Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vác lúa- Nghề không dễ làm
Thứ sáu: 03:10 ngày 12/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vác lúa xuống ghe, người vác không chỉ chịu đựng sức nặng trên vai mà còn phải tập trung chú ý sao cho khéo léo từng bước chân đi qua cây cầu nối giữa bờ và chiếc ghe, đó là một tấm ván với bề rộng chỉ bằng chiều dài bàn chân phụ nữ.

Nhóm anh Quang bốc vác lúa xuống ghe ở bưng Trao Trảo.

Không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, cứ có việc là họ có mặt trên đồng ruộng, nhanh chóng đưa hàng tấn lúa xuống ghe cho kịp chuyến hàng, kịp con nước.

Ðông Xuân là vụ lúa chính của cánh đồng ven sông Vàm Cỏ. Những ruộng nước trắng xoá hôm nào giờ đã rực vàng màu lúa chín. Lúa ở đây chủ yếu được vận chuyển bằng ghe. Ðây cũng là thời điểm nghề bốc vác lúa bắt đầu “vô vụ”.

Gần 12 giờ trưa, cái nắng chang chang đổ trên đầu, mồ hôi thấm ướt áo, nhưng nhóm bốc vác ở bưng Trao Trảo, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu vẫn hối hả thi nhau vác từng bao lúa từ trên bờ kênh xuống ghe.

“Giờ này vẫn chưa ăn cơm là chuyện thường. Làm nghề này giờ giấc thất thường lắm, cứ canh theo con nước mà vác, nhiều bữa để kịp con nước, tụi tôi còn phải thức suốt đêm vác lúa”- anh Nguyễn Thành Quang, trưởng nhóm nói sau khi đỡ bao lúa lên vai đồng nghiệp.

Theo lời kể, vài năm trước, người bốc vác lúa phải đưa lúa từ trong ruộng ra. Tiền công tính theo mẫu. “Ruộng xa hay gần bờ sông, tuỳ quãng đường đi giá có khác nhau. Gần thì 150.000 đồng/mẫu, xa giá cao hơn, từ 170.000 đến 200.000 đồng/mẫu. Nhưng nay, máy cày chạy vô tới ruộng chở lúa ra tận bờ nên tụi tôi chỉ việc bốc từ bờ xuống ghe thôi, giá 40.000 đồng/tấn lúa”- anh Quang cho biết thêm.

Vừa bốc xong mớ lúa khu vực ấp Cẩm Bình, mọi người lại hối hả lấy xe máy chạy cặp đê sang ấp Cẩm An để tiếp tục công việc tương tự- bốc gần chục tấn lúa xuống chiếc ghe đang chờ. “Mỗi ngày tụi này bốc cho 3 ghe lúa, trung bình khoảng 150-170 tấn lúa”- Hùng, 28 tuổi, một người trong nhóm bốc vác lúa thuê cho biết.

Thi thoảng, mọi người trong nhóm bốc vác lúa thay ca nhau, ai vác lâu, mệt ra đứng đỡ lúa lên vai người khác và người kia sẽ vào vác thay. Riêng nhóm xổ lúa, nhìn tưởng chừng nhẹ nhàng với công việc cắt dây và đổ lúa ra ghe, như lời một anh mới quăng bao lúa xuống sàn ghe vừa cười vừa nói: “Chỉ mấy người không có sức vác mới phải đứng xổ lúa thôi”. Nhưng thật ra không phải vậy. Ðó chỉ là câu nói đùa cho quên mệt, còn thực tế thì: “Phải dùng sức để xổ một bao lúa nặng trên dưới 50kg và làm liên tục cả ngày như vậy không phải ai cũng làm nổi đâu”- một người trong nhóm bảo. 

Chỉ chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, gần 500 bao lúa đã được 10 người trong nhóm “giải tán” thật nhanh gọn.

“Tụi tôi chỉ làm cho một lái lúa thôi. Cứ tới vụ, lái ở miền Tây lên mua lúa điện thoại cho anh Quang, rồi ảnh điện lại cho anh em để tập trung nhau đi làm. Một vụ làm khoảng 20 ngày cho tới một tháng. Hết vụ về mỗi người cứ làm việc thường ngày của mình. Có người làm ruộng, người nuôi bò, hoặc làm thuê làm mướn gì đó, tới vụ sau lại đi bốc vác tiếp. Một ngày bốc vác lúa trung bình cũng kiếm được 400.000 đồng. Hôm nào làm luôn ban đêm kiếm được nhiều hơn. Như hôm qua, mọi người làm từ 6 giờ sáng tới 11 giờ khuya được 900.000 đồng. Làm khuya nhiều tiền nhưng cũng… oải lắm, về tới nhà là bữa sau không muốn đi làm nữa”- anh Phong, một thành viên của nhóm tâm sự.  

