Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vaccine ComBE Five có thực sự an toàn?
Thứ hai: 21:53 ngày 14/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Từ cuối tháng 12-2018 cho tới nay, tại nhiều tỉnh, thành đã thực hiện tiêm chủng vaccine ComBE Five cho trẻ em để thay thế vaccine “5 trong 1” Quinvaxem. Mặc dù, Bộ Y tế và các đơn vị chức năng khẳng định ComBE Five là loại vaccine an toàn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) song với việc nhiều trẻ nhỏ bị phản ứng, thậm chí tử vong chưa rõ nguyên nhân sau khi tiêm ComBe Five đang khiến cho cộng đồng lo lắng.


Trẻ nhỏ sau khi được tiêm chủng vaccine cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Ảnh: Quốc Khánh

Tử vong chưa rõ nguyên nhân

Theo Bộ Y tế, sau khi triển khai thí điểm tại 7 tỉnh với 17.356 trẻ thì từ cuối tháng 12-2018 cho tới nay, cả nước đã có 28 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vaccine ComBE Five với trên 131.171 trẻ. Báo cáo từ các địa phương ghi nhận khá nhiều trẻ gặp các phản ứng thông thường như: sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, khó chịu, quấy khóc... với tỷ lệ khoảng 2,5%.

Đáng chú ý cũng đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật... với tỷ lệ khoảng 0,05% nhưng các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi và điều trị. Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ lệ bị phản ứng sau tiêm vaccine ComBE Five vừa qua đều nằm trong thống kê, giới hạn của WHO.

Mặc dù đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết đến nay chưa có trường hợp nào trẻ tử vong do tiêm vaccine ComBE Five nhưng thực tế qua báo cáo của các địa phương cho thấy, ngoài các trường hợp bị phản ứng, thậm chí phải nhập viện điều trị, đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine ComBE Five. Trong đó, đối với 2 trường hợp trẻ tử vong tại Nam Định, Sở Y tế Nam Định đã tiến hành điều tra nguyên nhân với kết luận không nghĩ đến phản ứng phản vệ nặng sau tiêm vaccine, không liên quan đến thực hành tiêm chủng và trẻ tử vong chưa rõ nguyên nhân.

Trong khi trước đó 2 trẻ này đều được khám sàng lọc và tiêm vaccine ComBE Five, uống vaccine bại liệt tại trạm y tế, sau tiêm được theo dõi 30 phút tại trạm đúng quy định và không có biểu hiện bất thường. Sau khi về nhà, trong vòng 1-2 ngày, trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, gia đình tự cho uống thuốc hạ sốt, không đưa đến cơ sở y tế. Ngày sau đó trẻ tím tái, khó thở nên gia đình đưa cháu đến bệnh viện nhưng cả 2 đã tử vong.

“Đây là 2 trẻ tử vong có triệu chứng xuất hiện 36 giờ sau tiêm. Hội đồng chuyên môn đã họp và xác định cháu bé tử vong không liên quan đến thực hành tiêm chủng, không sốc phản vệ. Nguyên nhân tử vong của 2 trẻ vẫn còn đang xem xét...” - GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết. Trong khi đó, ca tử vong mới đây nhất là vào ngày 10-1 của trường hợp bé Kiều Hải Y. (70 ngày tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội), Sở Y tế Hà Nội đã kết luận trẻ tử vong sau tiêm vaccine ComBE Five và uống vaccine bại liệt.

Khó tránh khỏi phản ứng sau tiêm

Theo Bộ Y tế, ComBE Five là vaccine do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất có thành phần tương tự thay thế vaccine Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng. Vaccine ComBE Five được tiêm cho trẻ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Trước khi được Bộ Y tế quyết định đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng để thay thế vaccine Quinvaxem, vaccine ComBE Five đã được WHO tiền thẩm định và sử dụng hơn 400 triệu liều ở trên 43 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mỗi lô vaccine về Việt Nam, trước khi đưa ra tiêm chủng đều được kiểm định về chất lượng, tính an toàn mới được đưa vào sử dụng. Mặc dù Bộ Y tế khẳng định vaccine ComBE Five là an toàn, hiệu quả, tỷ lệ phản ứng sau tiêm nằm trong giới hạn cho phép nhưng trước việc nhiều trẻ bị phản ứng sau khi tiêm loại vaccine mới này đang khiến cho cộng đồng xã hội, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ không khỏi hoang mang, lo lắng.

Trước thực tế nhiều trẻ nhỏ bị phản ứng sau khi tiêm vaccine ComBE Five, trong cuộc kiểm tra mới đây về công tác tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tất cả các loại vaccine, kể cả thuốc điều trị đã tiêm vào người thì chắc chắn có tỷ lệ phản ứng từ nhẹ cho đến nặng, từ phản ứng tại chỗ, sốt, quấy khóc, bỏ ăn, đến khóc thét, rối loạn trị giác, tím tái... Tuy nhiên, các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng vì tỷ lệ tai biến rất hạn chế, hơn nữa nếu trẻ không được tiêm chủng thì nguy cơ mắc các dịch bệnh nguy hiểm rất cao.

Trong khi đó, GS-TS Đặng Đức Anh cho biết, những trường hợp bị phản ứng sau tiêm vaccine ComBE Five vừa qua là những biểu hiện thông thường khi tiêm bất kỳ loại vaccine nào. “Vaccine ComBE Five đã được kiểm tra chất lượng, có tính an toàn và hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới tin dùng. Phụ huynh không nên quá lo lắng và tiếp tục đưa trẻ đi tiêm đúng lịch...”, ông Đặng Đức Anh khuyến cáo.

Còn PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, sau khi tiêm chủng vaccine ComBE Five, trẻ thường có các biểu hiện: đau, sưng đỏ tại nơi tiêm và sốt. Thông thường các phản ứng sau tiêm chủng sẽ xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ, chủ yếu là sốt và đau tại nơi tiêm, cần phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau, uống nhiều nước và theo dõi bé kể cả trong đêm ngủ. Khi trẻ có các biểu hiện như: sốt cao trên 38,5oC, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, quấy khóc, bỏ bú, khó thở... cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất, không chủ quan để trẻ ở nhà và tự điều trị.

Bộ Y tế vừa có công điện gửi giám đốc các Sở Y tế chỉ đạo tăng cường công tác tiêm chủng an toàn và hiệu quả, trong đó có việc tập huấn cho cán bộ y tế của các cơ sở tiêm chủng. Chỉ những cơ sở tiêm chủng có cán bộ y tế đã được tập huấn và có kỹ năng về xử trí, cấp cứu sau tiêm chủng mới được tiến hành tiêm chủng; cử cán bộ có trình độ chuyên môn hợp lý từ tuyến trên xuống tăng cường cho các trạm y tế xã, phường trong việc khám sàng lọc, cấp cứu và xử trí sau tiêm chủng...

Nguồn SGGPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh