Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kiểm tra, sát hạch Viên chức giáo dục:

Ứng nhiều, tuyển ít

Cập nhật ngày: 07/10/2015 - 06:22

Biểu diễn văn nghệ tại lễ khai giảng năm học 2015 - 2016 của Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh.

Tham dự kỳ tuyển dụng năm nay có hơn 840 ứng cử viên dự thi vào ngạch giáo viên, nhân viên của ngành trong khi tổng chỉ tiêu cần tuyển chỉ có 458. 

BẬC HỌC PHỔ THÔNG- “CẦU NHỎ- CUNG TO”

Trong tổng số 458 chỉ tiêu nói trên, chỉ tiêu dành cho bậc học mầm non là 208 và số ứng viên dự tuyển ở bậc học này là 202. Ngược lại ở bậc tiểu học, chỉ tiêu cần tuyển là 166 trong khi có đến 371 người dự tuyển. Tương tự, ở bậc THCS chỉ cần 40 chỉ tiêu lại có đến 199 ứng viên dự tuyển và ở bậc THTP, chỉ tiêu cần tuyển là 21 thì số ứng viên dự tuyển là 52. Riêng Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh chỉ tiêu cần tuyển là 12 nhưng số ứng viên dự tuyển chỉ có 4 người.

Đối với ngạch nhân viên, có 12 ứng viên dự tuyển để xét chọn 11 chỉ tiêu.

Một số ngành chỉ tiêu tuyển dụng rất ít nhưng số ứng viên đăng ký rất đông. Ví dụ, ở bậc THCS, chỉ tiêu tuyển giáo viên môn Toán là 3- thấp hơn nhiều so với số dự tuyển là 32. Tương tự, chỉ tiêu tuyển giáo viên môn Lịch sử cũng là 3 so với số dự tuyển là 31.

Con số tương quan ở môn Ngữ văn là 13- so với 60; ở môn Giáo dục công dân là 2- so với 13. Ở bậc THPT, chỉ tiêu tuyển giáo viên ở môn Hoá học là 3- so với số dự tuyển là 21; ở môn Ngữ văn, chỉ tuyển 5 chỉ tiêu nhưng có đến 15 ứng viên.

Sau khi kết quả kiểm tra, sát hạch được công bố, một số ứng viên tham gia dự tuyển có phản ánh rằng: việc quy định thời gian chỉ có 60 phút để soạn một tiết giáo án trong quá trình kiểm tra, sát hạch là hơi ngắn, lẽ ra phải là 90 phút thì mới có thể soạn được giáo án có chất lượng.

“Trong quá trình học cũng như khi đi thực tập, thầy cô ở trường sư phạm và những người có kinh nghiệm lâu năm ở trường phổ thông cũng có nói rằng: với những sinh viên mới ra trường, cần phải có 3 tiếng đồng hồ mới có thể soạn xong một tiết giáo án.

Riêng bản thân em, lúc đi thực tập phải mất cả ngày mới soạn xong một tiết giáo án, vì chưa quen công việc này. Nhưng trong kỳ tuyển dụng này, thời gian quy định cho việc soạn giáo án chỉ có 60 phút. Vì thế, em không thể soạn được tiết giáo án có chất lượng” - một sinh viên tham gia dự tuyển ngạch giáo viên, môn Ngữ văn cho biết.

Một ứng viên khác cũng có ý kiến tương tự: “Chỉ có 60 phút thì không thể soạn một tiết giáo án hoàn chỉnh, có chất lượng. Và như thế cũng khó có thể tìm ra được những người có tâm huyết, có ý thức về nghề nghiệp, chuyên môn”.

Theo quy chế, kết quả tuyển dụng còn có những tiêu chí, phần thi khác nhưng điểm bài thi trong phần soạn giáo án (tức phần thực hành) cũng là một tiêu chí quan trọng. Những thí sinh có điểm thi dưới 50 (trên thang điểm 100) coi như rớt.

Soạn giáo án- phần thực hành của các ứng viên dự tuyển ngạch giáo viên.

VỀ ĐÂU - SINH VIÊN SƯ PHẠM?

Cũng giống như những năm trước, cuộc tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho ngành Giáo dục Tây Ninh năm học 2015 - 2016 có đối tượng rộng rãi trên toàn quốc, không phân biệt hộ khẩu vùng miền. Tại buổi làm việc giữa Hội đồng nhân dân tỉnh với Sở Giáo dục - Đào tạo được tổ chức cách nay chỉ ít ngày, có một vài ý kiến đề nghị ngành Giáo dục xem lại vấn đề này.