Không làm thời vụ như nhóm của anh Quang, nhóm bốc vác của anh Nguyễn Thanh Hồng ở xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu hầu như làm việc quanh năm. Lái mua lúa ở đâu, nhóm đi theo đó, nhưng nơi hoạt động thường xuyên của nhóm vẫn là bến phà Bến Ðình trước đây. “Sáng giờ mọi người vác mấy container lúa xuống ghe, mới vừa xong thì chạy ra ruộng vác tiếp. Tôi ở lại nhận tiền cho anh em rồi cũng ra đó phụ cho kịp chuyến hàng”- anh Hồng vừa cột lại mớ tiền công mới nhận vừa nói.

Do lúa nhiều nhưng không có người bốc vác, một lái lúa đã phải “cầu cứu” nhóm của anh Hồng. Nhóm có 13 người phải chia thành hai tốp nhỏ để vác lúa cho hai chủ khác nhau, tranh thủ làm cả buổi trưa để kịp 3 giờ chiều còn chạy về Bình Thạnh (Trảng Bàng) vác lúa cho lái nhà. “Bình thường đông người cứ vác tới ghe quăng xuống, có hai hoặc ba người phụ trách cắt, xổ lúa. Nhưng giờ không đủ người, phải lập thế- người vác, cõng lúa trên vai cho người sau cắt dây, xổ lúa xuống. Làm vầy có hơi chậm nhưng đỡ tốn sức của anh em”- anh Hồng giải thích cách xổ lúa hơi đặc biệt của nhóm.

Vác lúa xuống ghe, người vác không chỉ chịu đựng sức nặng trên vai mà còn phải tập trung chú ý sao cho khéo léo từng bước chân đi qua cây cầu nối giữa bờ và chiếc ghe, đó là một tấm ván với bề rộng chỉ bằng chiều dài bàn chân phụ nữ.

Nếu chiếc ghe nằm gần bờ, đoạn cầu bắc ngang không dài lắm, việc đi lại cũng không khó mấy, ớn nhất là khi gặp ghe lớn không cập sát bờ được, phải bắc cây cầu dài thậm thượt. Người vác lúa đi trên cầu, thỉnh thoảng lỡ bước, hụt chân thế là cả người lẫn lúa… rớt luôn xuống sông, cũng coi là chuyện thường. Bốc vác lúa là công việc rất cực nhọc, vất vả, nhưng hầu như lúc nào cũng nghe mọi người trong nhóm vác lúa bông đùa, nói cười rôm rả.

Có lẽ, tiếng cười chính là “liều thuốc bổ” giúp họ vượt qua mọi nhọc nhằn. Chỉ vào những vai áo bạc thếch màu, lấm lem và những vết trầy do lúa “liếm” ở cổ cộng thêm mồ hôi thấm ướt, anh Hồng nói: “Mùa này trời nắng ráo còn đỡ, qua tới vụ sau, trời mưa gió, công việc còn vất vả gấp trăm; nhiều hôm phải đội mưa vác lúa, đường lên xuống trơn trượt, té ngã như chơi”.

Khéo léo qua cầu.

Theo tìm hiểu, một ngày cật lực vác lúa, mỗi người kiếm được chừng 400.000 đồng. Nếu làm thêm buổi tối được gấp đôi. Ðó là một mức thu nhập không tệ. Ðây cũng là lý do nhiều người vẫn chấp nhận đi vác lúa thay vì làm những công việc khác nhẹ nhàng hơn.

Tuy nhiên, thử một phép tính mới thấy: “Một tấn lúa khoảng 20 bao, được trả 40.000 đồng. Trong đó, để một bao lúa xuống tới ghe phải có tới 4 người gồm 2 người đỡ lúa lên vai, một người vác và một người xổ lúa. Tính ra một bao lúa được trả… 2.000 đồng- chia cho 4 người”- anh Hồng nhẩm tính.

Trời chiều chạng vạng, rải rác vài người trong nhóm anh Hồng vừa vác lúa ở ngoài đồng về tập trung tại Bến Ðình. Một anh giở hộp cơm vợ mang ra treo trên cây đa từ trưa, ăn vội vàng để còn kịp khi ghe từ Tiền Giang lên cần bốc vác lúa ngay trong đêm.   

Ngọc Diêu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục