Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ứng dụng Việt cảnh báo người từng tiếp xúc F0
Chủ nhật: 20:47 ngày 19/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ứng dụng Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth để xác định người dùng smartphone có từng tiếp xúc những người mới có kết quả dương tính Covid-19 hay không.

Ứng dụng Bluezone được giới thiệu trong sự kiện công bố các giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 18/4.

Để kiểm soát tình hình dịch bệnh, một trong những biện pháp các chuyên gia y tế cộng đồng đang áp dụng là truy tìm ca nhiễm, rồi từ đó tiếp tục lần ra những người từng tiếp xúc với các bệnh nhân này trong vòng 14 ngày trước đó.

Tuy nhiên, không phải người nhiễm Covid-19 nào cũng có thể nhớ hết được trong hai tuần họ đã đi những đâu, gặp gỡ những ai và trong khoảng thời gian cụ thể nào. Ngoài ra, khi số lượng ca nhiễm tăng sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn tài nguyên và nhân lực dùng để tra soát lịch sử dịch dễ của từng ca nhiễm.

Để giải bài toán này, Bluezone - ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE - ra đời với mục tiêu hỗ trợ người dân bảo vệ chính họ và cộng đồng, góp phần kiểm soát sự lây lan của virus. Các smartphone cài Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách hai mét, ghi nhận sự tiếp xúc gần vào lúc nào và trong bao lâu.

Khi có một ca nhiễm Covid-19 mới, cơ quan y tế nhập dữ liệu F0 này vào hệ thống. Hệ thống sau đó gửi dữ liệu F0 đến các smartphone khác cài Bluezone.

Lịch sử tiếp xúc với F0 trong 14 ngày trước đó sẽ được phân tích, đối chiếu và nếu trùng khớp, Bluezone sẽ cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm, đồng thời hướng dẫn họ liên hệ với cơ quan y tế để nhận trợ giúp. 

Cơ chế hoạt động của Bluezone.

Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, cho biết nguyên tắc của Bluezone là bảo mật, ẩn danh và minh bạch. Hồ sơ về lịch sử tiếp xúc được mã hoá và lưu trữ cục bộ trên điện thoại, không chuyển lên hệ thống cũng như không đòi hỏi danh tính, không thu thập vị trí của người dùng. 

Ý tưởng sử dụng Bluetooth để xác định các ca tiếp xúc gần ở Việt Nam được hình thành từ sớm, gần như cùng lúc với nhiều nước khác trên thế giới. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo bốn nhóm Memozone, VNPT, MobiFone và Bkav độc lập phát triển ứng dụng nhưng cùng nhau chia sẻ khó khăn, thách thức về kỹ thuật. Cuối cùng ứng dụng Bluezone của Bkav được đánh giá cao nhất.

"Bluezone là bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng chống dịch bệnh. Đột phá ở chỗ, chính quyền không thu thập thông tin người dân, thông tin chỉ lưu trên điện thoại cá nhân.

Đột phá ở chỗ, ứng dụng chỉ đúng những người tiếp xúc gần và đủ lâu để có thể lây nhiễm, tránh việc một người bị nhiễm thì cả làng, cả khu bị cách ly. Đột phá ở chỗ, phần mềm mang tính toàn cầu khi sẽ để ở dạng nguồn mở để các quốc gia được chia sẻ và người dân có thể giám sát phần mềm mình đang dùng có an toàn không.

Chúng ta không phải quốc gia đầu tiên dùng giải pháp này, nhưng phần mềm Việt Nam giải quyết được cơ bản các lỗi của các phần mềm trước đó", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên bố bảo trợ phần mềm Bluezone và khuyến khích người dân sử dụng để bảo vệ mình, người thân, cộng đồng. Bộ trưởng tin tưởng ứng dụng được cài rộng rãi sẽ phát huy hiệu quả, giúp kiểm soát các ổ dịch mới, nhất là khi người dân dần quay trở lại làm việc sau vài tuần ở nhà. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phối hợp, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực y tế, đồng thời nhận định: "Việc ra mắt ứng dụng giúp người dân xác định sự tiếp xúc gần, bảo vệ thông tin cá nhân, hết sức có ý nghĩa, kịp thời cung cấp cho người dân thêm một công cụ để tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ cộng đồng.

Đây cũng là xu hướng chung mà nhiều nước, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang thực hiện trong việc phòng chống dịch bệnh".

Bluezone giúp người dùng biết họ đã tiếp xúc gần bao nhiêu người trong ngày. Ảnh: Tuấn Hưng.

Ứng dụng sẽ được đưa lên App Store và Google Play trong vài ngày tới. Còn hiện người dùng có thể tải và trải nghiệm ứng dụng thông qua chương trình mời sử dụng tại bluezone.vn.

Chiến lược triển khai thời gian tới là phát động chương trình "Mỗi người cài ứng dụng cho ba người khác" và nếu thành công, trong ba tuần, đa số người dùng smartphone tại Việt Nam sẽ cài Bluezone và được hệ thống bảo vệ.

Ứng dụng công nghệ trên thế giới

Cuối tháng 3, Cơ quan Công nghệ Chính phủ Singapore (GovTech) và Bộ Y tế nước này đã bắt đầu triển khai ứng dụng TraceTogether khai thác tín hiệu Bluetooth để đo khoảng cách tiếp xúc.  Tuần trước,  hai hãng công nghệ lớn Apple và Google cũng có động thái hiếm hoi là bắt tay nhau cùng phát triển ứng dụng tương tự với mục tiêu bù đắp thiếu sót của cách điều tra dịch tễ kiểu truyền thống. 

Ứng dụng do Apple và Google phát triển hoạt động như sau: Alice và Bob vô tình ngồi nhau nơi công cộng và nói chuyện trong khoảng 10 phút. Smartphone của cả hai người đều cài ứng dụng và bật Bluetooth. 

Vài ngày sau, Bob được phát hiện dương tính với Covid-19 và nếu đồng ý, điện thoại của Bob sẽ tải nhật ký tiếp xúc mà Bluetooth ghi nhận 14 ngày qua lên ứng dụng. Lúc này, ứng dụng đối chiếu dữ liệu vị trí của Alice và sẽ gửi cảnh báo tới cô cùng những người khác từng tiếp xúc gần với Bob. 

Cơ chế hoạt động theo mô tả của Google.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Hai lĩnh vực được đánh giá có những bước tiến quan trọng trong Covid-19 là y tế và công nghệ số. Covid-19 tạo ra cơ hội 'trăm năm' cho chuyển đổi số, cho các doanh nghiệp công nghệ số.

Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tận dụng thời cơ và cùng chung tay, đồng hành cùng đất nước tạo ta các nền tảng và các ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng một Việt Nam số, đi đầu trong nhóm các nước xây dựng quốc gia số".

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh