Thể thao   Bóng đá

BAOTAYNINH.VN trên Google News

V-League cũng cúm 

Cập nhật ngày: 03/02/2020 - 19:54

Bất chấp sức hút của đội tuyển quốc gia và U23, giải đấu số một Việt Nam - sàn diễn hàng tuần của các tuyển thủ - vẫn đứng ngoài đời sống bóng đá quốc nội.

Biểu hiện rõ nhất là yếu tố tài chính. Năm 2019, doanh thu của VPF - công ty quản lý các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam - chỉ tăng 9,87%. Cùng kỳ, Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF đạt doanh thu kỷ lục: tăng 150%, lợi nhuận cũng tăng 747% so với dự kiến. Sự tăng trưởng thần kỳ đó chủ yếu nhờ hiệu ứng từ các đội tuyển quốc gia sau năm thứ hai liên tiếp thành công.

Đội tuyển thi đấu tốt thì VFF hưởng lợi, đó là điều đương nhiên. Nhưng cái lợi lớn nhất đáng ra phải nằm ở hệ thống CLB thông qua sự quan tâm của khán giả, nguồn tài trợ đổ thêm vào bóng đá. Vậy mà, không chỉ doanh thu không tăng nhiều, ngay trước thềm mùa giải 2020, V-League một lần nữa phải đổi nhà tài trợ. 

Hồng Lĩnh Hà Tĩnh sẽ là tân binh của V-League 2020. Ảnh: Đức Hùng.

Năm 2018, Nutifood được cho là ký hợp đồng ba năm, nhưng ngay cả khi bóng đá Việt Nam đạt cực thịnh với chức vô địch AFF Cup, bản hợp đồng này cũng kết thúc chóng vánh. Nhãn hàng Wake-up 247 của tập đoàn Masan nhảy vào thay thế với hợp đồng kỷ lục 5 năm. Nhưng rồi, nó đã dừng lại sau một năm. Mới đây, VPF cho biết V-League 2020 sẽ có nhà tài trợ mới là nhãn hàng LS.

LS là thương hiệu ngành điện của Hàn Quốc, nhưng việc gắn tên với bóng đá Việt Nam dường như chỉ là động thái "chữa cháy" của ông Trần Anh Tú - Chủ tịch công ty VPF, cũng là ông chủ của công ty Thái Sơn Nam, nhà phân phối sản phẩm LS tại Việt Nam. Có thể nói rằng, ông Tú dùng "tiền nhà" để bảo đảm cho V-League có thể khai diễn đúng hạn.

Có nhiều nhà tài trợ bao giờ cũng tốt hơn cho bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, chỉ riêng ông Tú, thông qua các công ty của mình, đang tài trợ các giải vô địch bóng đá nữ, hạng Nhất và V-League. Đó là những giải đấu mang tính xương sống của nền bóng đá, là hạ tầng của mọi sự phát triển. Nếu phần hạ tầng ấy rơi vào tình cảnh "người mới không vào, người cũ bỏ chạy", thì quả là một sự báo động không nhỏ.

Giai đoạn 2011-2017, bóng đá Việt Nam khủng khoảng đến mức gần như chạm đáy, nhưng hoạt động tài trợ cho V-League lại khá ổn định. Sau khi Eximbank tài trợ bốn năm, đến lượt Toyota tham gia ba năm. Trong giai đoạn đó, V-League có đến sáu nhà vô địch, không tồn tại sự thống trị "chưa đá đã biết vô địch" như hiện nay. Đỉnh điểm là năm 2015, khi "những đứa trẻ bầu Đức" được đôn lên đội một, V-League đạt số khán giả bình quân kỷ lục 7.400 người mỗi trận.

Giữa đội tuyển quốc gia và giải vô địch quốc gia không nhất thiết phải giống nhau về phương diện tài trợ, khán giả, truyền thông, lợi nhuận... Tuy nhiên, việc dòng tiền đổ vào đội tuyển quốc gia tăng chóng mặt, trong khi V-League rơi vào cảnh "chạy ăn từng bữa" là điều bất hợp lý bởi trên thực tế, mối quan tâm và các hoạt động truyền thông cho V-League hiện nay tốt hơn nhiều so với trước nhờ hiệu ứng đội tuyển.

Sự bất hợp lý không chỉ nằm ở nhà tài trợ, mà còn ở sự thiếu hụt nhân tố mới. V-League 2020 xuất hiện tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Nhưng gốc của nó là Hà Nội B. Cách đây bốn năm, đã có trường hợp tương tự, khi một đội Hà Nội B khác thăng hạng, chuyển tên thành Sài Gòn FC (đến mùa này mới đổi chủ sở hữu). Chính vì thế, sự có mặt của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh dẫn đến nghi ngờ là V-League hiện nay không chỉ có năm, mà đến sáu đội bóng có "dây mơ rễ má" đến bầu Hiển.

Nghĩa là, chưa khai màn nhưng tình trạng "năm ông ốm đánh một ông mập" - như lời dự báo của bầu Đức về việc CLB TP HCM không thể vô địch hồi năm 2019 - lại được xới lên. Với một sự thiếu minh bạch như vậy, cũng khó có nhà tài trợ hay khán giả trung lập nào không cảm thấy mất niềm tin vào V-League.

V-League đã không làm tốt hơn, ngược lại thể trạng đang bị cúm của nó có thể "lây lan" cho đội tuyển quốc gia. Chất lượng cầu thủ trẻ đang có vấn đề sau thất bại ở U23 châu Á. Điều này đã được dự báo nhưng tình hình không sáng sủa. V-League mang tiếng có 14 đội nhưng khả năng đóng góp cầu thủ trẻ chỉ gói gọn trong một vài CLB. Tình trạng quan hệ "nhiều đội bóng cùng một ông bầu" là một nguyên nhân.

Hà Nội năm nay mất suất dự AFC Champion League cũng vì họ đem cho CLB Sài Gòn mượn đội U15, nên không có đại diện dự giải đấu trẻ này. Nguồn cung cấp cầu thủ trẻ tốt nhất hiện nay vẫn đến từ đội bóng thủ đô, nhưng có vẻ như họ phải "gồng gánh" thêm một số nhiệm vụ cho các đội bóng có liên quan, nên về thực chất, V-League đông đảo nhưng hầu như không có giá trị nhiều trong khâu đào tạo và phát triển cầu thủ.

Bằng một cách nào đó, V-League vẫn có nhà tài trợ, vẫn được triển khai và vẫn sẽ kết thúc "đúng qui trình". Nhưng, những biến động trên nhiều phương diện sẽ mang đến cảm giác "thể trạng" của giải  đấu này không được khỏe, như người mắc bệnh cúm, dễ bị tổn thương với những tác động bên ngoài.

Nguồn VNE