Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
USMCA - kết quả chiến thuật đàm phán của Mỹ
Thứ tư: 13:41 ngày 03/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau hơn 1 năm đàm phán căng thẳng, Mỹ, Canada và Mexico đã chính thức đạt được thỏa thuận sửa đổi vào phút chót, giúp Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hồi sinh với tên gọi mới là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Theo giới quan sát, Mỹ là bên thực sự giành được nhiều lợi ích từ hiệp định này.

Các nhà sản xuất sữa Mỹ được tiếp cận khoảng 3,5% thị trường sữa Canada trị giá 16 tỷ USD/năm Ảnh: Canadian Press

Mexico, Canada nhượng bộ 

Phát biểu với báo giới tại Ottawa vài giờ sau khi các bên ký kết USMCA, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế Canada, cho các gia đình và tầng lớp trung lưu của nước này. Canada nhất trí nới lỏng các biện pháp bảo hộ thị trường sữa và cho phép các công ty của Mỹ thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Theo đó, Canada đồng ý cho phép các nhà sản xuất và nông dân Mỹ tiếp cận khoảng 3,5% thị trường sữa Canada trị giá 16 tỷ USD/năm.

Đây vốn là yêu cầu chủ chốt của Mỹ bởi Tổng thống Donald Trump từng gọi NAFTA là sai lầm nghiêm trọng khi nó gây thiệt hại cho những nông dân chăn nuôi bò sữa của Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ không áp dụng mức thuế quan đối với các sản phẩm ô tô nhập khẩu từ Canada. Nhà lãnh đạo Canada cũng hoan nghênh những nhượng bộ của Mexico về lương cho người lao động trong ngành sản xuất ô tô và duy trì cơ chế giải quyết tranh chấp của NAFTA trước đây.

Theo đó, Mexico chấp nhận nâng tỷ lệ nội địa khu vực ô tô từ 62,5% hiện nay lên 75% và khoảng 40-45% giá trị mỗi ô tô được sản xuất tại các khu vực (Mỹ và Canada) có mức lương từ 15 USD/giờ trở lên. Với sự chấp thuận này của Mexico, chắc chắn thâm hụt thương mại của Mỹ với Mexico sẽ giảm vì hiện tại trên 50% thâm hụt trong giao thương là do ngành ô tô. 

Về phần mình, Mexico và Canada đã đáp trả bằng các biện pháp thuế quan tương ứng và đưa ra các chính sách đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Tuy nhiên, đây là một chiến lược dài hạn vì trong ngắn hạn, Mexico và Canada không thể tìm kiếm các thị trường xuất khẩu thay thế cho Mỹ. Theo thống kê, trên 81% xuất khẩu của Mexico là sang Mỹ và con số này đối với Canada là 75%. 

Có thể thấy cả Mỹ, Mexico và Canada đều có những nhượng bộ nhất định để đi đến thỏa thuận cùng thắng, bảo vệ được lợi ích của người dân mỗi nước. Tuy nhiên, Mỹ mới là nước giành được thắng lợi lớn nhất khi lấy chiêu bài thuế quan, hăm dọa đánh thuế nhập khẩu với các mặt hàng nhôm, thép, giấy in và đe dọa đánh thuế cao với ô tô và nông sản để ép Mexico và Canada nhượng bộ, cho phép đầu tư của Mỹ nhiều hơn. Dự kiến, USMCA sẽ được trình lên cơ quan lập pháp của các quốc gia để xem xét thông qua và ký trước ngày 29-11. 

Áp dụng lâu dài

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 1-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông đã thành công khi sử dụng các mối đe dọa về kinh tế cũng như các chiến thuật cứng rắn khác nhằm gây sức ép buộc Canada và Mexico phải đưa ra những nhượng bộ thương mại lớn, đồng thời khẳng định đây sẽ là mô hình cho các cuộc đàm phán trong tương lai của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump cho biết, ông sẽ thử cách tiếp cận tương tự trong đàm phán đối với Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản và có khả năng cả với Brazil và Ấn Độ, đồng thời tin rằng lãnh đạo các nước sẽ coi Mỹ đang thực sự nghiêm túc nếu như chính quyền của ông đe dọa đảo ngược các mối quan hệ kinh tế. Trong đó, ông Trump chỉ trích các chiến thuật thương mại của Ấn Độ và Brazil, mô tả hai nước này “có lẽ là kinh khủng nhất thế giới về chủ nghĩa bảo hộ”. 

Liên quan đến Trung Quốc, cũng trong phát biểu trên, Tổng thống Donald Trump khẳng định “vẫn còn quá sớm” để đàm phán với Bắc Kinh về một thỏa thuận thương mại. Theo ông, các mức thuế của Mỹ vẫn chưa thể hiện đủ sức ép để buộc Bắc Kinh nhượng bộ trên bàn đàm phán. Còn theo một số chuyên gia, USMCA không phải là biện pháp hiệu quả giúp cải thiện căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục