BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ước mơ cuối đời

Cập nhật ngày: 08/06/2009 - 10:10

Bà Nguyễn Thị Hai, mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Vinh

Tôi gặp bà Hai trong một lần về Trường Đông công tác. Tôi chú ý đến bà bởi giọng nói đặc sệt người miền Tây. Bà Hai ngồi trên cái giường tre trước nhà, xung quanh có mấy đứa cháu nhỏ quây quần. Ở một góc căn nhà mục nát, phía trên cao có treo trang trọng tấm bằng Tổ quốc ghi công. Ấy là dấu tích còn lại của con trai bà Hai, liệt sĩ Nguyễn Văn Vinh.

Bà Hai, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hai. Năm nay bà đã 88 tuổi, đi đứng bắt đầu khó khăn nhưng trí nhớ vẫn còn khá minh mẫn. Bà quê gốc Tiền Giang, cuộc sống miền sông nước thật cực khổ, ngập lụt quanh năm nên 3 công ruộng nhà không đủ lo cái ăn nên mẹ con bà bồng trống nhau lên đất Tây Ninh lập nghiệp. Khốn khó vẫn bám riết lấy bà và các con. Chiến tranh ác liệt, các con của bà người đi làm ăn xa, người ở nhà bám đất kiếm sống. Còn người con thứ bảy Nguyễn Văn Vinh thì chọn con đường đi theo cách mạng. “Thằng đó nó giỏi lắm, mà gan dạ nhứt nhà nữa”- bà Hai bảo vậy. Đôi mắt già nua hướng cái nhìn vào tấm hình của anh Vinh trên tủ thờ, rươm rướm lệ. “Ông nhà tui nói quyết định theo cách mạng là phải theo tới cùng, phải trung thành với Đảng chứ đừng ngại khó khăn. Thằng Vinh trả lời ba nó là nó không bao giờ ăn ở hai lòng, rồi nó đi…”. Bà cho biết: anh Vinh hy sinh ngày 18.3.1970.

“Trước ngày bị bắn chết, nó còn về thăm tui với ổng mà. Nó nói, sau này hoà bình rồi sẽ nuôi dưỡng tui với ba nó cho đàng hoàng. Vậy mà…”- Bà Hai nghẹn ngào. 34 năm đất nước được hoà bình, thống nhất, trong niềm vui lớn lao của đất nước, có nhiều bà mẹ liệt sĩ như bà Hai vẫn ngày đêm đau đáu nhớ về con của mình- những đứa con đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì nghĩa cả và đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đất mẹ.

Dù có nguôi ngoai theo năm tháng nhưng nỗi đau mất con vẫn còn hằn sâu trong trái tim người mẹ. “Đồng đội thằng Vinh kể là, hôm đó đội của nó lọt vào ổ phục kích. Nghe súng bắn ran trời buổi chiều đó, tự dưng tui nghe nhói lòng. Sáng hôm sau, bà con kêu tới nhận xác thằng Vinh về chôn. Tụi nó bắn thằng Vinh phơi xác dưới lòng kênh. May nhờ bà con đi sớm kéo xác lên bờ, không thì thằng nhỏ cũng đã trôi mất biệt…”- bà Hai trầm ngâm kể.

Rời quê theo thằng con út lên Tây Ninh lập nghiệp, bà Hai cũng đau đáu một nỗi niềm. Mồ mả ông bà, chồng con còn đó, đi sao đành. Nhưng cuộc sống quá khó khăn, không thể trói buộc con trai út ở mãi với mảnh ruộng nước nhiều hơn lúa quanh năm suốt tháng, nên bà dứt lòng ra đi. 3 công đất ruộng ở quê bán đi, mua được một công rưỡi đất vườn ở sâu trong một con hẻm thuộc ấp Trường Lưu, xã Trường Đông, huyện Hoà Thành. Vườn trồng nhãn nhưng lợi nhuận từ cây nhãn không là bao, hai vợ chồng anh Út- con bà Hai phải tằn tiện lắm mới kiếm đủ cơm rau đạm bạc cho cả thảy 7 miệng ăn trong gia đình. Ngoài khoản tiền tuất liệt sĩ bà Hai được hưởng là 649.000 đồng/tháng, thu nhập của cả nhà phụ thuộc vào mảnh vườn và tiền công làm thuê làm mướn của vợ chồng anh Út, trung bình mỗi tháng chỉ trên 1 triệu đồng. Ngôi nhà phải chắp vá từ những mảnh bao ni-lông, những tấm cac-tông. Ngồi trong nhà có thể ngắm được sao trời, thấy được mưa rơi, nắng nhấp nháy sau những lỗ trống trên vách nhà. Mới mấy cơn mưa lớn vừa qua, căn nhà đã lung lay như chực đổ xuống. Mấy tấm tole trên nóc tha hồ đập rầm rầm. Đứa con gái lớn của anh Út thấy cảnh gia đình nghèo khó đã quyết định bỏ học, xuống thành phố làm công nhân khi chỉ mới 14 tuổi hơn.

Căn chòi rách nát, tạm bợ này hiện là nơi trú ngụ của 6 con người

Bà Hai băn khoăn hỏi tôi: “Ngày trước, ở Tiền Giang người ta nói đang xem xét xây nhà tình nghĩa cho tui nhưng chưa thấy thì tui phải chuyển lên đây sinh sống. Nghe nói ở đây hoàn cảnh của tui không được xây nhà tình nghĩa phải không cô?”. Nhìn căn nhà rách nát, trống huơ trống hoác của một bà mẹ liệt sĩ, tôi chợt xót xa trong lòng. Lời hứa “Sau hoà bình, con sẽ về nuôi dưỡng ba má cho đàng hoàng” lúc sinh thời của liệt sĩ Nguyễn Văn Vinh không bao giờ thực hiện được. Nhưng còn xã hội, lẽ nào không thể lo nổi một căn nhà tươm tất cho một bà mẹ liệt sĩ ở cái tuổi gần đất xa trời? Mong thay…

Yên Khuê