Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 16.4, TAND tối cao có Công văn hỏa tốc số 127/TANDTC-VP về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gửi các đơn vị trong ngành.
Theo đó, Chánh án TAND tối cao yêu cầu các Tòa án đặt tại các tỉnh, thành phố thuộc nhóm nguy cơ cao gồm 12 địa phương Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP.HCM, Tây Ninh và Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 02/2020/CT-CA ngày 10.3.2020 của Chánh án TAND tối cao; Công văn số 118/TANDTC-VP ngày 31.3.2020 và số 113 của TAND/TANDTC-VP ngày 30/3/2020.
TAND tỉnh phát khẩu trang cho người dân khi đến toà án.
Công văn yêu cầu Tòa án ở các địa phương này tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đến hết 24 giờ ngày 22.4 trong phạm vi tỉnh, thành phố; tiếp tục tạm dừng xét xử và giải quyết các vụ án, vụ việc theo Chỉ thị 02 của Chánh án TAND tối cao. Các vụ án, vụ việc đã hết thời hạn (kể cả thời gian gia hạn) và bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì thực hiện quy định của pháp luật tố tụng nhưng phải thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Công chức, người lao động của Tòa án tiếp tục sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà, trường hợp cần thiết theo yêu cầu của thủ trưởng đơn vị. Các tỉnh, thành phố phát sinh ổ dịch mới được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 công bố bổ sung thuộc nhóm nguy cơ cao thì Chánh án Tòa án địa phương chủ động thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch nêu trên.
Đối với các Tòa án đặt tại các tỉnh, thành phố thuộc nhóm nguy cơ, nhóm nguy cơ thấp, Chánh án TAND tối cao yêu cầu, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, khi tổ chức xét xử, giải quyết các vụ án theo quy định của tố tụng nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chỉ triệu tập những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng tham dự phiên tòa, phiên họp.
Hạn chế tổ chức các phiên tòa, phiên họp tập trung trên 20 người trong một phòng; yêu cầu thực hiện giữ khoảng cách 2m giữa người với người trong phòng xử và nơi làm việc; bố trí phòng xử trực tuyến để đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa người và người.
Công chức, người lao động đến Tòa án làm việc, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải thực hiện nghiêm các yêu cầu giãn cách xã hội, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang... trong suốt thời gian làm việc. Tự giác khai báo thông tin về lịch sử tiếp xúc với người dương tính virus SARS-CoV-2 và lịch sử di chuyển, đi lại đến các địa phương có dịch. Công chức, người lao động có lịch sử tiếp xúc đi lại tới vùng có dịch được yêu cầu làm việc tại nhà.
Trong thời gian này, các Tòa án ưu tiên đưa ra xét xử, giải quyết các vụ chuẩn bị hết thời hạn xét xử; các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19; các vụ việc phục vụ cho nhiệm vụ chính trị địa phương; các vụ án nghiêm trọng dư luận xã hội quan tâm.
Ngay sau khi nhận được Công văn của TAND tối cao, TAND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, thực hiện về phòng, chống dịch Covid - 19 gửi các Chánh toà, Trưởng phòng thuộc TAND tỉnh, TAND các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm, tốt nội dung quán triệt theo Công văn số 127/TANDTC-VP về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của TAND tối cao.
Phân công lãnh đạo đơn vị và công chức trực tại cơ quan để xử lý các công việc cần thiết theo yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị để đảm bảo việc thực hiện theo chỉ đạo của Chánh án TAND tối cao về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Việc phân công công chức trực tại cơ quan, đơn vị phải đảm bảo không để xảy ra lây nhiễm bệnh cho công chức, người lao động tại công sở. Kịp thời báo cáo Chánh án TAND tỉnh khi có tình huống phát sinh thông qua văn phòng hoặc gửi báo cáo qua mail điện tử.
Thiên Di