Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngôi đầu V-League sau tám vòng đấu đổi chủ liên tục và dưới đáy bảng là những cuộc đào thoát trong cuộc chơi rất khắc nghiệt, bên cạnh nỗi lo ngay ngáy trọng tài yếu kém làm hỏng trận đấu.
CLB Sài Gòn với mạch trận bất bại đã nhảy lên ngôi đầu bảng, thế chỗ CLB TP.HCM sau vòng 8 nhưng chỉ hơn đội hạng 4 Than Quảng Ninh đúng một trận thắng. Điều này có nghĩa chỉ cần một cú sẩy chân, ngôi đầu V-League lại đổi chủ ngoạn mục như cái cách SL Nghệ An ngồi chưa ấm chỗ đã ngậm ngùi rơi xuống hạng 9.
Mới chỉ ba vòng trước đó, SL Nghệ An từng đánh bại nhà đương kim vô địch V-League, gây chấn động khi chấm dứt chuỗi 32 trận bất bại và suốt ba năm qua Hà Nội không thua ở Hàng Đẫy. Thầy trò HLV Ngô Quang Trường ngạo nghễ trên ngôi đầu bảng chỉ đúng một vòng đấu với cái thua nặng TP.HCM 1-3 trên sân Vinh và tuột dốc thảm hại trong nhóm chạy trốn rớt hạng.
V-League khắc nghiệt từ lúc phải thay đổi thể thức hậu mùa dịch COVID-19 sẽ phân nhóm sau lượt đi khiến trận nào với 14 đội bóng cũng căng thẳng như đá chung kết. Sau khi chia hai nhóm tranh vô địch hoặc tránh xuống hạng, nguy cơ tiêu cực theo kiểu bóng đá tình cảm hay có đổi chác với đội không có tham vọng ra sao thì chưa biết, còn lúc này cơ hội tiêu cực rất hiếm xảy ra.
SL Nghệ An sau chiến thắng Hà Nội và lên đỉnh thì ba trận sau rơi tự do xuống hạng 9. Ảnh: NGỌC DUNG
Đơn giản CLB nào cũng lo chạy đua cật lực tích lũy điểm để nhảy vào nhóm 8 đội xếp trên sau 13 lượt trận thì hơi sức đâu đá thay cho người khác.
Sau hơn nửa đường giai đoạn 1, những đội có nguy cơ rớt lại bắt đầu lộ diện, vì thay đổi về kiểu chơi, sự chuẩn bị, cách đầu tư, con người hạn chế, thiếu may mắn do... trời và cả trọng tài.
Hầu như ở lượt đấu nào, công tác trọng tài cũng đều bị đưa lên bàn giải phẫu những tình huống khó mà đội thua cuộc thường cho rằng mình oan ức. Đáng nói có nhiều trường hợp trọng tài sai mà không biết mình sai khi phải chịu đựng quá nhiều thứ chi phối.
Cũng không loại trừ cả khả năng CLB trốn tránh sự yếu kém lẫn trách nhiệm của chính mình thì việc đổ vấy cho sai sót của trọng tài luôn dễ nhất. Dĩ nhiên, có những cái sai cơ bản và lộ liễu của giới cầm cân nảy mực làm thay đổi kết quả của trận đấu, như ở sân Thiên Trường, Tam Kỳ.. thì chẳng còn gì để bào chữa.
Cái khó của giới trọng tài trong mùa chuyển giao lực lượng có trình độ chung không đồng đều. Chính ông Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền cũng thừa nhận lứa trẻ mới lên có sai sót do sức ép nặng nề và hứa hẹn sẽ khắc phục.
Cho nên các CLB cứ mỗi trận ngoài sự chuẩn bị mọi thứ về chuyên môn chu đáo vẫn phải tiếp tục sống chung với sự non tay của trọng tài như một phần tất yếu của cuộc chơi.
VFF yêu cầu chấn chỉnh giới trọng tài
V-League ngày càng nóng với những trận cầu có tính chất phức tạp càng tăng nhưng các giải pháp để giảm thiểu gánh nặng và sai sót cho trọng tài chỉ là tương đối. Phải đến giữa giai đoạn, Ban trọng tài VFF mới có đợt rút kinh nghiệm chung và tập huấn công tác trọng tài. Những mùa trước, bóng đá Việt Nam có năm trọng tài FIFA thì bây giờ chỉ còn hai là Hoàng Ngọc Hà, bên cạnh Ngô Duy Lân có đẳng cấp Elite cao nhất. Phương án mời “vua ngoại” thời điểm này bất khả thi, không phải vì tốn tiền mà bởi dịch COVID-19 ở các nước, trong khi công nghệ hỗ trợ trọng tài (VAR) mới chỉ nghe VPF nói cho vui.
Mới nhất, VFF đã gửi công văn cho Ban trọng tài chấn chỉnh lực lượng “vua sân cỏ” với yêu cầu kiên quyết xử lý kỷ luật những trường hợp trọng tài, giám sát trọng tài mắc sai sót nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Và với người hâm mộ thì hoàn toàn không lạ với điệp khúc nhắc nhở mỗi khi bị dư luận ca thán.
Nguồn PLO