Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ươm mầm hữu nghị - cầu nối hữu nghị lâu dài hai dân tộc Việt Nam - Campuchia
Chủ nhật: 20:39 ngày 19/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kết quả của hội nghị Hội Hữu nghị hai nước Việt Nam - Campuchia được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh ngày 12.11 vừa qua như được “tưới” thêm những giọt nước mát giúp cho những mầm xanh hữu nghị truyền thống, bền vững của 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia vươn lên mạnh mẽ.

Hội nghị Hội hữu nghị hai nước Việt Nam - Campuchia được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Tây Ninh sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, làm hết sức mình để góp phần tăng cường, thắt chặt mối quan hệ láng giếng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia nói chung và giữa Tây Ninh với các tỉnh bạn Campuchia”.

Ra đời từ năm 2012, “Ươm mầm hữu nghị” của Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia với hơn 100 lượt tổ chức, cá nhân, gia đình tại Việt Nam tình nguyện nhận đỡ đầu gần 500 sinh viên nước bạn Campuchia, góp phần “ươm mầm” những nhịp cầu hữu nghị bền vững, lâu dài giữa nhân dân hai nước.

Em Thon Bunheng, nghiên cứu sinh tại Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, em là một trong số những sinh viên Campuchia may mắn nhận được học bổng do Chính phủ Việt Nam tài trợ và được học ngành có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản.

Em Thon Bunheng nhấn mạnh: “Chúng em được học tiếng Việt, được tìm hiểu về lịch sử, văn hoá, phong tục Việt Nam, từ đó học được các kiến thức ngành nghề, hoà nhập với những người bạn Việt Nam. Đây là điều rất quý và ý nghĩa trong cuộc đời em. Đặc biệt, khi biết về lịch sử, chúng em càng tự hào và ghi nhớ công lao của các thế hệ lãnh đạo đã dày công vun đắp tình đoàn kết hữu nghị quốc tế cao cả của 2 dân tộc.

Đặc biệt, lịch sử đã ghi nhận công lao của quân và dân Việt Nam kề vai sát cánh chiến đấu cùng đất nước Campuchia, giúp Campuchia giành được độc lập và tự do, xây dựng đất nước Campuchia phồn vinh, tươi đẹp như ngày nay.

Thon Bunheng tự hào cho biết, ngoài được “cha mẹ nuôi” hỗ trợ về vật chất, chỗ ở, em còn được hỗ trợ cả về tinh thần, em cảm nhận như có chính ba mẹ mình bên cạnh và an tâm học tập thật tốt. Thon Bunheng khẳng định, sau khi trở về nước, em sẽ cố gắng làm việc thật tốt và tích cực vun đắp xây dựng tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế giữa hai nước.

Ông Nguyễn Công Trung (59 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh), Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, một trong những người Việt Nam nhận đỡ đầu 2 em Aing Kimhing và Vannak Dine, lưu học sinh Campuchia đang du học tại Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Công Trung, thông qua việc chăm sóc các sinh viên, ông muốn góp phần giáo dục truyền thống hữu nghị của hai dân tộc cho các cháu, từ đó giúp tô đẹp hơn tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Ông Nguyễn Công Trung, cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia và gắn bó với người dân nơi đây. Chính vì tình cảm thiêng liêng đó nên khi phục viên, sống giữa thời bình, ông vẫn muốn tiếp tục cống hiến, vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia luôn phát triển gắn bó, keo sơn.

 Nói về chương trình “Ươm mầm hữu nghị” đặc biệt ý nghĩa này, ông Lê Tuấn Khanh- Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho biết, năm học 2023-2024, Hội nhận đỡ đầu 70 sinh viên và tiếp tục phối hợp Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Campuchia tại Việt Nam nhận đỡ đầu 130 sinh viên. Trong đó, chủ yếu các em dự bị học tiếng Việt, sinh viên năm nhất, năm hai học tại 8 trường đại học ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đại học Y Thái Bình.

Cầu nối giúp hai quốc gia, hai dân tộc gần nhau hơn.

Theo ông Khanh, chương trình “Ươm mầm hữu nghị” ra đời trong bối cảnh quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia phát triển mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt hợp tác trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Từ đó, góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo bồi dưỡng, giúp đỡ lưu học sinh, sinh viên Campuchia học tập tại Việt Nam có điều kiện học tập tốt nhất, để sau khi tốt nghiệp về nước, các em là nguồn nhân lực quan trọng, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Campuchia, đồng thời là nhịp cầu hữu nghị lâu dài giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.

Qua đó, mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia tiếp tục được củng cố và tăng cường, ngày càng đi vào chiều sâu.

Phát biểu tại Hội nghị hữu nghị hai nước Việt Nam - Campuchia, bà Samdech Men Sam An- Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, thành viên Hội đồng cố vấn tối cao của Quốc vương Norodom Sihamoni, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam cảm ơn Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã luôn giúp đỡ Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam và giúp đỡ nhân dân Campuchia thông qua các chương trình viện trợ nhân đạo, nhất là giúp đỡ sinh viên Campuchia học tập tại Việt Nam, từ việc giúp các em được lắp đặt máy nước nóng cho mùa đông, giới thiệu cha mẹ đỡ đầu; tạo điều kiện cho sinh viên Campuchia được đến thăm và dùng cơm cùng gia đình… để sinh viên Campuchia yên tâm học tập. 

“Tôi hy vọng hai Hội Hữu nghị của hai nước chúng ta, Hội Hữu nghị các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh biên giới tiếp tục hợp tác để giữ gìn tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và giúp nhau ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc, kích động của thế lực thù địch, gây âm mưu chia rẽ quan hệ hữu nghị của hai dân tộc chúng ta”- bà Samdech Men Sam An phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Thanh- Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho biết, công tác “Ươm mầm hữu nghị” tiếp tục nhận được sự tham gia nhiệt tình của các cấp Hội, hội viên và sinh viên Campuchia. Sau hơn 10 năm, chương trình đã góp phần vun đắp tình hữu nghị 2 dân tộc.

Phan Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục