Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ước mơ của hai đứa trẻ nghèo
Thứ hai: 15:45 ngày 09/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hỏi hai em có muốn đi học không, Boi và Bi đều hồn nhiên trả lời “có” và nói mình cũng muốn được đến trường, được biết đọc, biết viết như các bạn nhỏ khác. Boi nói về ước mơ sau này: “Lớn lên, em muốn học nghề sửa xe, kiếm tiền nuôi bà nội vì bà đã vất vả nuôi hai anh em khôn lớn”.

Hai anh em Tăng Boi (bên phải) và Tăng Bi cùng nhau đi bán vé số.

Bà Dương Mỹ Ấu sinh năm 1962 là người dân tộc Khmer, quê ở Sóc Trăng. Vợ chồng bà có 7 người con, 4 gái 3 trai, đều đã lớn và có gia đình riêng, tha phương kiếm sống mỗi người một nơi.

 

Vợ chồng bà Ấu sống cùng vợ chồng người con trai thứ ba tên là Tăng Thanh. Năm 2004, vợ anh Thanh sinh bé Tăng Boi trong niềm vui của cả gia đình. Năm sau, chị tiếp tục sinh bé Tăng Bi. Gia đình vốn nghèo, thêm một miệng ăn là thêm phần khó khăn.

Vì vậy, anh Thanh quyết định rời quê lên đất Sài Gòn tìm việc làm. Số  tiền anh gửi về nhà tháng có tháng không. Lúc bé Boi lên 2, bé Bi 10 tháng tuổi, vợ anh Thanh do không chịu được cảnh khổ đã bỏ đi, để lại hai con thơ cho ông bà nội chúng nuôi. Vài năm sau, anh Thanh cũng lập gia đình mới ở đất Sài Gòn, phó mặc hai đứa trẻ cho ông bà từ ấy đến giờ.

Chỉ dựa vào mấy sào ruộng và ai thuê gì làm đó, hai vợ chồng bà Ấu rau cháo nuôi nhau và đùm bọc hai đứa cháu dại lây lất qua ngày. Những tưởng cuộc sống vậy là yên, nào ngờ năm 2010, chồng bà Ấu phát bệnh nặng. Ðể chạy chữa cho ông, bà phải bán sạch ruộng đất, nhà cửa, vậy mà ông cũng không qua khỏi.

Ba bà cháu trở thành kẻ không đất, không nhà, phải sống nương tựa vào bà con hàng xóm. Biết tin, hai người con gái thứ tư và thứ sáu của bà Ấu đang sống ở Tây Ninh khuyên mẹ cùng đến đây ở để con cái dễ bề chăm sóc.

Cuối năm 2010, lúc bé Boi lên 6 và Bi lên 5, bà Ấu dắt díu cả hai cháu lên Tây Ninh để ở cùng cô con gái thứ tư. Ðược vài tháng, bà Ấu thấy bất tiện bởi cảnh nhà cô con gái không mấy khá giả và còn sống chung gia đình chồng, thế là bà dắt hai cháu ra thuê nhà trọ ở xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành và trú ngụ tại đây cho đến nay.

Tuổi cao lại không biết chữ và không nghề nghiệp, từ lúc đến nơi ở mới, bà Ấu chỉ còn biết đi bán vé số cùng với hai đứa cháu nhỏ. Hằng ngày, từ 7 giờ sáng, hai anh em Boi, Bi và bà nội chia nhau ra bán vé số ở quanh khu vực chợ Long Hoa. Thương hai cháu còn nhỏ mà phải lội bộ vất vả, bà Ấu mua cho chúng chiếc xe đạp nhỏ để làm chân.

Chiếc xe giờ đã quá cũ, hư hỏng rất nhiều và nó quá nhỏ so với thân hình của hai em. Mỗi lần đi bán vé số, anh Boi chở thì em Bi đứng ở phía sau, thỉnh thoảng lại đổi chỗ cho đỡ mỏi. Cứ thế hai đứa trẻ rong ruổi khắp các nẻo đường làm cuộc mưu sinh.

Bà Ấu bùi ngùi chia sẻ: mỗi ngày 3 bà cháu bán được 150 tờ vé số, có ngày bán không hết phải mang về trả đại lý, nếu không phải “ôm” vé, lỗ vốn. Bán ít vậy nên mấy bà cháu không đủ tiền ăn trưa, thường ghé ăn cơm từ thiện cho qua bữa rồi tranh thủ đi bán cho hết vé số. Số tiền lời kiếm được hằng ngày phải trang trải đủ thứ: từ tiền thuê nhà trọ, tiền điện nước, gạo và nhiều thứ không tên khác. Cả nhà phải chắt chiu, tằn tiện lắm mới đủ sống nên chẳng còn tiền đâu mà đầu tư cho hai cháu đến trường.

Năm nay Boi đã 14, còn Bi cũng 13 tuổi rồi nhưng nhìn vóc dáng, ai cũng tưởng hai đứa trẻ chỉ mới lên 9, lên 10. Dường như thấu hiểu được hoàn cảnh của mình và thương bà nội khó nhọc nên hai đứa trẻ nghèo không có ý vòi vĩnh, đòi hỏi nọ kia như bao nhiêu đứa trẻ có cha, có mẹ khác.

Hôm nào đi bán về sớm, khi bà nội chưa về, hai em tự giác vo gạo bắc cơm, luộc rau chờ bà nội về ăn. Lúc chúng tôi đến thăm, Boi và Bi đang loay hoay trong bếp luộc khoai. Chúng vừa chạy ra chạy vào, vừa nói chuyện với khách. Nấu xong các em mời còn chúng tôi dùng bữa. Cả hai đều ngoan ngoãn, vui vẻ, lễ phép.

Bà Ấu cho biết, lúc trước Boi cũng được học lớp Một nhưng do cuộc sống chật vật, thiếu trước hụt sau nên một năm sau, em phải nghỉ học cùng bà đi bán vé số, chuyện học hành gác lại cho đến bây giờ.

Hiện tại, cũng nhờ bán vé số hằng ngày nên Boi có thể tính toán cộng, trừ những số đơn giản, nhưng gặp chữ thì… thua, bởi em không còn nhớ gì cả. Riêng Bi, từ nhỏ đã không học hành gì, bù lại em rất hoạt bát và chăm chỉ đi bán vé số cùng bà nội, chưa bao giờ kêu ca, than vãn.

Hỏi hai em có muốn đi học không, Boi và Bi đều hồn nhiên trả lời “có” và nói mình cũng muốn được đến trường, được biết đọc, biết viết như các bạn nhỏ khác. Boi nói về ước mơ sau này: “Lớn lên, em muốn học nghề sửa xe, kiếm tiền nuôi bà nội vì bà đã vất vả nuôi hai anh em khôn lớn”. Bi thì ngây thơ bảo: “Em chỉ muốn có chiếc xe đạp mới thôi, đi bán mà đứng sau xe mỏi chân lắm”.

Ngọc Bích - Ðào Như

Tin cùng chuyên mục