Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vaccine ngừa Covid-19 được nghiên cứu như thế nào?
Thứ hai: 15:53 ngày 17/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhà khoa học nuôi cấy nCoV trong môi trường vô trùng để nghiên cứu, xác lập mô hình sinh học và độ an toàn trước khi thử nghiệm trên động vật.

Toàn bộ quá trình nghiên cứu điều chế vaccine thông thường mất 2 đến 5 năm. Tuy nhiên đối với chủng mới nCoV đang gây đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc và lan rộng trên thế giới, các nhà khoa học phải chạy đua để nghiên cứu tìm vaccine nhằm ngăn chặn dịch. Quá trình điều chế vaccine ngừa Covid-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kỳ vọng rút ngắn trong 18 tháng. 

Ngày 9/1 lần đầu tiên WHO công bố nCoV là chủng virus mới chưa từng biết đến thuộc họ corona, gây bệnh viêm phổi cấp tại Vũ Hán. Giữa tháng Một, Trung Quốc công bố chuỗi gene RNA đầy đủ của nCoV.

Cuối tháng Một, nCoV lần đầu được Viện Doherty ở Melbourne, Australia, nuôi cấy thành công ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Đây là một bước quan trọng, cho phép các nhà khoa học ở nhiều quốc gia nghiên cứu trên mẫu virus sống, tìm hiểu đặc tính của nCoV, thúc đẩy phát triển vaccine.

Quá trình điều chế vaccine cho nCoV có thể tổn rất nhiều thời gian. Ảnh: AFP

Thực tế, không một cá nhân hay tổ chức nào đủ khả năng và thiết bị để điều chế vaccine một cách độc lập. Công tác nghiên cứu này đòi hỏi quy trình phức tạp và sự phối hợp của nhiều nhóm nhà khoa học.

Trước tiên, các nhà khoa học tìm hiểu đặc tính và cơ chế hoạt động của virus trong vật chủ là con người. Tiếp đến, họ phải chứng minh được vaccine đủ an toàn và có khả năng kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể mà không gây ra bất cứ phản ứng phụ nào. Sau đó, vaccine được thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật.

Vượt qua thử nghiệm tiền lâm sàng, vaccine sẽ được phân phối đến một số cơ sở y tế nhất định để thử nghiệm trên người. Các nhà khoa học theo dõi quá trình thử nghiệm trên người, ghi nhận diễn biến và hiệu quả vaccine. Nếu tất cả đều ổn, bước cuối cùng là chờ đợi sự phê duyệt theo quy định của cơ quan y tế, dược phẩm và đưa ra phương pháp sản xuất số lượng lớn hiệu quả.

Mỗi công đoạn đều đối mặt với những thách thức riêng.

Không một cá nhân hay tổ chức nào hiện nay đủ khả năng và thiết bị để điều chế vaccine Codic-19 một cách độc lập. Ảnh: Reuters

Để phát triển số lượng lớn virus đủ cho nghiên cứu, các nhà khoa học phải tiến hành nuôi cấy chúng trong điều kiện hoàn toàn vô trùng. Thách thức tiếp theo là xác nhận mô hình sinh học phù hợp với virus corona. Mô hình này cung cấp thông tin về cơ chế hoạt động của nCoV trên cơ thể người.

Quá trình nghiên cứu về đại dịch SARS là nền tảng vững chắc cho việc điều chế vaccine ngăn ngừa Covid-19. Hai chủng virus SARS và nCoV có mã di truyền giống nhau tới 80-90%.

Trước đó, các nhà khoa học đã phát triển mô hình sinh học chồn sương vào đợt đại dịch năm 2003, có thể được sử dụng làm tiền đề cho nghiên cứu về virus corona chủng mới.

Là loại virus cư trú trên động vật, nCoV có khả năng sẽ biến chủng khi bắt đầu thích nghi trên cơ thể người. Ban đầu khi dịch bệnh khởi phát ở Vũ Hán, giới chuyên gia không phát hiện bằng chứng Covid-19 lây từ người sang người. Song hiện nay, thế giới ghi nhận nhiều trường hợp dương tính với virus nhưng chưa từng đến Trung Quốc.

Quá trình biến chủng giữa các khu vực trên thế giới cũng có sự khác biệt. Mật độ dân cư ảnh hưởng đến số lượng người nhiễm bệnh và khả năng biến đổi của virus. Trong khi đó, đối với những quốc gia từng bùng phát dịch bệnh do virus họ corona nói chung, cơ thể người dân có xu hướng nhạy cảm hơn đối với nCoV. Điều này cũng dẫn đến biến thể, tương tự bệnh cúm mùa.

Các nhà khoa học cân nhắc đến toàn bộ yếu tố gây ra biến chủng và điều chế vaccine trong một điều kiện an toàn, đảm bảo nghiêm ngặt về chất lượng, đồng thời đáp ứng yêu cầu về pháp lý.

"Phát triển vaccine là một nhiệm vụ lớn, không phải ngày một ngày hai. Nhưng nếu mọi thứ đi theo kế hoạch, quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với trước đây", Rob Grenfell , Giám đốc Y tế và An toàn sinh học, Giám đốc Phòng thí nghiệm Thú y Australia nhận định.

Nguồn VNE (Theo Science Alert)

Tin cùng chuyên mục