Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ứng phó đại dịch COVID-19: Nhiều phương án học trực tiếp
Thứ hai: 17:09 ngày 29/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Năm học 2021-2022, nhiều học sinh, giáo viên mắc COVID-19. Các địa phương có nhiều cách ứng phó để học sinh được đến trường.

Tiêm chủng cho học sinh tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Tài

Một trường 3 phương án dạy học

Một giờ học ở lớp 3C Trường Tiểu học Cảnh Thuỵ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cùng lúc có tới 3 phương thức dạy và học. Trong đó, 32 em khỏe mạnh đến trường học tập trung, 1 học sinh là F2 học trực tuyến tại nhà bằng cách kết nối thiết bị học online với máy tính và camera ghi hình đặt ngay tại lớp. Ở một lớp học khác của trường này, cả lớp và giáo viên lại dạy học trực tuyến hoàn toàn do có 1 phụ huynh là F0. Các khối, lớp còn lại của trường, dạy và học trực tiếp hoàn toàn.

Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, ông Trần Tuấn Nam, nói rằng, xác định dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trường học không thể đóng cửa hoàn toàn, tỉnh yêu cầu mỗi trường học ở các cấp xây dựng ở mỗi khối lớp một phòng học trực tuyến kết hợp với dạy trực tiếp nhằm giúp học sinh phải nghỉ do cách ly vẫn được học đảm bảo đúng tiến độ chương trình.

“Việc khoanh vùng, xử lý khi xuất hiện trường hợp liên quan đến ca nhiễm của các trường học rất bài bản, bình tĩnh”, ông Nam nói. Khi xuất hiện đối tượng F ở lớp học nào, nhà trường sẽ khoanh vùng hẹp theo từng lớp học, từng đối tượng học sinh, giáo viên có liên quan để tổ chức dạy trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến với trực tiếp. Các lớp và học sinh, giáo viên khác không liên quan đến ca nhiễm vẫn đến trường học trực tiếp bình thường.

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, những địa phương kiểm soát được dịch có thể chủ động báo cáo, đề xuất tổ chức dạy và học trực tiếp ngay trong học kỳ I khi đủ điều kiện. Lộ trình tổ chức học trực tiếp bắt đầu từ ngày 10/12, ban đầu là khối 9 và 12, tiếp đó mở dần các khối khác. Việc tập huấn cán bộ, giáo viên về công tác phòng chống dịch sẽ diễn ra vào đầu tháng 12, họp phụ huynh học sinh khối 9 và 12 trước ngày 5/12.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT, đánh giá, cách làm của Bắc Giang là điển hình cho sự linh hoạt, nỗ lực hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động trường học. Cách tổ chức song song 3 phương án dạy học của địa phương vừa giúp đảm bảo an toàn cho người dạy và học vừa đảm bảo hoàn thành chương trình mà vẫn duy trì được chất lượng. Đây cũng là mục tiêu mà Bộ GD&ĐT đã đặt ra ngay từ đầu năm học và có hướng dẫn các địa phương linh hoạt đến từng nhà trường để hoàn thành kế hoạch năm học.

Trong cuộc họp giữa Bộ GD&ĐT với các Sở GD&ĐT mới đây, các địa phương báo cáo, tình hình dịch bệnh kéo dài, phải có cách làm linh hoạt đến từng lớp học, nỗ lực để học sinh được tới trường nhưng vẫn hạn chế tối đa hậu quả đại dịch. Khi có dịch, Quảng Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Phú Thọ… không cứng nhắc đóng cửa trường học toàn tỉnh, thay vào đó, chỉ cho trường đó, thậm chí lớp học đó xét nghiệm COVID-19 và chuyển sang dạy học trực tuyến trong thời gian ngắn để tình hình ổn định, sau đó nhanh chóng cho học sinh tới trường.

Không đóng cửa trường khi có F0

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, những địa phương kiểm soát được dịch có thể chủ động báo cáo, đề xuất tổ chức dạy và học trực tiếp ngay trong học kỳ I khi đủ điều kiện. Lộ trình tổ chức học trực tiếp bắt đầu từ ngày 10/12, ban đầu là khối 9 và 12, tiếp đó mở dần các khối khác. Việc tập huấn cán bộ, giáo viên về công tác phòng chống dịch sẽ diễn ra vào đầu tháng 12, họp phụ huynh học sinh khối 9 và 12 trước ngày 5/12.

Trong phương án đón học sinh trở lại trường, Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 sẽ không đóng cửa ngay khi phát hiện F0 mà chỉ những em tiếp xúc gần mới phải ở nhà cách ly, những em khác sang phòng học dự phòng theo dõi sức khoẻ. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, nói: “Cách làm hiện nay là bình tĩnh khoanh vùng, truy vết, xác định người tiếp xúc gần để có biện pháp xử lý”.

Trường THPT Nguyễn Văn Linh, quận 8 đã có hơn 1.000 học sinh tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 và tính đến ngày 10/12, hầu hết các em đều đủ 14 ngày từ mũi thứ 2. “Do đó, trường cũng đã lên phương án đón gần 300 học sinh khối 12 trở lại theo đúng lộ trình dự kiến của Sở GD&ĐT”, bà Kim Nguyễn Quỳnh Giao, Hiệu trưởng nhà trường, nói. Trong phương án xây dựng khi đón học sinh trở lại, trường đề xuất cần có sự phối hợp giữa các trường THPT trên địa bàn, Trung tâm Y tế quận và các trạm xá phường khi phát hiện F0.

Trong chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” tối 26/11, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho rằng, khi mở cửa trường, điều quan trọng nhất là phương án và quy trình xử lý với F0. Tháng 10, UBND TPHCM cho phép xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) thí điểm cho học sinh trở lại trường.

“Có học sinh tiếp xúc F1, F0 nhưng trường đã xử lý tốt… Sau thời gian cách ly, chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang trực tuyến, các em tiếp tục quay lại học trực tiếp. Hiện nay, 2 trường tại xã này chuyển trạng thái rất tốt, bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19. Ngành giáo dục sẽ báo cáo UBND TPHCM đề xuất học tập trực tiếp cho các địa phương khác”, ông Dũng nói.

Việc quay trở lại học trực tiếp với các trường ngoài công lập ít nhiều sẽ gặp phải khó khăn do hàng nghìn học sinh đang kẹt ở quê, việc tiêm vắc xin chưa được đồng bộ. Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, cho biết, trường có 1.500 học sinh thì có đến 80% ở các tỉnh, thành khác. Do đó, nếu được mở cửa, khả năng trường vẫn phải duy trì việc dạy trực tiếp và trực tuyến cho các em ở quê.

Thêm trường ĐH mở cửa trở lại

Theo kế hoạch, từ ngày 29/11, sinh viên, học viên Trường ĐH Y Dược TPHCM học và thi tập trung tại trường. Trước đó, từ cuối tháng 10, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Công nghệ thông tin… cũng đã cho sinh viên năm 3, năm 4 đến trường để thực hành, làm đồ án.

ĐH Đà Nẵng cho hay đã thống nhất phương án cho sinh viên quay lại học tập trung của các trường thành viên, các đơn vị trực thuộc. ĐH Đà Nẵng yêu cầu các trường tổ chức dạy học trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, gồm Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cho sinh viên đến trường để tham gia thực hành, thí nghiệm, đồ án...

Nguồn TPO

Tin cùng chuyên mục