Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“Em ước được làm bác sĩ”- đó là điều ước mà em Nguyễn Thanh Ngọc Trà (SN 2002, ngụ ấp Thanh Hùng, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) luôn nung nấu trong lòng. Liệu rằng em có thể thực hiện được mơ ước khi căn bệnh viêm đa khớp ngày càng chuyển biến xấu đi.
Mẹ con em Trà trong căn nhà chật hẹp.
Đến thăm em Trà vào buổi chiều muộn, trong căn nhà ộp ẹp, chúng tôi bắt gặp hình ảnh cô gái nhỏ nhắn ngồi lặng lẽ, một mình trên chiếc giường nhỏ. Từ cô gái khỏe mạnh, hàng ngày cắp sách đến trường, được gặp bạn bè, thầy cô. Giờ đây, khi căn bệnh viêm đa khớp hoành hành, em gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại, ngồi lâu là bị đau. Vì vậy, việc học của em phải tạm hoãn lại.
Năm 2013, trong một lần đi học về, Trà nói với mẹ bị đau ở hai đầu gối. Chỉ nghĩ con bị đau do vận động nhiều, bà Lê Thị Cấp- mẹ em Trà ra tiệm mua thuốc về cho con uống. Giảm đau được vài ngày, con lại than đau, nhưng lần này là cả hai chân. Thấy con đau bất thường, vợ chồng bà bàn nhau dẫn con lên Tp.Hồ Chí Minh khám bệnh.
Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Tp.Hồ Chí Minh, Trà được chuẩn đoán viêm đa khớp. Sau thời gian uống thuốc, bệnh tình của em vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Vì không có bảo hiểm, chi phí thuốc men tốn kém, gia đình không đủ khả năng để cho em tiếp tục điều trị.
Em Trà cẩn thận bôi thuốc cho vết thương.
Không có tiền cho con đi bệnh viện, bà Cấp đành để con uống thuốc nam cầm chừng, nhưng bệnh ngày càng trở nặng. Những cơn đau ngày càng nhiều hơn, thấy con đau, bà không cầm được lòng. Tiền không có để dẫn con đi khám, gia đình dùng số tiền ít ỏi kiếm được từ việc làm thuê hàng ngày chủ yếu để mua thuốc giảm đau cho con.
Trà vừa khóc vừa nói nhỏ với chúng tôi: “Mỗi ngày em phải uống hai lần thuốc để giảm đau. Hôm nào hết thuốc, cơn đau kéo đến em chỉ biết khóc, vì mỗi lần đau em không thể đi lại được. Những lúc trái gió trở trời, cơn đau nhiều hơn, em phải uống thuốc gấp đôi. Trời lạnh, em phải thức trắng đêm vì đau đớn cả người…”.
Cách đây mấy tháng, dành dụm được ít tiền, vợ chồng bà đưa Trà xuống Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám với hy vọng sẽ chữa trị được cho con. Bác sĩ cho biết, ngoài bệnh viêm đa khớp, Trà còn bị suy thận. Bác sĩ kê đơn thuốc và hẹn tái khám sau một tháng, nhưng đã hơn hai tháng trôi qua, gia đình vẫn chưa có tiền để đưa Trà đi tái khám.
Thời gian gần đây, cơ thể Trà bị sưng phù, căng bóng vì ứ nước. Hai chân của Trà bắt đầu ngứa và xuất hiện những vết thương nhỏ. Lâu dần vết thương lan rộng ra cả hai chân, gây đau nhức nhiều hơn. Bà Cấp bộc bạch: “Nhiều lần tôi muốn đưa con đi khám, nhưng con lại không đi vì biết mẹ không có tiền. Thương con đứt ruột, nhìn con phải chịu đau đớn mà tôi không cầm được nước mắt. Tôi đi làm mướn, ráng dành dụm ít tiền, hôm vừa rồi tôi mới đưa Trà đi bác sĩ da liễu khám rồi mua thuốc về bôi”.
Trong căn nhà xiêu vẹo của gia đình bà Cấp, chỉ có chiếc tivi là tài sản có giá trị nhất.
Hằng ngày, bà Cấp đi giúp việc nhà cho người em trong xóm để còn có thời gian chạy đi chạy về chăm sóc con gái. Nhưng một tháng bà chỉ làm giúp việc 10 ngày, mỗi ngày được 100.000 đồng, những ngày còn lại bà đi làm mướn, ai thuê gì làm nấy, từ lặt đậu, hái ớt đến làm cỏ. Công việc bấp bênh, nên thu nhập cũng chẳng bao nhiêu.
Ba của em Trà làm nghề bốc vác thuê, công việc cũng không mấy ổn định. Làm được vài ngày lại hết hàng, khi không có hàng ông phải nghỉ cả tháng. Tháng nào làm nhiều cũng chỉ được hơn 3 triệu đồng; ông phải theo xe đi làm ở xa nên thường ở lại chỗ làm, lâu lâu mới về. Hôm nào bà Cấp đi làm xa chỉ có Trà ở nhà một mình.
“Có hôm đi lặt đậu xa, bỏ con một mình ở nhà, tôi lo lắm, nhưng biết làm sao bây giờ, không làm thì không có tiền lo ăn uống, thuốc thang cho con. Mới bữa trước, tôi đi làm ở Trà Võ, con gái gọi lên nói con thấy khó chịu trong người, con đau lắm mẹ ơi! Ruột gan tôi như ai cắt”- bà Cấp chia sẻ thêm.
Hoàn cảnh khó khăn, lo ăn uống rồi thuốc thang cho Trà đã vất vả. Trớ trêu thay, cuối năm 2016, em trai của Trà là bé Nguyễn Thanh Ngọc Quý (SN 2003) bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não. Trong nhà không có tiền lo cho con trong lúc nguy kịch, rất may bà Cấp được anh chị em trong nhà cho mượn tiền để chữa trị cho con. Sau vụ con trai bị tai nạn, vợ chồng bà Cấp buồn rầu hơn khi đứa con lanh lợi ngày nào giờ không còn tỉnh táo như trước, bởi di chứng sau tai nạn để lại.
Giờ đây, số tiền mượn nợ hơn 60 triệu đồng đã đến thời hạn phải trả. Trong căn nhà tranh, vách đất đã xiêu vẹo của gia đình, có lẽ chiếc tivi cũ là tài sản đắt giá nhất. Với công việc làm thuê bấp bênh, vợ chồng bà phải lo trả khoản nợ đã mượn, còn phải lo tiền chữa trị cho Trà, rồi tiền sinh hoạt hàng ngày.
Dù bệnh tật, nhưng hai cô cậu rất ham học, nhiều lần hai đứa trẻ thủ thỉ với mẹ về ước mơ được đi học lại. Khó khăn, vất vả là thế, nhưng bà Cấp cho biết vẫn cố gắng để các con được tiếp tục đến trường vì không muốn con lớn lên lại khổ như mình.
Chúng tôi hỏi Trà, nếu có một điều ước em sẽ ước gì? Cô gái nhỏ nhắn vui mừng như thể vừa được ông bụt trong chuyện cổ tích ngày xưa ban cho mình điều ước: Em chỉ ước mình hết bệnh, được đi học để sau này trở thành bác sĩ.
Cẩm Tiên