Đọc báo in
Tải ứng dụng
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục: Phục vụ đắc lực cho hoạt động dạy và học
2012-07-19 05:32:00

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học đã tạo ra sự khác biệt rất lớn so với trước đây.

(BTN)- Chỉ sau một thời gian ngắn được triển khai, thực hiện, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho sự phát triển của ngành Giáo dục đã thể hiện được tính hiệu quả, giàu sức thuyết phục của nó.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), đến hết năm học 2011-2012, có 563 đơn vị giáo dục gồm trường học và các cơ quan quản lý giáo dục các cấp trong tỉnh đều đã được kết nối mạng internet. Trong số này, có 373 đơn vị kết nối internet mạng Viettel, số đơn vị còn lại dùng mạng internet do Viễn thông Tây Ninh cung cấp.

Công nghệ thông tin thực sự đóng vai trò đắc lực trong việc hiện đại hoá các hoạt động quản lý cũng như hoạt động chuyên môn của ngành Giáo dục. 9 phòng giáo dục của 9 huyện, thị trong tỉnh đều đã có website riêng nên việc quản lý, điều hành trở nên tiện lợi và tiết kiệm hơn nhiều so với trước kia. Phần lớn công văn, thông báo kết quả hội giảng, thống kê, báo cáo công tác định kỳ hằng tháng, hằng quý, hằng năm đã được tin học hoá gần như hoàn toàn. Các hệ thống mạng internet, thư điện tử từ Bộ GD-ĐT đến địa phương hoạt động ổn định, truyền dữ liệu thông suốt. Trong các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh, chỉ cần một vài thao tác đơn giản, thông tin đã được gửi đến nơi nhận một cách nhanh chóng nhất.

Học sinh Tây Ninh ngày càng dễ dàng tiếp cận phương tiện học tập hiện đại.

Trong năm học 2011-2012, Phòng Giáo dục trung học thuộc Sở GD-ĐT đã triển khai nhiều phần mềm ứng dụng hữu ích. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các đơn vị tiếp tục khai thác các chương trình, phần mềm phục vụ cho công tác tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi, tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp, kế toán, quản lý tài chính, quản lý nhân sự... Một số trường học có điều kiện cơ sở vật chất tốt như Trường tiểu học Kim Đồng, Thực nghiệm Giáo dục phổ thông, THPT Tây Ninh, THPT Lý Thường Kiệt, THPT Chuyên Hoàng Lê Kha và đơn vị Phòng GD-ĐT Thị xã được chọn làm điểm ứng dụng công nghệ thông tin.

Số bài giảng bằng giáo án điện tử ngày càng nhiều, năm học qua có tổng cộng 32.769 tiết giảng bài bằng giáo án điện tử. Công nghệ thông tin đang thúc đẩy quá trình đổi mới cách thức dạy và học. Thực tế cho thấy, những giáo viên có kiến thức về tin học, biết ứng dụng tin học vào giảng dạy, thì tiết dạy sẽ sinh động hơn so với cách dạy học bằng giáo án truyền thống. Từ buổi đầu chỉ biết võ vẽ đôi điều về tin học, với trình độ chỉ ở mức vỡ lòng, đến nay, nhiều giáo viên phổ thông đã có thể ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho hoạt động chuyên môn hằng ngày của mình một cách thành thạo. Trong các tiết dạy hội giảng vòng huyện, vòng tỉnh, chỉ trừ một số giáo viên chưa thật tự tin khi sử dụng máy tính, phần lớn đã có thể “trình diễn” các tiết dạy này bằng giáo án điện tử một cách suôn sẻ, trôi chảy.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học đã tạo ra sự khác biệt rất lớn so với trước đây. Hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với giáo viên được sử dụng khá thường xuyên, thuần thục ở dạng bài trình chiếu bằng phần mềm PowerPoint. Cho đến nay, nhiều trường học đã ứng dụng cách tính điểm số, quản lý giáo viên và học sinh, sổ liên lạc điện tử bằng phần mềm do Viễn thông Tây Ninh cung cấp. Môi trường internet tiện lợi đã tối ưu hoá công việc của số đông giáo viên.

Tuy vậy, khó khăn mà ngành Giáo dục đang gặp phải trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là các đơn vị trường học cũng như các cấp quản lý chưa có bộ phận chuyên trách phụ trách về mảng này. Số cán bộ giáo viên có trình độ tin học còn hạn chế, đặc biệt là ở khối mầm non, tiểu học, THCS, vì vậy còn khó khăn trong việc ứng dụng các phần mềm đã triển khai. Hơn 30% cán bộ quản lý hiện vẫn chưa thực hiện được việc ứng dụng công nghệ thông tin thường xuyên. Nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục chủ yếu dành để chi cho con người (lương, các khoản phụ cấp), phần chi khác còn lại không nhiều nên chưa thể đầu tư tốt hơn để tiến tới hiện đại hoá một cách đồng bộ, nhằm cải thiện chất lượng dạy học. Một số trường vùng sâu, vùng xa đến nay vẫn chưa có phòng máy tính. Ngoài 32 trường THPT đã được trang bị mỗi trường một phòng máy tính gồm 50 máy, các bậc học còn lại còn thiếu rất nhiều. Cụ thể, số trường THCS có từ 20 máy vi tính trở lên mới chỉ đạt hơn 61%, số máy chiếu được cung cấp đạt 38%. Ở bậc tiểu học, trong tổng số 272 trường chỉ có 50 trường được trang bị từ 1 đến 2 phòng máy vi tính (tương đương khoảng 18%). Một số trường học mặc dù có máy tính nhưng đã cũ, lạc hậu. Theo kế hoạch, trong năm học 2012 - 2013, các loại máy vi tính có từ năm 2000 trở về trước sẽ được thay thế, phấn đấu từ nay đến năm 2013 trang bị phòng máy tính cho 60% trường THCS.

Một chuyện không thể không đề cập đến: tính hữu ích của công nghệ thông tin đến đâu còn tuỳ thuộc cách thức, thái độ của người sử dụng. Đã có khá nhiều chuyện đáng suy nghĩ xung quanh việc phổ cập internet đến trường học nói chung và trường học ở nông thôn nói riêng. Thời gian qua, việc sử dụng internet sai mục đích diễn ra còn tương đối phổ biến ở các trường học. Có người lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà cung cấp dịch vụ đối với ngành Giáo dục để làm những việc không hay: coppy bài giảng, coppy sáng kiến kinh nghiệm của người khác làm của mình hoặc sử dụng mạng chỉ để… chơi game một cách vô tội vạ. Đó cũng là một sự lãng phí.

VIỆT ĐÔNG

 

Từ khóa:
Tin liên quan