Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Từ ngày 19-25/11, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm hoạt động của các CLB bóng đá chuyên nghiệp Hàn Quốc cho đại diện của các đội bóng V-League và hạng Nhất QG.

Đây là nỗ lực của VPF nhằm giúp các đội bóng Việt Nam có thể hoàn thiện hơn về mô hình hoạt động, nâng cao khả năng quảng bá hình ảnh và vận động tài trợ.
NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG CỦA 2 NỀN BÓNG ĐÁ
![]() |
Lãnh đạo VPF từng đi Nhật Bản học hỏi mô hình J-League năm 2014. |
Ngoài việc Hàn Quốc là nền bóng đá phát triển hàng đầu châu lục, sở hữu nhiều CLB thuộc dạng “ông kẹ” của AFC Champions League thì một nguyên nhân nữa khiến VPF muốn nghiên cứu về K-League là do bóng đá cấp CLB tại Việt Nam và Hàn Quốc có không ít điểm tương đồng.
Có thể nhanh chóng kể ra những điểm giống nhau này khi nhìn vào số lượng các đội bóng chuyên nghiệp, quy mô của các giải đấu cũng như “thị hiếu” mang đậm chất Á Đông của khán giả.
Cụ thể, tại 2 giải đấu hàng đầu dành cho các CLB chuyên nghiệp Hàn Quốc (K-League Classic và K-League Challenge) chỉ có tổng cộng 23 CLB, tức là ít hơn 1 đội so với V-League và giải hạng Nhất của Việt Nam ở mùa giải 2016.
Một điểm đáng chú ý nữa chính là giải VĐQG của Hàn Quốc (K-League Classic) cũng có số lượng CLB nhiều hơn so với hạng đấu liền kề phía sau K-League Challenge (12 đội so với 11 đội).
Đây là điểm giống nhau đặc biệt của bóng đá Việt Nam và Hàn Quốc bởi trên thế giới, đa số các nền bóng đá đều xây dựng hệ thống các giải đấu quốc gia của mình theo hình kim tự tháp, tức là ở các hạng đấu càng cao thì số CLB càng ít.
Nhìn tổng quan, ở 4 giải đấu hàng đầu của cấp CLB tại Hàn Quốc cũng chỉ có tổng cộng 51 CLB, còn 4 giải đấu từ V-League đến giải hạng Ba của Việt Nam có tổng cộng 49 CLB.
Chính vì thế, cách thức tổ chức các giải đấu và phân bổ các suất lên – xuống hạng mà phía Hàn Quốc đang áp dụng sẽ là một trong những vấn đề mà đoàn công tác của VPF cần nghiên cứu để chọn lựa những kinh nghiệm phù hợp nhất để áp dụng cho các giải đấu trong nước.

Với nhiều điểm tương đồng, giải VĐQG Hàn Quốc hoàn toàn có thể là mô hình để V-League học hỏi.
“ĐẶC SẢN BÓNG ĐÁ” XỨ KIM CHI
Tại Hàn Quốc, K-League Classic và K-League Challenge dù lần lượt được coi là 2 giải đấu cao nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia nhưng việc lên – xuống hạng của các CLB lại không diễn ra dựa trên thành tích thi đấu trong mùa giải như ở các nền bóng đá khác. Chính vì thế 2 giải đấu này từng trải qua nhiều năm liền không có sự “trao đổi” các CLB tham dự.
Đó là bởi việc lên – xuống hạng của các CLB tại Hàn Quốc được quyết định bằng cả thành tích thi đấu lẫn các yếu tố về giá trị thương hiệu và khả năng kinh doanh.
Ví dụ, một CLB tại K-League Challenge nếu đạt thành tích cao ổn định trên BXH trong vài mùa bóng và cảm thấy tự tin về khả năng đáp ứng các tiêu chí đánh giá sự chuyên nghiệp mà BTC K-League Classic đưa ra thì hoàn toàn có quyền nộp hồ sơ đăng ký góp mặt tại sân chơi cao nhất dành cho các CLB Hàn Quốc.
Nếu hồ sơ được duyệt, CLB này sẽ nhận vé lên hạng còn trong trường hợp ngược lại, họ sẽ tiếp tục chơi ở hạng đấu của mình để tiếp tục hoàn thiện chờ ngày đáp ứng đủ các tiêu chí của K-League Classic.
Cách thức chọn đội lên hạng như kể trên giúp giải VĐQG Hàn Quốc duy trì được nền tảng cao về sự chuyên nghiệp của các đội bóng trên phương diện thương mại cũng như chuyên môn. Các đội bóng ở hạng đấu cao nhất thì không sợ cảnh các nhà tài trợ “cắt hợp đồng” rồi chết yểu chỉ vì “tội”… không may rớt hạng.
Trong bối cảnh những năm gần đây ở V-League và giải hạng Nhất, nhiều CLB đã không thể tiếp tục tồn tại cũng với nguyên nhân kể trên. Chính vì vậy, thứ “đặc sản” về cách phân bổ các suất lên – xuống hạng của bóng đá Hàn Quốc cũng được xem là điều mà VPF và các CLB Việt Nam cần tìm hiểu, nghiên cứu trong chuyến khảo sát sắp tới!
Nguồn Bongdaplus