Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Gần đây, nhiều hộ làm nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh tích cực đưa máy móc vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm sức lao động, nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao.
Phơi bánh tráng. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông
Trên địa bàn tỉnh có các nghề truyền thống như: nghề làm bánh tráng, làm muối ớt, chế biến nông - lâm - thuỷ sản; đan lát; rèn… Trong những năm qua, ngành nghề nông thôn phát triển tương đối ổn định. Một số nghề truyền thống như đan lát, sản xuất bánh tráng, muối ớt… có xu hướng phát triển mạnh, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, hầu hết hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, mang tính chất hộ gia đình, chủ yếu là lao động thủ công, thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu vốn, thiếu tính liên kết và hợp tác trong sản xuất; nhiều sản phẩm chưa có nhãn hiệu, thương hiệu, chất lượng chưa ổn định, sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp khác còn hạn chế.
Máy làm bánh tráng của gia đình anh Tuyển.
Ðể giữ gìn nghề truyền thống, đưa sản phẩm vươn xa, nhiều hộ dân mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Anh Lê Trung Thời (ngụ ấp Trường Cửu, xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành) làm nghề mộc đã hơn 10 năm nay.
Trước đây, mọi công đoạn làm bàn, ghế, tủ... đều được anh thực hiện thủ công. Năm 2019, anh Thời quyết định vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua một số máy móc đưa vào sản xuất. Theo anh Thời, sản xuất thủ công tốn nhiều thời gian và công sức so với hệ thống máy móc, sản phẩm thủ công không đồng bộ, không đẹp bằng.
Chị Võ Thị Nguyên Thu (ngụ phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng) theo nghề làm bánh tráng từ hơn 10 năm nay. Ðiều mà chị trăn trở nhất là làm thế nào để đưa công nghệ vào quá trình sản xuất, giúp tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Nghĩ là làm, vợ chồng chị đầu tư hệ thống dây chuyền tráng bánh tự động.
Chị Thu cho biết, trước đây, khi làm thủ công, mỗi ngày cơ sở chị chỉ tráng được khoảng 100-200 vỉ bánh/người. Nay sử dụng máy tráng bánh tự động, từ 5 giờ sáng đến 2 giờ chiều, cơ sở làm ra được khoảng 1 tấn bánh, vừa giúp giảm công lao động, vừa tăng doanh thu đáng kể.
Anh Chiêm Ngọc Tuyển (ngụ phường Trảng Bàng) là một trong những người bén duyên với nghề làm bánh tráng từ hơn 10 năm nay. Ðối với anh Tuyển, việc đưa công nghệ vào sản xuất không chỉ giúp tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, mà quan trọng hơn hết là tạo ra những sản phẩm uy tín, chất lượng đưa tới người tiêu dùng. Theo anh đánh giá, máy làm bánh giảm được phần lớn các công đoạn làm tay, công suất tăng gấp nhiều lần, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng.
Sản phẩm bánh tráng sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất của cơ sở Chiêm Ngọc Tuyển đã có mặt trên thị trường.
Có thể thấy rằng, sự phát triển của nghề truyền thống góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh các làng nghề, các cấp, các ngành liên quan cần có nhiều chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư về hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh các chương trình khuyến công, đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm và hình ảnh làng nghề. Ðồng thời, mỗi cơ sở, làng nghề cần chủ động trang bị thêm kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử để có thể giới thiệu sản phẩm ra thị trường thế giới.
Vũ Nguyệt