Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Không ít người cho rằng sẽ được xét tuyển để trở thành người mẫu ảnh của chương trình “Duyên dáng áo dài 2023” cùng nhiều phần thưởng “khủng”. Tuy nhiên, ẩn bên trong là những chiêu trò dụ dỗ người tham gia sập bẫy nạp tiền cho các đối tượng lừa đảo.
Các fanpage về cuộc thi “Duyên dáng áo dài Việt Nam 2023” gắn mác “Được tài trợ” thường xuyên xuất hiện trên Facebook.
Kịch bản cũ
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook, Zalo không ngừng xuất hiện các fanpage “Duyên dáng áo dài 2023”, “Khát vọng Việt Nam”, “Duyên dáng áo dài- Một thoáng quê hương 2023”, “Lễ hội Áo dài - Một thoáng Hương Quê”... gắn mác “Được tài trợ”.
Các fanpage này còn lấy danh nghĩa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm đào tạo VIETFUTURE và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức định kỳ vào tháng 10 hằng năm. Đồng thời đưa ra thể lệ tuyển 100 thí sinh vào vòng sơ khảo, bán kết theo hình thức chấm chọn hồ sơ, hình ảnh dự thi và căn cứ vào lượt bình chọn hình ảnh trên fanpage, chất lượng của thí sinh dự thi.
Đối tượng được kêu gọi là tất cả cán bộ, hội viên phụ nữ; nữ công chức, viên chức, lao động nữ; nữ từ 29 tuổi trở lên đang sinh sống, học tập và làm việc trên khắp cả nước. Qua vòng sơ kết, bán kết, 40 thí sinh được lựa chọn vào vòng chung kết được dự kiến diễn ra tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10.2023.
Để “câu dẫn”, các fanpage còn thông báo chương trình đào tạo, huấn luyện kỹ năng trình diễn áo dài trên sân khấu, công bố giải thưởng từ 20 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cùng nhiều quyền lợi hấp dẫn cho người tham gia. Điều đáng nói, các fanpage này đã thu hút hàng ngàn lượt like, hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ.
Tìm hiểu thực hư, phóng viên đã vào cuộc tham gia ứng tuyển. Qua tin nhắn fanpage Facebook (đoạn chat kinh doanh) Duyên dáng áo dài 2023 yêu cầu PV kết bạn Zalo với tài khoản Duy Hưng (0949.351***, tự xưng là chuyên viên tư vấn).
Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về việc nhiều đối tượng mạo danh cơ quan này để thực hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Đài Truyền hình Việt Nam nói chung và Báo điện tử VTV News nói riêng không tổ chức cuộc thi mang tên “Duyên dáng áo dài Việt Nam 2023” cũng như các cuộc thi, chương trình khác yêu cầu thực hiện thử thách, nhiệm vụ bằng chuyển tiền, thanh toán đơn hàng qua mạng. |
Tại đây, Duy Hưng đề nghị PV cung cấp thông tin, số tài khoản cá nhân và hình ảnh áo dài làm hồ sơ đăng ký dự tuyển. Sau khi cập nhật thành công hồ sơ PV (đã thay đổi các thông tin cá nhân) trên hệ thống, người này yêu cầu PV tham gia vòng xét tuyển để duyệt hồ sơ.
Theo đó, “ứng viên phải hoàn thành 3 thử thách (vòng sơ tuyển online tại nhà) để được “ban tổ chức” đánh giá cũng như hỗ trợ phía nhà tài trợ của chương trình quảng cáo sản phẩm và trang thông tin của họ. Những thử thách đơn giản được phát xuống ngẫu nhiên từ hệ thống, sẽ có chuyên viên hướng dẫn cụ thể cho mình hoàn thành cùng các phụ huynh khác trong nhóm.
Nội dung của các thử thách là muốn theo dõi xem các ứng viên có thực sự quan tâm và đồng hành xuyên suốt quá trình tham gia hay không”. Tài khoản này còn gửi QR code Zalo và yêu cầu PV kết bạn với Nguyễn Văn Thắng, tự giới thiệu là chuyên viên từ phía chương trình của Đài truyền hình VTV. Dù biết rằng là chiêu lừa, PV vẫn đồng ý và thực hiện những yêu cầu của Duy Hưng đưa ra trên Zalo.
Cách lừa không mới, nhưng vẫn “sập bẫy”
Nhóm kín trên Zalo có 7 thành viên, Duy Hưng là trưởng nhóm, Thắng phó nhóm, có cả “tài khoản” Đài Truyền hình Việt Nam do Thắng thêm vào nhóm. Tại đây, Thắng đưa thông tin nhiệm vụ 1 thử thách 1 bằng cách gửi đường link kênh YouTube vào nhóm, yêu cầu các ứng viên bấm đăng ký và theo dõi kênh “VTV GIAI TRI OFFCIAL”(kênh do nhóm này tự tạo-PV) trên điện thoại, sau đó chụp ảnh màn hình điện thoại xác nhận. Hầu hết các ứng viên đều thực hiện rất nhanh nhằm tạo tâm lý thúc giục.
