹ khiến không khí bị ô nhiễm. Khu vực Ukraine, Belarus, Nga bị ảnh hưởng nặng nề và gần 400.000 người phải sơ tán để tránh nhiễm xạ. Lượng phóng xạ phát ra từ vụ nổ nhà máy lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản ngày 6.8.1945. Đây được coi là thảm hoạ nguyên tử kinh hoàng nhất trong lịch sử.

Không ai được phép sống trong vòng bán kính 30km quanh nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, tuy nhiên vẫn có khoảng 200 người ở lại khu vực này bất chấp thảm hoạ.

Hiện vẫn chưa có hồi đáp từ văn phòng của Thủ tướng Azarov đối với bức thư trên.

Chính phủ Ukraine đã cam kết “cải tạo” lại Chernobyl, và hiện đang xây dựng vỏ bọc mới cho nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Chiếc "quan tài" mới này bằng kim loại cao 105m, dài 260m, nặng 20.000 tấn, sẽ được đặt bên trên nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, bao bọc bên ngoài lớp vỏ bọc bằng bê tông, vốn được phủ lên trên lò phản ứng bị sự cố vài tháng sau khi xảy ra thảm hoạ.

Lớp vỏ bọc mới có thể đảm bảo an toàn hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong vòng 100 năm. Để thực hiện dự án này, Ukraine cần có sự giúp đỡ về tài chính của cộng đồng quốc tế. Chi phí cho việc xây dựng “chiếc quan tài” trên ước tính mất khoảng 1,2 tỷ USD. Phần lớn số tiền này được quyên góp từ sự ủng hộ của chính phủ các nước trên khắp thế giới trong một hội nghị ở Kiev vào năm 2011. Chính phủ Ukraine chỉ đóng góp 6% tổng số tiền xây dựng công trình này.

THUÝ TRINH

Theo Ria Novosti