Cụ thể là có nên tuyển dụng giáo viên trong toàn quốc, trong khi không ít sinh viên tốt nghiệp Trường Sư phạm tỉnh nhà lại không tìm được việc làm? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo cho rằng: chính sách tuyển dụng giáo viên như vừa qua và cả mấy năm gần đây hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, tuyển dụng trong phạm vi cả nước sẽ có cơ hội tìm được những giáo viên giỏi - vốn được coi là chìa khoá để nâng cao chất lượng giáo dục.

Câu chuyện sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường phải chịu cảnh thất nghiệp không phải bây giờ mới được đề cập tới. Thực trạng này đã kéo dài cả chục năm nay song vẫn chưa có cách nào giải quyết được. Bài toán sinh viên sư phạm thất nghiệp (trước mắt chỉ trừ sinh viên ngành sư phạm mầm non) không tìm được đáp án bởi có những mâu thuẫn.

Trong phạm vi tỉnh nhà, trước đây có lần báo Tây Ninh đã từng đề cập: có một giai đoạn do thiếu giáo viên phổ thông nên trường sư phạm đã tuyển sinh với số lượng lớn. Chỉ sau ít năm, các trường phổ thông được cung ứng gần như đầy đủ số lượng giáo viên (chưa bàn tới chất lượng).

Vài năm sau nữa, xuất hiện trạng thái bão hoà và tiếp đó là tình trạng thừa giáo viên. Vào khoảng năm 2003 - 2004, rất nhiều sinh viên sư phạm bắt đầu rơi vào cảnh thất nghiệp, nhiều người phải chật vật chạy tìm việc làm ở những ngành nghề khác.

Tình trạng thừa giáo viên càng tăng mạnh khi chính sách dân số phát huy hiệu quả, số con cái trong mỗi gia đình giảm xuống; bởi số học sinh trong nhà trường cũng giảm theo. Có trường phổ thông chỉ sau 10 năm đã giảm một nửa tổng số lớp.

Tại thời điểm hiện nay, có những trường phổ thông chỉ còn hơn 100 học sinh trong khi số giáo viên kể cả ban giám hiệu có hơn 20 người. Tính bình quân mỗi giáo viên chỉ dạy từ 5 - 10 em học sinh. Ở hệ giáo dục thường xuyên, tình hình còn đáng lo hơn: trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015 - 2016, có trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện chỉ tuyển được 9 học sinh.

Nếu tính toán chi phí đào tạo trên đầu người thì Nhà nước đang phải trả một mức thù lao rất cao cho số giáo viên ở các trường, trung tâm có quá ít học sinh. Điều này đặc biệt thể hiện rõ ở những trường vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn (vùng 135).

Được biết hiện nay ở cấp THCS có trường chỉ còn lại 4 lớp (từ lớp 6 đến lớp 9). Nếu tính ở các môn ít tiết dạy như Hoá học chẳng hạn mỗi lớp chỉ có một tiết/tuần. Như vậy, nếu dạy đúng chuyên môn thì giáo viên Hoá học chỉ dạy có 2 tiết/tuần (lớp 8 và lớp 9) trong khi định mức phải thực hiện là 19 tiết/tuần. Nếu như được phân công thêm một số nhiệm vụ khác thì tổng tiết thực hiện trong tuần đối với nhiều giáo viên vẫn chưa quá 10 tiết.

Sinh viên sau tốt nghiệp thất nghiệp, giáo viên phổ thông đang thừa nhưng các trường sư phạm vẫn phải tổ chức tuyển sinh, càng gây thêm mâu thuẫn cung- cầu.

Tuỳ tình hình, có năm trường sư phạm tuyển sinh nhiều ngành nhưng cũng có năm chỉ tuyển vài ba ngành- nói đúng ra là chỉ hoạt động cầm chừng. Vì vậy, hiện tại và cả tương lai, những sinh viên sư phạm sau khi được đào tạo ra trường sẽ phải về đâu, làm gì, vẫn còn là một bài toán khó.

AI CŨNG CẦN ĐƯỢC LÀM ĐÚNG NGÀNH NGHỀ

Nhìn rộng ra, thực trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp, diễn ra trên phạm vi cả nước chứ không chỉ riêng một địa phương nào. Ở các ngành nghề khác, người học sau khi qua đào tạo nếu không tìm được việc làm phù hợp thì cũng có thể làm những việc gần với chuyên môn, nhưng sinh viên sư phạm học xong hầu như chỉ biết dạy học;

Cũng có người chuyển sang nghề khác song số này không nhiều. Lẽ thường, bất cứ người học ngành nghề nào cũng mong đợi mình được làm việc đúng với chuyên môn, sở trường. Và đó là một nguyện vọng vô cùng chính đáng.

VIỆT ĐÔNG