Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 23.10, ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tây Ninh chủ trì hội nghị giao ban định kỳ quý III.2018.
Đại diện NNNN chi nhánh Tây Ninh báo cáo tại hội nghị.
Đại diện NHNN báo cáo về tình hình hoạt động ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2018. Theo đó, tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 9.2018 đạt 46.128,6 tỷ đồng, tăng 10,7% so đầu năm (cùng kỳ tăng 19,6%); trong đó dư nợ ngắn hạn là 29.511 tỷ đồng, tăng 9,5% so đầu năm; dư nợ cho vay trung, dài hạn 16.617 tỷ đồng, tăng 13,0% so đầu năm.
Trong 9 tháng đầu năm, dư nợ cho vay trên địa bàn tiếp tục có mức tăng trưởng tốt, tuy có thấp hơn so cùng kỳ nhưng phù hợp với tình hình kinh tế của tỉnh và tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp đạt 13.395,4 tỷ đồng, tăng 7,3% so đầu năm với 946 doanh nghiệp; trong đó đối với doanh nghiệp dân doanh đạt 13.266 tỷ đồng, tăng 7,5% so đầu năm với 1.490 doanh nghiệp.
Trong tổng dư nợ, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh đạt 34.090 tỷ đồng, chiếm 74% tổng dư nợ, tăng 9,2% so đầu năm; dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 12.038 tỷ đồng, chiếm 26,0% tổng dư nợ, tăng 15,3% so đầu năm.
Cũng theo NHNN chi nhánh Tây Ninh, dư nợ cho vay chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp đạt 17.219 tỷ đồng, tăng 11,2% so đầu năm. Dư nợ cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14.11.2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 66,4 tỷ đồng với 36 khách hàng.
Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ đạt 22.019 tỷ đồng, tăng 6,3% so đầu năm.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh ngân hàng NN&PTNT Tây Ninh. Ảnh minh họa
Nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đến cuối tháng 9.2018 là 251,7 tỷ đồng, chiếm 0,55% tổng dư nợ, tăng so với tỷ lệ 0,45% của đầu năm.
Để hoạt động tín dụng đạt hiệu quả từ đây đến cuối năm, ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc NHNN chi nhánh Tây Ninh chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; chấp hành nghiêm túc quy định của NHNN về lãi suất huy động tối đa bằng đồng Việt Nam và lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên; áp dụng lãi suất cho vay hợp lý ở các lĩnh vực còn lại trên cơ sở lãi suất huy động, mức độ rủi ro của khoản vay, tiết kiệm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hộ dân.
Ngoài ra, các TCTD phải giải quyết tốt nhu cầu vay vốn thường tăng cao vào những tháng cuối năm. Đặc biệt, đối với những ngân hàng đã đạt và gần đạt chỉ tiêu dư nợ tín dụng cần có giải pháp hiệu quả trong vấn đề này.
Đối với các đơn vị còn lại tiếp tục mở rộng cho vay, ưu tiên dành nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc các đối tượng ưu tiên, các lĩnh vực phát huy thế mạnh của tỉnh, các doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nhi Trần