Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa
Thứ tư: 17:15 ngày 26/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Để tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cung ứng cho thị trường, những năm gần đây, nông dân trồng lúa đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả, giúp tăng thêm lợi nhuận và cải thiện môi trường canh tác.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh cùng với các ngành chức năng có liên quan đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa của nông dân để tăng thu nhập, thoát nghèo, vươn lên khá, giàu.

Trước đây, nông dân trồng lúa trên địa bàn xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu thường gieo sạ lúa với mật độ rất dày, khoảng 200- 220 kg lúa giống/ha, đẩy chi phí sản xuất lúa lên cao, lợi nhuận thấp.

Sau khi tham gia các mô hình, dự án do Trung tâm Khuyến nông triển khai như nhân giống lúa, sản xuất lúa chất lượng, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân trong vùng đã tiếp cận, ứng dụng phương pháp sạ hàng và một số kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh mang lại hiệu quả khá cao.

Điều khiển máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa 

Anh Trần Văn Quang, ngụ ấp Phước Hội B, xã Phước Thạnh cho biết: "Vụ Hè Thu vừa rồi, tôi áp dụng kỹ thuật canh tác lúa bằng phương pháp sạ hàng với 100- 120 kg lúa giống bằng máy trên nền diện tích 1ha, năng suất đạt 6,5 tấn/ha.

Trước đây tôi nghe nói sạ lúa bằng phương pháp này, nhưng chưa tận mắt thấy nên không dám áp dụng. Nhưng qua quá trình học hỏi và tham quan mô hình trình diễn của các thành viên khác trong HTX nông nghiệp Phước Thạnh áp dụng sạ hàng rất hiệu quả, tôi đã mạnh dạn thay đổi phương pháp sản xuất.

Kết quả, không chỉ giảm được chi phí sản xuất, tiết kiệm được giống lúa, lượng phân, thuốc, sâu bệnh trên lúa cũng giảm và cho năng suất không thua kém gì so với phương pháp sạ lan truyền thống".

Một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên ruộng lúa là ông Trần Quang Minh, ngụ ấp Phước Hội B, xã Phước Thạnh.

Ông Minh chủ động phối hợp với địa phương và ngành nông nghiệp huyện thành lập HTX nông nghiệp Phước Thạnh từ năm 2018, với 44 thành viên tham gia sản xuất trên diện tích hơn 150 ha gồm lúa, bắp.

Với cương vị là Chủ tịch HTX, ông Minh đã vận động nhiều nông dân cùng ứng dụng kỹ thuật mới. Hiện nay, hơn 60% nông dân có ruộng liền kề với ruộng của ông đều áp dụng phương pháp sạ hàng với lượng giống từ 100-120 kg/ha, tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm sâu bệnh gây hại, lợi nhuận từ 17 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất truyền thống từ 5 triệu đồng/ha.

Bên cạnh việc ứng dụng hiệu quả kỹ thuật sạ lúa theo hàng, ông Minh còn tham gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông sản xuất thử nghiệm tính thích nghi của giống lúa đặc sản ST25 trên vùng đất của mình, bước đầu cho kết quả khả quan, giống sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh nhiều.

Ngoài ra, ông Minh còn sử dụng máy bay không người lái để phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa 10 ha của mình. Theo ông Minh, với xu thế công nghệ hoá trong nông nghiệp, việc áp dụng hệ thống phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay có nhiều tiện ích.

Với sự hỗ trợ của máy bay trong canh tác cây trồng giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, tài nguyên nước và quan trọng nhất giúp bảo vệ sức khoẻ nông dân tốt hơn do không trực tiếp phun thuốc. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Minh cho biết, chi phí thuê máy bay để phun thuốc cho lúa là 200.000 đồng/ha, giảm 100.000 đồng/ha so với thuê công phun xịt. Hơn nữa, máy bay phun thuốc có mật độ chính xác, tự động lập trình bay, lưu bản đồ bay, có thể dùng lại lần sau, thời gian phun 1 ha chỉ mất từ 15-20 phút, nhanh gấp 6-8 lần công lao động phun bằng bình máy, tiết kiệm hơn 90% nước và 30% thuốc, nông dân không cần tiếp xúc trực tiếp với thuốc, không giẫm đạp trên ruộng lúa, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước; trong khi đó phun xịt truyền thống tốn nhiều thời gian từ 3- 4 giờ/ha, hiệu quả mang lại không cao. 

Theo ông Minh, đây là mô hình công nghệ cao đã được ứng dụng rộng rãi tại các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Việc sử dụng máy bay điều khiển từ xa phun xịt thay thế con người trong canh tác nông nghiệp cũng là một giải pháp hiệu quả trước tình trạng thiếu lao động nông thôn như hiện nay.

Clip Phun thuốc cho lúa bằng máy bay không người lái.

Nhi Trần

 

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục