Công nghệ   Thiết bị số

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ứng dụng công nghệ tạo viên không nhiệt để sản xuất phân bón NPK kết hợp silica từ tro trấu 

Cập nhật ngày: 06/06/2020 - 15:49

BTNO - Vừa qua, Trung tâm Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo khoa học Ứng dụng công nghệ tạo viên không nhiệt để sản xuất phân bón NPK kết hợp silica từ tro trấu.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Tham dự có lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Khuyến nông, đại diện các Phòng Kinh tế hạ tầng, Nông nghiệp của các huyện, thị xã, thành phố. Hội thảo còn có sự có mặt có PGS.TS. Huỳnh Kỳ Phương Hạ-Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.

Mỗi năm, có khoảng 7 triệu tấn phân bón sử dụng ở nước ta bị rửa trôi, thất thoát, tương đương lãng phí hơn 1 tỷ USD/năm - một con số khổng lồ đối với nền nông nghiệp còn kém phát triển của Việt Nam. Lượng phân bón thất thoát này còn là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, làm đất bạc màu và khó phục hồi, dẫn đến biến đổi khí hậu và những hậu quả khó lường khác.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, các loại phân bón hoá học ra đời đã mang lại rất nhiều lợi ích to lớn cho nông nghiệp, đặc biệt là tối đa hoá năng suất cây trồng. Tuy nhiên, chúng cũng tác động tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ con người. Các loại phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh mới thân thiện với môi trường hơn nhưng bước đầu khó đáp ứng được nhu cầu năng suất, chi phí cao và chưa phù hợp với thói quen canh tác của người dân.

Vì vậy, việc kết hợp NPK với nguồn silica thu được từ tro trấu đã xử lý để tạo ra một loại phân bón mới bằng công nghệ nén ép tạo viên không nhiệt sẽ tận dụng hết những ưu điểm của chúng: tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, công nghệ đơn giản, giảm rất nhiều diện tích mặt bằng sản xuất và đầu tư ban đầu, phù hợp với định hướng công - nông nghiệp, chậm tan hơn nên tiết kiệm hơn rất nhiều, đồng thời bổ sung silica cho cây trồng...

Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu sản xuất phân bón NPK-10% silica từ nguồn tro trấu ở Tây Ninh ứng dụng công nghệ ép hạt không nhiệt. Đưa ra quy trình sản xuất đơn giản, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí đầu tư và thân thiện với môi trường; tạo ra sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao, giá thành và chi phí đầu tư thấp.

Qua đó tận dụng nguồn tro trấu dư thừa, giảm thiểu tác hại của tro trấu lên môi trường, đồng thời cải tạo đất, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, nâng cao năng suất cây trồng, tăng cường khả năng chống chịu thời tiết và sâu bệnh của cây.

ThS. Nguyễn Văn Lai–Chủ nhiệm đề tài, phát biểu tại hội thảo.

Đề tài đã thực hiện các nội dung như: khảo sát một số nguồn tro trấu thải ra tại các lò đốt ở Tây Ninh, từ đó tìm ra nguồn cung cấp nguyên liệụ thích hợp nhất cho việc sản xuất phân NPK- 10% silica; xây dựng quy trình sản xuất phân bón NPK theo công nghệ nén ép tạo hạt; khảo sát thành phần nguyên liệu ép và chế độ ép ảnh hưởng đến tính chất và khả năng bảo quản của phân bón NPK 10% silica.

Đề tài đã khảo nghiệm sản phẩm trong quy mô phòng thí nghiệm và đánh giá khả năng ứng dụng cùa sản phẩm; chế tạo thiết bị nén ép hạt sản xuất phân bón với năng suất 1 – 1,5 tấn/giờ và kết hợp với Trung tâm Khuyến nông thử nghiệm trên đồng lúa.

Kết quả thử nghiệm trên đồng lúa được thực hiện với 3 mẫu đối chứng; mẫu thí nghiệm 1 (TN1) sử dụng 100% (so với lượng phân bón mẫu đối chứng) phân bón sản phẩm đề tài; mẫu thí nghiệm 2 (TN2) sử dụng 80% phân bón sản phẩm đề tài. Kết quả cho thấy: mẫu TN1 và TN2 cây cứng hơn, bụi to hơn so với thì nghiệm đối chứng, bước đầu cho thấy hiệu quả của việc bổ sung silica vào phân bón.

Nhóm nghiên cứu cho biết, có thể thấy được triển vọng ứng dụng phân bón trong trường hợp mùa mưa, giúp cây lúa đứng vững hơn, giảm thiểu thiệt hại khi giông bão. Đây cũng là một ưu điểm của sản phẩm khi ứng dụng trên đồng ruộng. Kêt quả thu được sản phẩm từ 3 thí nghiệm cho thấy các TN1 và TN2 lúa chín chậm hơn so với thí nghiệm đối chứng khoảng 7 – 9 ngày (TN2 chậm hơn TN1).

Tuy nhiên, sản lượng của cả 3 thí nghiệm là tương đương nhau (6,5 tấn/ha). Kết quả này cho thấy triển vọng của phân bón bổ sung silica, tạo viên với silica, hạt cứng chắc, tăng khả năng giữ nước và giảm thời gian tan rã nên việc thất thoát dinh dưỡng thấp hơn, dẫn đến hiệu quả sử dụng phân bón tốt hơn.

Các đại biểu xem quy trình sản xuất phân bón bổ sung 10% silica từ tro trấu bằng công nghệ ép viên không nhiệt.

Để kết quả nghiên cứu chính xác hơn và có thể đưa vào sản xuất thực tế với quy mô lớn, cũng như cải tiến đặc tính của sản phẩm phân bón nén ép NPK 16-16-8 bổ sung 10% silica, nhóm nghiên cứu đề xuất trên đồng lúa thực tế, cần tiến hành các thí nghiệm với nhiều chế độ bón phân hơn, ví dụ 90%, 70%, 60%... lượng sản phẩm so với quy trình trồng lúa chuẩn (trong thí nghiệm đối chứng). Từ đó, kết luận lượng phân bón bao nhiêu là tốt nhất hay tương đương kết quả với mẫu đối chứng.

Bên cạnh đó, khảo sát khả năng cải tạo/phục hồi đất trong nhiều mùa khi sử dụng các chế độ phân bón khác nhau so với chế độ đối chứng. Việc này cho thấy khả năng tiết kiệm phân bón, mức độ cải thiện, từ đó tạo cơ sở cho việc tính toán lợi ích thu được từ sản phẩm của đề tài.

Nhóm cũng đề xuất khảo nghiệm phân bón NPK 16-16-8 bổ sung 10% silica trên diện tích lớn, với nhiều loại cây trồng, đất đai, mùa vụ để kết quả chính xác và toàn diện hơn. Từ đó, mở rộng khả năng ứng dụng của sản phẩm không chỉ trên cây lúa mà còn trên các loại cây nông/công nghiệp khác, tăng cao giá trị sử dụng của sản phẩm từ đề tài.

Trúc Ly


Liên kết hữu ích