Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ứng dụng IoT vẫn chưa vượt qua giai đoạn thí điểm
Thứ tư: 05:00 ngày 07/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Internet Vạn vật (IoT) có tiềm năng rất lớn nhưng phần lớn vẫn chưa vượt qua giai đoạn thí điểm, chưa tương xứng với hiệu quả.

Thông tin vừa được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo “Internet Vạn vật - Từ truyền thông đến hiện thực” ngày 6/3, tại Hà Nội. Hội thảo do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Xuân Đích -  Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, những năm gần đây, IoT ngày càng trở nên gần gũi hơn với đời sống. Đây chính là nền tảng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có tiềm năng rất lớn, có thể đi sâu vào nhiều lĩnh vực.

Ở một số nước trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đã biết sử dụng IoT làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng phần lớn các dự án thí điểm sử dụng IoT chỉ tập trung vào một số ý tưởng khá giống nhau, chưa tương xứng với hiệu quả.

Theo Báo cáo của WB, chính phủ các nước đang tích cực sử dụng IoT nhằm phục vụ công dân của mình tốt hơn nhưng cũng đang gặp phải nhiều cản trở nhất định như: mới có rất ít sáng kiến vượt qua khỏi giai đoạn thí điểm, mô hình kinh doanh chưa phát triển đủ mức để duy trì hạ tầng IoT lâu dài, bối cảnh chính trị chưa đáp ứng yêu cầu…

Hội thảo công bố Báo cáo “Internet Vạn vật - Từ truyền thông đến hiện thực” của WB. (Ảnh: C.A)

Ông Prasanna Lal Das, Chuyên gia Quản lý Tri thức trưởng (WB) cho biết: “IoT có tiềm năng rất lớn nhưng đòi hỏi Chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức xã hội, đoàn thể phải tiến hành một cách có hệ thống và dựa trên thông tin đầy đủ”.

Ông Prasanna Lal Das cũng nhấn mạnh, Báo cáo này là bước đi đầu tiên nhằm đánh giá tiến độ của chính phủ các nước trong quá trình đưa IoT vào hoạt động của mình.

Báo cáo chỉ rõ, hầu hết các cơ quan chính phủ vẫn còn xa lạ với IoT cũng như cách thức áp dụng vào công việc chức năng của mình. Theo đó, ứng dụng IoT của khối nhà nước vẫn còn trong thời kỳ sơ khai và phần lớn các dự án thí điểm chỉ tập trung ở một số ý tưởng khá giống nhau như hệ thống đèn đường thông minh, quản lý giao thông vận tài, xử lý rác thải rắn hay an ninh công cộng.

Nhiều chính phủ thừa nhận, nhà nước đóng vai trò tạo lập, hỗ trợ môi trường để những công nghệ mới như IoT có thể được ứng dụng, phổ biến và phát triển.

Đơn cử như sáng kiến “Nền tảng công nghiệp 4.0” (Đức), “Chiến lược kỹ thuật số” (Anh), sáng kiến “Quốc gia thông minh” (Singapore)… cho thấy rõ sự cam kết của các chính phủ muốn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ tăng cường ứng dụng các công nghệ IoT. Tuy nhiên, phần nhiều những nỗ lực này mới chỉ dừng ở mức định hướng dứng dụng IoT trong hoạt động doanh nghiệp.

Báo cáo chỉ rõ, hầu hết các cơ quan chính phủ vẫn còn xa lạ với IoT cũng như cách thức áp dụng vào công việc chức năng của mình. (Nguồn: Shutter Stock)

Báo cáo “Internet vạn vật: Từ truyền thông đến hiện thực” của Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra những đặc điểm chung của các chương trình thí điểm thành công và đưa ra đề xuất với chính phủ các nước.

Cụ thể, lãnh đạo biết khơi nguồn cảm hứng là một yếu tố quan trọng để khởi động dự án, thúc đẩy tiến độ và duy trì đà phát triển; mô hình đô thị thông minh là động lực chính của các chương trình IoT. Ngoài ra, chú trọng yếu tố địa phương cũng như phát triển mô hình bền vững thông qua đối tác công tư cũng sẽ giúp ứng dụng IoT thành công.

Báo cáo đề xuất, nhà nước cần chủ động, liên tục tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, tạo cân bằng về thể chế, đảm bảo sự phù hợp với định hướng chung và các mục tiêu chiến lược. Bên cạnh đó, cần khuyến khích xây dựng các chương trình, cơ chế hợp tác nhà nước - tư nhân - viện, trường cũng như nghiên cứu, ứng dụng các mô hình kinh doanh tại chỗ.

Nguồn baoquocte

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục