Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Ứng dụng số trong ngành hàng tiêu dùng nhanh
Thứ bảy: 15:56 ngày 12/07/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngành hàng tiêu dùng nhanh cung cấp các hàng hóa thiết yếu cho cuộc sống của mỗi gia đình như thực phẩm, đồ uống, sản phẩm vệ sinh cá nhân,… Đây cũng là ngành đóng góp lớn vào tổng mức bán lẻ, tác động trực tiếp đến ổn định xã hội và an ninh tiêu dùng.

Sản xuất đồ gia dụng tại nhà máy của Tập đoàn Sunhouse. (Ảnh TUỆ NGHI)

Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh cũng là động lực để thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng thị trường trong nước, góp phần phát triển kinh tế và tạo nhiều việc làm.

Xu hướng tiêu dùng số

Sự bùng nổ về công nghệ hay tăng trưởng “nóng” của thương mại điện tử,… đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường tiêu dùng. Theo Bộ Công thương, từ năm 2021 đến nay, tổng mức bán lẻ ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trung bình 6%/năm, thể hiện sức mua ổn định và tăng dần của người tiêu dùng.

Hàng hóa tiêu dùng nhanh có chu kỳ sử dụng ngắn, biên lợi nhuận không lớn nhưng tốc độ quay vòng nhanh, thường được bán với số lượng lớn, giúp doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ có dòng tiền luân chuyển liên tục. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tận dụng tốt cơ hội thị trường để mở rộng quy mô kinh doanh. Tuy nhiên, đây cũng là ngành có sự cạnh tranh cao, các doanh nghiệp cả lớn lẫn nhỏ phải liên tục cọ xát về giá, chất lượng, dịch vụ. Không những vậy, ngành này còn rất nhạy cảm với thị trường, phản ánh xu hướng tiêu dùng thay đổi.

Trưởng bộ phận Thương mại điện tử của Lotte Mart Việt Nam Đào Thanh Tùng cho biết: Thương mại điện tử đã trở thành cấu phần cốt lõi của ngành bán lẻ hiện đại. Năm 2024, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng hơn 22%, nhanh thứ 2 khu vực Đông Nam Á và dự kiến chiếm 10% tổng mức bán lẻ năm 2025. Internet và các nền tảng số đã trở thành nguồn tham khảo quan trọng để người tiêu dùng so sánh giá cả, đánh giá chất lượng sản phẩm. Thương mại điện tử không chỉ thay đổi hành vi tiêu dùng, mà còn định hình lại toàn bộ hệ sinh thái ngành bán lẻ, trở thành động lực chiến lược để doanh nghiệp phát triển bền vững và cạnh tranh trong thời đại số.

Theo bà Trần Diệu Hương, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương), các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki hiện đã trở thành kênh mua sắm quen thuộc của người tiêu dùng đô thị. Bên cạnh đó, theo khảo sát, 73% số người tiêu dùng đô thị tìm kiếm thông tin trên mạng trước khi mua hàng. Các mô hình bán lẻ đa kênh, tích hợp thanh toán không tiền mặt cũng đang được các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh tích cực triển khai.

Người tiêu dùng có thể mua sắm qua nhiều kênh khác nhau như cửa hàng vật lý, website, ứng dụng di động,... Các mô hình O2O (Online to Offline - kết hợp đan xen phương thức bán hàng trực tuyến với thực tế) hay BOPIS (Buy Online, Pick Up In Store - mua trực tuyến, nhận hàng tại cửa hàng) cũng đang ngày càng phổ biến tại các đô thị lớn. Các mô hình kinh doanh mới này giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển.

Đồng bộ các hỗ trợ

Từ kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh ứng dụng chuyển đổi số, Giám đốc Vận hành Lazada Việt Nam Đoàn Trang Hà Thanh cho biết: Số hóa hệ thống phân phối không chỉ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí vận hành mà còn nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, nhất là với các sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn như thực phẩm tươi sống. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh trên kênh thương mại số.

Số hóa hệ thống phân phối không chỉ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí vận hành mà còn nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, nhất là với các sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn như thực phẩm tươi sống. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có cơ hội mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh trên kênh thương mại số.

Giám đốc Vận hành Lazada Việt Nam Đoàn Trang Hà Thanh

Vì vậy, các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh nên chủ động đẩy mạnh số hóa vận hành ở các khâu logistics, lưu kho và xử lý đơn hàng; đầu tư xây dựng năng lực vận hành bền vững trên nền tảng số; tăng cường bán hàng qua livestream và tham gia chương trình “Mega Sales” do các sàn thương mại điện tử tổ chức để mở rộng kênh phân phối.

Về chính sách, bà Thanh kiến nghị Nhà nước tiếp tục ưu tiên thúc đẩy và giới thiệu thương mại điện tử như kênh phát triển kinh tế quan trọng; tổ chức các chương trình kết nối cung-cầu thương mại điện tử với quy mô lớn; tạo điều kiện phát triển thuận lợi hơn cho thương mại điện tử xuyên biên giới, nhất là với ngành nông sản, thực phẩm.

Theo bà Trần Diệu Hương, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã xác định chuyển đổi số là đột phá chiến lược, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn trong phân phối và quản lý chuỗi cung ứng. Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cũng mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng, đất đai, công nghệ cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bán lẻ cũng như sản xuất hàng tiêu dùng nhanh.

“Quan trọng là giải pháp hỗ trợ trong thời gian tới cần đồng bộ về thể chế, hạ tầng lẫn công nghệ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy xây dựng ngành hàng tiêu dùng nhanh trở thành động lực tăng trưởng nội địa bền vững. Cụ thể, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình bán hàng như O2O, livestream hay thương mại điện tử đa nền tảng; xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp”, bà Hương nhận định.

Song song với đó, Nhà nước đầu tư phát triển hệ thống logistics hiện đại, có các kho lạnh bảo quản hàng hóa tươi sống, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại điện tử nội địa. Với doanh nghiệp, cần triển khai nhiều hơn giải pháp hỗ trợ tín dụng, cung cấp vốn vay ưu đãi; phát triển nguồn nhân lực thông qua các khóa đào tạo về công nghệ số và quản trị doanh nghiệp,...

Nguồn nhandan

Xem link gốc
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh