BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vaccine Oxford ngừng thử nghiệm là 'dấu hiệu tốt' 

Cập nhật ngày: 10/09/2020 - 18:56

Nhiều chuyên gia cho rằng Oxford và AstraZeneca ngừng thử nghiệm vaccine Covid-19 cho thấy họ đề cao tôn chỉ về an toàn trong bối cảnh chính trị phức tạp.

Ngày 9/9, công ty AstraZeneca tuyên bố dừng thử nghiệm giai đoạn ba vaccine Covid-19 của Đại học Oxford, do một tình nguyện viên bị ốm chưa rõ nguyên nhân. Một số chuyên gia gọi đây là "tình thế bất lợi" trong bối cảnh đại dịch.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học bày tỏ thái độ tích cực hơn. Họ thậm chí hoan nghênh động thái của nhóm Oxford-AstraZeneca. Tiến sĩ Ruth Faden, người sáng lập Viện Y đức Sinh học Johns Hopkins Berman, chia sẻ: "Thật yên tâm khi thấy trong thời điểm này, với áp lực chính trị rất lớn đè lên tốc độ phát triển vaccine, kỷ luật khoa học vẫn chiến thắng".

Giáo sư Anna P. Durbin, khoa nghiên cứu vaccine, Trường Y tế Công cộng John Hopkins Bloomberg, nhận định: "Đây nên là cách các nghiên cứu lâm sàng được tiến hành. Khi tạm dừng thử nghiệm, AstraZeneca có thời gian để xem xét kỹ lưỡng hơn. Như vậy, yếu tố an toàn của sản phẩm được đặt lên hàng đầu".

Trước đó người phát ngôn Đại học Oxford cho biết tình nguyện viên bị ốm có thể liên quan đến vaccine, cũng có thể không.

Vaccine ứng viên đầy hứa hẹn này được phát triển kể từ tháng 2, đã trải qua các đợt thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt trước khi tạm ngưng. Người tham gia nghiên cứu giai đoạn ba ở Mỹ được tiêm thử vào tuần trước.

Một tình nguyện viên thử nghiệm vaccine Oxford tại Nam Phi, ngày 27/8. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, trong những thử nghiệm quy mô lớn, phản ứng không mong muốn thường xảy ra ở những nhóm nhỏ. Các nhà khoa học sẽ dừng để có thời gian điều tra, đánh giá thêm.

Triệu chứng của tình nguyện viên khá đa dạng, từ kích ứng da, nổi mẩn đỏ, đau nhức vùng tiêm, cho đến diễn tiến nặng hơn. Điều quan trọng là xem xét liệu vaccine có phải nguyên nhân của những tác dụng phụ này hay không.

Giám đốc điều hành của AstraZeneca, ông Pascal Soriot, cho biết tình nguyện viên bị ốm sau tiêm chủng là một phụ nữ người Anh. Bà gặp phải biến chứng thần kinh hiếm, gọi là viêm tủy ngang. Hãng cho biết sẽ không đi đến kết luận nào trước khi tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng.

Đây là lần thứ hai thử nghiệm vaccine Oxford phải dừng. Hồi tháng 7, dự án cũng bị hoãn do những lo ngại về an toàn. Song vấn đề đã được giải quyết nhanh chóng, nghiên cứu tiếp tục ngay sau đó.

Giáo sư Durbin khẳng định: "Đây là điều hoàn toàn bình thường trong đánh giá vaccine, cũng là cách vận hành của quá trình xét duyệt".

Để xác định xem biến chứng thần kinh của tình nguyện viên người Anh có liên quan đến việc chủng ngừa hay không, các chuyên gia cần phân tích khoảng thời gian kể từ khi tiêm thử đến lúc có biểu hiện lâm sàng. Kết quả dự kiến có sau vài ngày đến vài tuần. Họ cũng xem xét tần suất xảy ra tình trạng tương tự ở các loại vaccine hoặc tình nguyện viên khác.

Bác sĩ Jonathan E. Howard, chuyên gia tại Trung tâm Y tế Đại học New York, trưởng khoa thần kinh Bệnh viện Bellevue, nhận định: "Dù vaccine được báo cáo là nguyên nhân dẫn đến viêm tủy ngang, các bằng chứng còn chưa chắc chắn".

Thực tế, đây là căn bệnh do quá trình tự miễn dịch, trong đó cơ thể tự tấn công mô hệ thần kinh của mình. Tình trạng có thể được kích hoạt do nhiễm trùng, bệnh tự miễn tiềm ẩn hoặc vô căn. Thủ phạm thường là các loại virus như cúm, HIV, mụn rộp.

"Có rất nhiều thông tin về phản ứng phụ này cần được nhìn nhận lại, phải xem xét tất cả dữ liệu và so sánh chúng với rủi ro của căn bệnh chúng ta đang cố phòng ngừa (Covid-19)", giáo sư Durbin nói.

Chuyên viên tiến hành đánh giá vaccine Oxford tại Brazil, ngày 4/9. Ảnh: Reuters

Giáo sư Paul Goepfert, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vaccine Alabama, cho rằng tác động của cuộc điều tra có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của "ứng viên" Oxford. Ông nhận định: "Nếu vaccine thực sự gây viêm tủy ngang, điều này chắc chắn là vấn đề".

Sự dừng chân của AstraZeneca dường như không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc đua toàn cầu tìm kiếm biện pháp ngăn ngừa Covid-19. Các đối thủ của hãng đến nay bao gồm Moderna, Pfizer, Sanofi...

Moderna không đưa ra bất cứ bình luận nào về động thái mới, song cho biết chưa phát hiện tác dụng phụ nghiêm trọng đối với sản phẩm của mình. Pfizer đang liên tục theo dõi và đánh giá các tình nguyện viên.

Giáo sư Durbin nhận định xem xét kỹ lưỡng tính an toàn của sản phẩm trước khi tiêm chủng hàng loạt là điều đúng đắn. "Trong bối cảnh này, tôi khen ngợi (AstraZeneca) vì đã tạm dừng nghiên cứu".

Tại Diễn đàn Trực tuyến về Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia, ông Robert Redfield, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), phát biểu: "Đối với công dân Mỹ và cả thế giới, tôi muốn nhấn mạnh yếu tố an toàn là tối quan trọng. Những vaccine đang phát triển sẽ được đánh giá nghiêm ngặt. Nếu có vấn đề, chúng tôi sẽ giảm tốc độ, xem xét lại, đảm bảo an toàn là mục tiêu số một".

Hôm 8/9, 9 hãng dược bao gồm AstraZeneca, BioNTech, GlaxoSmithKline, Johnson & Johnson, Merck, Moderna, Novavax, Pfizer và Sanofi đã ký bản cam kết "duy trì tính toàn vẹn của quy trình khoa học". Họ cho biết sẽ chỉ nộp đơn xin phê duyệt khẩn cấp "sau khi chứng minh vaccine hiệu quả thông qua nghiên cứu lâm sàng giai đoạn ba, được tiến hành để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA)".

Nguồn VNE (Theo ABC News)