Lúc này, tài khoản “Thanh Tú” nhắn hỏi làm quen, đồng thời giới thiệu: “Có bà chị vừa đăng ký cách đây 2 hôm được tặng bộ album xịn sò”; “Đăng ký xong được mấy nhiếp ảnh của chương trình hẹn chụp một buổi cực đẹp”...
Tuy nhiên, khi PV yêu cầu được xem bộ ảnh, Thanh Tú trả lời không biết hình gì, rồi cho hay hiện tại mình không có (?!). Ở nhiệm vụ này, PV đã thực hiện hoàn thành và nhận phần thưởng tích luỹ 30.000 đồng qua tài khoản.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ 1, chiêu trò “bẫy” nạn nhân bắt đầu từ đây. Ở nhiệm vụ 2, Thắng yêu cầu các thành viên tích lượt mua tạo hoá đơn cho sản phẩm. Bằng nhiệm vụ kèm theo link sản phẩm, trong thời gian 30 phút, Thắng yêu cầu mỗi thành viên thanh toán đúng với giá trị sản phẩm (áo dài may sẵn trên website Lazada) và chụp lại màn hình gửi lên nhóm để đối chiếu.
Điểm khác biệt, Thắng yêu cầu thí sinh bấm vào link sản phẩm, giữ màn hình ở trạng thái không đặt hàng/không thanh toán, sau đó chụp ảnh sản phẩm gửi lên nhóm, xác nhận nhiệm vụ bằng giá trị sản phẩm. Khi đã xác nhận thanh toán thành công sẽ được tất toán tiền gốc và 15% hoa hồng. Quá trình này được thực hiện trong 3-5 phút.
Đồng thời với nhiệm vụ, Thắng gửi thông báo số tài khoản của đại diện “nhà tài trợ liên kết” và ban tổ chức DO THI MINH TRAM (số tài khoản: 2003003979 SHB Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội), người này còn yêu cầu sử dụng thanh toán bằng ứng dụng Banking, hình thức chuyển khoản 24/7.
Lúc này, PV nhắn tin hỏi: “Cơ quan chủ quản là Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng sao lại chuyển thanh toán vào số tài khoản cá nhân?”, Thắng trả lời: “Đây là số tài khoản chuyên dụng của công ty liên kết với nhà tài trợ của chương trình.
Cuộc thi “Duyên dáng Áo dài 2023” với chủ đề “Một thoáng quê hương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp Công ty cổ phần Khát vọng Việt Nam tổ chức dành cho tất cả cán bộ, hội viên phụ nữ; nữ công chức, viên chức, lao động nữ; nữ sinh từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc. Cuối tháng 8.2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Khát vọng Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc phát cảnh báo không có bất kỳ liên quan nào đến Fanpage Khát vọng Việt Nam, do đó không chịu trách nhiệm bất cứ nội dung nào liên quan đến những hoạt động do các đối tượng tạo lập. |
Sau khi mình thanh toán thành công, hệ thống tự động đối chiếu và tất toán về lại cho mình nhé!”. Tất cả 4 thành viên đồng loạt gửi màn hình đã thanh toán vào nhóm với số tiền và lệnh chuyển như Thắng yêu cầu, họ còn thúc giục PV thực hiện nhanh để cả nhóm tiếp tục nhiệm vụ thứ 3. Thậm chí, Thắng và Duy còn gọi thoại Zalo riêng cho PV. Hiểu được chiêu trò giăng bẫy của nhóm đối tượng, PV lập tức thoát nhóm.
Theo nhận định, trò “giăng lưới” của nhóm này tương tự như các chiêu trò “bẫy” nạn nhân “bấm like TV360 kiếm tiền triệu tại nhà”, “đọc truyện, thuyết minh phim, văn bản tại nhà thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng”, “tuyển nhân viên đánh máy văn bản tại nhà”...
Điểm chung, các nhóm đối tượng không ngừng lợi dụng thương hiệu sản phẩm, danh nghĩa của một số công ty, doanh nghiệp “nổi tiếng”, hứa hẹn nhiều ưu đãi để tạo lòng tin, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển thanh toán vào số tài khoản cá nhân.
Các đối tượng này còn “dẫn dắt” nạn nhân vào các nhiệm vụ cao hơn, đồng nghĩa với số tiền chuyển thanh toán cao hơn, sau đó đưa các “lỗi” từ hệ thống (hệ thống do nhóm lừa đảo tự đặt ra- PV), yêu cầu nạn nhân chuyển tiền khắc phục cho đến khi các nạn nhân không thể xoay xở, các đối tượng lừa đảo ngay lập tức xoá các nhóm liên quan.
Tâm Giang