Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ước vọng Mộc Bài 

Cập nhật ngày: 20/02/2021 - 13:53

BTN - Trong giai đoạn 2015 - 2020, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và hoạt động thương mại, dịch vụ biên mậu ở địa phương.

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.  Ảnh: Ð.H.T

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bến Cầu phấn đấu sớm trở thành huyện phát triển mạnh về công nghiệp, về nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Theo đó, huyện định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng; thúc đẩy cơ giới hoá, tự động hoá đồng bộ trong sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Huyện đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng các vùng, tăng diện tích cây ăn trái, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, áp dụng quy trình VietGAP. Về thuỷ lợi, huyện mở rộng vùng tưới, đưa tổng diện tích bơm tưới của các trạm bơm đạt hơn 90% công suất thiết kế.

Về chăn nuôi, huyện phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, mở rộng vùng nuôi bò sữa trong nông hộ; tranh thủ nguồn lực đầu tư hệ thống đê bao tiểu vùng ven sông Vàm Cỏ Ðông để phát triển thuỷ sản, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.

Bến Cầu là huyện nông thôn, biên giới nhưng có vị trí hết sức thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và hoạt động thương mại, dịch vụ biên mậu ở địa phương.

Tiềm năng lớn

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài nằm trên tuyến đường Xuyên Á nối liền Thành phố Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, là cầu nối giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và nước bạn. Ðây còn là nơi tiếp nối giữa thành phố Tây Ninh và tỉnh Long An qua tỉnh lộ 786.

Hiện tỉnh phối hợp với các cơ quan Trung ương thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh kết nối với các tuyến vành đai 3 và 4 của Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi hoàn thành sẽ tạo thành các trục giao thông kết nối các tỉnh phía Nam và các nước trong khu vực ASEAN.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài hiện có 58 dự án đăng ký đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích là 1.976,13 ha. Trong đó, Công ty cổ phần Việt Nam - Mộc Bài đang hoạt động có hiệu quả; dự án Khu công nghiệp TMTC được xây dựng và đưa vào hoạt động với diện tích 100 ha. Nơi đây còn có cửa khẩu quốc tế Mộc Bài hoạt động nhộn nhịp. Ðây là những tiềm năng, lợi thế để Bến Cầu phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh những thuận lợi thì việc khai thác tiềm năng, lợi thế của khu kinh tế cửa khẩu này gặp không ít khó khăn. Việc Chính phủ bãi bỏ chính sách miễn thuế ở khu kinh tế cửa khẩu dẫn đến khó thu hút được các nhà đầu tư, từ đó hoạt động thương mại - dịch vụ không phát triển. Việc đầu tư vào hạ tầng khu kinh tế chưa đồng bộ theo quy hoạch, một số dự án chưa có đường giao thông kết nối nên khó khăn khi triển khai thực hiện.

Có dự án đăng ký đầu tư nhưng chưa triển khai dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên đất. Một số chủ đầu tư tự thoả thuận với người sử dụng đất, không liên hệ cấp có thẩm quyền để lập lại phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư nên việc xử lý thu hồi đất đối với các dự án chậm được triển khai.

Mặt khác, trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa quy hoạch chợ để đáp ứng nhu cầu mua hàng hoá của công nhân; hệ thống chợ biên giới còn nhỏ lẻ, xa biên giới. Trên tuyến biên giới có nhiều đường mòn, lối mở nên các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, đưa hàng cấm thâm nhập vào nội địa…

Những kết quả ban đầu

Nhận thức được tầm quan trọng về những tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong phát triển thương mại - dịch vụ biên mậu, thời gian qua, huyện Bến Cầu đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp và đạt được một số kết quả nổi bật.

Cụ thể, huyện tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản. Huyện kiến nghị tỉnh kịp thời chuyển đổi mô hình hoạt động từ thương mại - dịch vụ sang công nghiệp chế tạo - gia công nhằm giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương.

Huyện nỗ lực xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội; tập trung giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng hạ tầng trong khu kinh tế; tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư. Ðầu tư, nâng cấp một số chợ, điểm chợ biên giới.

Bên cạnh đó, huyện tập trung hướng nghiệp, đào tạo nghề cho người lao động, khuyến khích thu hút lao động có tay nghề để nâng cao năng suất lao động. Chỉ đạo các trường phổ thông tăng cường dạy bán trú - nhất là việc xã hội hoá xây dựng nhóm, lớp ở bậc học mầm non, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dịch vụ nhà ở trọ cho công nhân để tạo điều kiện cho công nhân an tâm lao động sản xuất. Từ đó, các doanh nghiệp trong khu kinh tế đã giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động (có trên 50% tổng số lao động là người dân Bến Cầu).

Những năm gần đây, hoạt động thương mại, dịch vụ biên mậu không ngừng phát triển. Hàng hoá trao đổi của dân cư ở các chợ biên giới ngày càng tăng, đa dạng về chủng loại. Ngoài ra, việc nâng cấp các chợ: Thị trấn, chợ Cầu Long Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh và hoạt động của chuỗi siêu thị Bách Hoá Xanh tại các xã, thị trấn làm cho hoạt động cung ứng hàng hoá ngày càng đa dạng, chất lượng hơn.

Những kết quả hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và phát triển thương mại - dịch vụ biên mậu đã góp phần đưa kinh tế - xã hội của huyện từng bước phát triển. Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm đạt 8,96%. Giá trị ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 11,88%/năm.

Giá trị thương mại, dịch vụ của huyện tăng bình quân 6,57%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, so với đầu nhiệm kỳ, tỷ trọng các ngành: Nông nghiệp giảm từ 31,51% xuống còn 25,51%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 60,38% lên 67,43%. Ðây cũng là sự nỗ lực rất lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ một huyện chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như Bến Cầu.

Sẽ đưa khu kinh tế cửa khẩu mộc bài phát triển đúng tiềm năng, lợi thế

Từ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Ðảng bộ huyện đã đúc kết những vấn đề mấu chốt như: Trước hết, cần xác định đúng tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và vai trò quan trọng của kinh tế biên mậu ở địa phương. Kế đến là phải chọn đúng khâu đột phá để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, đề ra các giải pháp để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, xem hoạt động thương mại - dịch vụ biên mậu là khâu trọng yếu.

Bên cạnh đó, phải xác định vai trò quan trọng của việc bảo đảm tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho khu kinh tế và hoạt động thương mại - dịch vụ biên mậu phát triển. Ðồng thời, phải phát triển kinh tế biên mậu để tạo điều kiện hình thành các khu dân cư tập trung dọc biên giới, góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hoá, quốc phòng an ninh khu vực biên giới, nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa các địa phương giáp ranh. Cuối cùng, phải tranh thủ lợi thế từ ngoại lực, phát huy tối đa nội lực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Ðể tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù của địa phương, huyện đề xuất một số giải pháp như: trước hết, tập trung bám sát 2 đề án “Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội” và “Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của huyện đến năm 2025 - tầm nhìn đến năm 2030”.

Huyện tập trung định hướng phát triển đô thị thị trấn Bến Cầu theo tiêu chí đạt đô thị loại IV, với hạt nhân là khu đô thị thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Trong đó, Bến Cầu ưu tiên quy hoạch xây dựng hạ tầng giao thông kết nối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; phát triển đô thị, thương mại dịch vụ gắn với khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp.

Tập trung giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu- nhất là hạ tầng giao thông trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, các trục giao thông kết nối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm tạo “quỹ đất sạch” theo hướng liền thửa, hạn chế trường hợp diện tích dự án nằm rải rác dạng “da beo”. Ðồng thời, huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhà ở vào các khu đất đã được phê duyệt theo quy hoạch.

Bến Cầu sẽ thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển dạy nghề; da dạng hoá các hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; vận dụng hợp lý các chính sách ưu đãi, thu hút lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; quan tâm đến đào tạo lao động có tay nghề; chú trọng cải cách thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch theo cơ chế “Một cửa liên thông” nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Tập trung đầu tư, nâng cấp các chợ, điểm chợ- nhất là các chợ biên giới; xây dựng chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài để phục vụ công nhân; triển khai xây dựng các cụm dân cư biên giới để nhân dân có điều kiện trao đổi, giao thương hàng hoá giữa các địa phương giáp ranh; khai thác lợi thế của dịch vụ logistics tại khu kinh tế cửa khẩu để phát triển thương mại - dịch vụ; đẩy mạnh phát triển du lịch gắn kết trong hệ thống du lịch của tỉnh; đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng, tôn tạo các khu di tích văn hoá - lịch sử ở địa phương, gắn kết du lịch sinh thái ven sông Vàm Cỏ Ðông và du lịch biên mậu; tạo môi trường ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Ðể đạt được các mục tiêu trên, lãnh đạo huyện kiến nghị tỉnh có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động công nghiệp, thương mại - dịch vụ trong Khu kinh tế cửa khẩu; ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản, đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư dịch vụ kho vận logistics, dịch vụ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ và dịch vụ y tế.

An Khang