Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo Tạp chí Nature, vaccine làm giảm nguy cơ mắc COVID kéo dài bằng cách giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 ngay từ đầu. Nhưng đối với những người bị nhiễm trùng đột phá, tiêm phòng chỉ giảm một nửa hoặc hoàn toàn không giảm nguy cơ mắc hội chứng kéo dài này.
“COVID kéo dài” được gọi theo thuật ngữ khoa học là di chứng cấp tính sau nhiễm virus SARS-CoV-2 (PASC). Hội chứng này được xác định bởi các triệu chứng kéo dài của đợt nhiễm virus vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi bệnh nhân bắt đầu hồi phục. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Michigan cho thấy hơn 40% những người sống sót sau COVID-19 trên khắp thế giới đã bị COVID kéo dài.
Mặc dù hiện có nhiều loại vaccine ngừa COVID-19 với tỷ lệ hiệu quả cao, song khả năng bảo vệ của vaccine đối với các mối đe dọa khác nhau do virus SARS-CoV-2 gây ra vẫn còn khá mơ hồ. Một trong những mối đe dọa như vậy là hội chứng COVID kéo dài.
Tiêm phòng có thực sự bảo vệ bạn khỏi COVID kéo dài không?
Vaccine có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ bệnh nặng và tử vong do virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng tiêm phòng không làm giảm nguy cơ mắc bệnh COVID kéo dài.
Nhà vật lý trị liệu David Putrino cho biết, hàng chục bệnh nhân của ông đã mắc COVID kéo dài do “nhiễm trùng đột phá” - những người được tiêm chủng bị lây nhiễm virus.
Được biết, một trong những nguyên nhân gây ra bệnh COVID kéo dài là do phản ứng miễn dịch được kích hoạt bởi lần nhiễm trùng ban đầu, có thể tạo ra kháng thể và một số phản ứng miễn dịch khác chống lại chính các mô của cơ thể. Các nhà khoa học cho rằng tiêm phòng chỉ có thể làm giảm khả năng xảy ra trường hợp này, và chỉ bảo vệ một phần chống lại COVID kéo dài.
Một trong những nghiên cứu lớn nhất được thu thập cho đến nay từ 1,2 triệu người - những người được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, phát hiện tiêm đủ hai liều vaccine giúp giảm khoảng một nửa nguy cơ mắc bệnh COVID kéo dài ở những người đã bị nhiễm trùng đột phá. Tuy nhiên, báo cáo của Tạp chí Nature lưu ý, nghiên cứu này bao gồm nhiều nam giới hơn nữ giới và ít người sống ở các khu vực có thu nhập thấp.
Trong khi đó, một nghiên cứu lớn, chưa được đánh giá ngang hàng, cho thấy tiêm chủng không bảo vệ khỏi nhiều tình trạng liên quan đến COVID kéo dài. Đề cập đến vấn đề này, nhà miễn dịch học Akiko Iwasaki tại Đại học Yale ở Connecticut, cho biết: “Kết quả của những nghiên cứu này rất đáng thất vọng. Tôi thực sự nghĩ rằng vaccine sẽ bảo vệ chống lại hội chứng kéo dài này một cách rộng rãi hơn nhiều”.
Với các chương trình tiêm chủng vẫn đang được tiến hành, các nhà nghiên cứu sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cơ chế của vaccine và các biến thể ảnh hưởng đến tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID kéo dài. Ví dụ, vào tháng 10, chi nhánh của Cơ quan Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh đã báo cáo liều vaccine COVID-19 thứ nhất có thể làm giảm 13% các triệu chứng COVID kéo dài ở những người đã bị hội chứng này. Trong khi đó, liều thứ 2 giúp giảm thêm 9% so với lần đầu tiên.
Có thể xác định mức độ và rủi ro của COVID kéo dài nếu bị nhiễm trùng đột phá không?
Theo nhà miễn dịch học Petter Brodin tại Viện Karolinska của Stockholm, việc xác định nguy cơ mắc COVID kéo dài do nhiễm trùng đột phá là một thách thức vì một số người bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng, thậm chí có thể không được xét nghiệm COVID-19. Thực hiện bất kỳ hình thức đánh giá nào về số lượng người phát triển các triệu chứng kéo dài sau khi họ được chủng ngừa sẽ vô cùng khó khăn.
Nguồn VOV.VN (Biên dịch)
Theo HindustanTimes