Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Với nông dân làm nông nghiệp thông minh nên bắt đầu từ những kỹ thuật, công nghệ đơn giản, dễ ứng dụng. Trong đó, hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống được điều khiển, cài đặt trên chiếc điện thoại thông minh, ngày càng được nhiều nông dân ứng dụng.
Ông Thanh điều khiển hệ thống tưới tự động bằng điện thoại
Để chăm sóc vườn sầu riêng và nhãn Ido rộng hơn 20 ha, hiện ông Nguyễn Văn Thanh (ấp Thạnh Sơn, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên) có thể ngồi tại nhà và điều khiển hệ thống thiết bị tưới nước tự động, thông qua chiếc điện thoại thông minh.
Ông Thanh cho biết, chỉ cần những thao tác đơn giản thông qua điện thoại, dù ở cách xa cả trăm km, hệ thống cũng sẽ tự động vận hành, thực hiện các công việc như bơm nước từ giếng lên bể chứa; dẫn nước tới các béc phun đã chôn sẵn trên các luống cây trồng theo từng khu vực; hệ thống sẽ tưới theo thời gian đã cài đặt cho từng khu vực, tùy thuộc vào từng loại cây trồng.
Ông Thanh cho biết thêm, mất khoảng 2 giờ đồng hồ là hệ thống tự động có thể tưới xong 20 ha sầu riêng vã nhãn, sau đó công tắc sẽ tự động tắt hệ thống. Trong khi đó, nếu làm theo truyền thống, ông phải thuê 5 nhân công, tưới liên tục cả ngày mới xong 20 ha và chi phí phải trả khoảng 1,5 triệu/ngày.
Để nâng cao hiệu quả và cải tiến công nghệ trong sản xuất, ông Thanh đã lắp đặt hệ thống tưới thông minh “3 trong 1” với các chức năng phun thuốc, tưới nước và bón phân. Với hệ thống tự động này, cho dù ở nhà hay ở nơi đâu, ông Thanh vẫn có thể chăm sóc vườn cây chu đáo, đúng giờ theo lịch đã cài đặt sẵn. Để chứng minh, ông Thanh cầm chiếc điện thoại di động, mở app bấm vào lịch tưới, chỉ nửa phút sau toàn bộ vườn cây nước phun bay mù mịt.
Hệ thống tưới tự động cho cây ăn trái đang được nhiều nhà vườn áp dụng
Theo ông Thanh, tính về hiệu quả lâu dài, sản xuất sạch có chi phí rẻ hơn so với thói quen lạm dụng phân, thuốc chạy theo năng suất như trước đây. Do vậy, ông tự ủ phân bón hữu cơ, không sử dụng thuốc diệt cỏ mà cho cắt cỏ tại chỗ phủ lên đất, ưu tiên sử dụng thuốc và các giải pháp sinh học trong phòng và trừ bệnh cho cây.
Ông Thanh tâm sự: “Thị trường hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn, nông dân càng cần đầu tư công nghệ, kỹ thuật mới để giảm giá thành sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn thì mới tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường”.
Để quản lý và chăm sóc trang trại trên 50ha gồm cam sành, cam xoàn, sầu riêng, nhãn Ido, quýt đường theo quy trình sản xuất hữu cơ, ông Lê Minh Quốc Hưng (ấp Tân Thạnh, xã Tân Bình, huyện Tân Biên) đã áp dụng quy trình tự động trong nhiều khâu như: quy trình tưới nước, bón phân, xử lý sâu bệnh gây hại.
Ông Hưng cho biết, quá trình sản xuất nông nghiệp ngày càng thông minh như hiện nay, nếu dùng sức người thì có khi thuê cả trăm lao động cũng không xuể việc, hiệu quả chắc chắn không như mong muốn. Theo đó, toàn bộ các giàn phun, tưới trong vườn được ông Hưng điều khiển bằng máy móc tự động, lúc này nước, phân bón, thuốc vi sinh được đưa về từng cây đồng đều, cân đối theo nhu cầu của cây trồng tùy từng giai đoạn. Việc ứng dụng công nghệ mới giúp ông Hưng quản lý sâu bệnh hại cho cây trồng, từ đó trang trại của ông Hưng mới có thể chuyên cung cấp các sản phẩm sạch, an toàn cho thị trường và giá cả luôn ổn định.
Hiện trang trại của ông Hưng cho thu hoạch trái cây mỗi vụ với sản lượng lớn: 110 tấn nhãn, 300 tấn cam xoàn, 600 tấn quýt đường, 130 tấn cam sành. Toàn bộ sản phẩm đều đạt được sản xuất theo quy trình hữu cơ, nên giá bán và đầu ra sản phẩm luôn ổn định.
Sử dụng điện thoại thông minh để vận hành, kiểm soát tự động trong sản xuất cũng đang là lựa chọn của ông Nguyễn Văn Tĩnh (thị trấn Tân Biên). Theo ông Tĩnh, đổi mới phương thức sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị cây ăn trái.
Trên diện tích 50ha bưởi da xanh, việc tưới tiêu cho khu vườn này trong nhiều năm nay đã được ông Tĩnh từng bước ứng dụng công nghệ để thực hiện, đặc biệt là trong công đoạn tưới và bón phân cho cây.
Ông Tĩnh cho biết, công việc này vốn rất mất thời gian và sức lực, nhất là trong những tháng khô hạn, trong khi đó yêu cầu về chăm sóc cũng nhiều công phu. Khoảng 2 năm nay, mỗi ngày ông chỉ cần bỏ ra khoảng 5-10 phút để hoàn tất các thao tác tưới cây, các công đoạn còn lại, hệ thống máy móc sẽ thực hiện giúp ông.
Theo ông Tĩnh, trước đây, việc tưới cây mất rất nhiều thời gian, thường chiếm cả ngày liền, lại khá vất vả do phải di chuyển ống bơm tới từng khu vực mà chỉ thuê 2- 3 người phụ trách kiểm tra các công đoạn như sửa bét phun nước, điều chỉnh van nước… trong khi đó tưới truyền thống sẽ tốn gần 20 người phục vụ cho 50 ha, tốn rất nhiều chi phí, nhưng hiệu quả mang lại không cao.
Chưa kể khi cây trưởng thành, cao tầm 3-5m thì việc tưới bằng ống theo phương pháp truyền thống cũng không thể vươn đến ngọn để có thể xịt rửa sương muối gây hại cho cây trồng. “Đơn giản lắm, chỉ cần 1 chiếc điện thoại có sóng, vài thao tác là có thể vận hành được hệ thống tưới tự động, ngay cả khi mình không có mặt tại vườn. Vừa hiệu quả, lại tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức” ông Tĩnh chia sẻ.
Ông Tĩnh cho biết thêm, giờ làm vườn ứng dụng công nghệ tự động đỡ phải dùng tay chân, cây cho năng suất, hiệu quả vượt trội. Ngoài sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí, công nghệ tưới phun tự động còn giúp người nông dân hạn chế tiếp xúc với các loại thuốc, phân hóa học, giảm sự độc hại cho nhà vườn.
Mặc dù ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sẽ mở ra thời đại làm nông nghiệp hoàn toàn mới với quy trình khép kín bằng công nghệ như giống chất lượng cao, phân bón hữu cơ; tự động hóa cả khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến...
Tuy nhiên, hiện nay khái niệm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh đối với nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn rất hạn chế, nông dân sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nên chịu rủi ro cao, giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp thấp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cần được ưu tiên thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Để làm được điều này, trước tiên cần tập trung thay đổi nhận thức của nông dân, những người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm. Nông dân phải nhận thức được sản phẩm làm ra như thế nào là sản phẩm sạch hay không sạch và nhận thức được những giá trị chênh lệch giữa 2 loại sản phẩm này để chọn lựa và định hướng được cách thức sản xuất.
Nhi Trần