Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Như chúng tôi đã viết, trong năm 2021, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp một đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực Hán Nôm thực hiện công tác kiểm kê thực trạng, tư liệu hoá văn tự Hán Nôm ở 5 ngôi đình đã được xếp hạng là di tích văn hoá - lịch sử quốc gia.

Lễ thỉnh tro từ khu mộ cụ Trần Văn Thiện.
Đó là các đình Hiệp Ninh, Thái Bình (TP. Tây Ninh); An Tịnh cùng Gia Lộc (TX. Trảng Bàng). Độc giả có quyền thắc mắc. Rằng sao chưa thấy kể gì về đình Long Thành- một ngôi đình lớn và có truyền thống tín ngưỡng nổi bật trong các huyện, thành ở Bắc Tây Ninh! Xin được trả lời ngay. Đấy là do đình Long Thành quá ít các tư liệu Hán Nôm.
Chúng ta đã biết đình Hiệp Ninh có tới 60 tư liệu; thì đình Long Thành chỉ có tất cả là 11 tư liệu; trong đó một số chỉ là để ghi tên các ban thờ hoặc các ngôi miếu ở sân đình. Như trong miếu thờ Bà Chúa xứ, là tấm biển nền đỏ chữ vàng với phần chữ Hán Nôm được dịch ra là: cung thỉnh Nguyên Nhung Chúa xứ nương nương chi vị. Còn trong ngôi miếu thờ Lang Lại nhị đại tướng quân, có tấm đại tự Hán Nôm, dịch nghĩa ra là: kính thỉnh Lang Lại nhị đại tướng quân Tôn thần chi vị.
Trong báo cáo về kiểm kê thực trạng kể trên; tại mục V: Lịch sử và văn tự Hán Nôm đình Long Thành cũng có vài điểm mới (so với sách Di tích LS-VH danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh, 2014).
Đó là báo cáo này đã bổ sung việc: “đình Long Thành được xây dựng lại toàn bộ bằng bê tông, gạch ngói kiên cố trong năm 2004, hoàn thành vào năm 2005 và có kiến trúc như ngày nay…”. Ngoài ra, điểm mới nữa là báo cáo này cũng xác định lại là: “Hiện nay chưa rõ đình có từ lúc nào”.
Trong khi, sách đã dẫn kể trên lại cho rằng “Năm 1883, đình Long Thành được xây cất, lúc đầu tạm bợ như một ngôi miếu tranh tre…”. Chi tiết này có thể do “suy đoán” từ sự kiện: “Ngày 18.9.1883, cụ Trần Văn Thiện từ trần, thọ 89 tuổi…”.
Quả phẩm dâng lên lễ Kỳ yên.
Điểm mới nữa trong lịch sử đình Long Thành là báo cáo kiểm kê đã bổ sung 2 thời điểm hết sức quan trọng trong việc trùng tu tôn tạo thời quá khứ. Đấy là đoạn “Trong các năm 1922, 1929, 1938, 1942 đình được tu sửa lại nhưng phải đến năm 1957 - 1963 đình Long Thành mới được đại tu”. Trong các mốc thời gian trên, có 2 mốc thời gian còn được ghi chép lại trong sổ việc làng Long Thành (viết tay, do hậu duệ cụ Trần Văn Thiện lưu giữ).
Một là tờ ghi chép ngày 29 Octobre 1922. Từ này chép lại từ lá đơn có nguyên văn: “Bẩm quan lớn/ Chúng tôi Hương chức Hội tề làng Long Thành, tổng Hoà Ninh, Tây Ninh/ Đến cúi xin Quan lớn, nguyên trong làng tôi có 2 nóc đình tại Bến Kéo cất đã lâu rồi, năm nay 2 nóc đình này đã bị hư tệ cây cột mục hư hết. Nay Hương chức làng chúng tôi tính hội số bạc chung nhau mà làm lại, mà làng tôi có lâm phần mà cây điều mộc không có.
Nay Hương chức làng chúng tôi đến cúi xin Quan lớn mở lòng rộng rãi cho làng tôi xin những cây điều mộc miễn thuế như sau nầy, đốn tại rừng làng Ké đol thuộc tổng Chơn- bà-đen đặng cho làng tôi dùng cây làm 2 nóc đình/ Cúi xin Quan lớn nhận lời. Xin kể các sắc cây sau đây:
- 30 cây gõ chuôn bề dài 10m.00 bề mặt 0m35
- 5 cây sao tròn bề dài 10m.00, bề hoành 1.40
- 5 cây sến tròn bề dài 10m.00……1.40”
Dưới tờ đơn này là danh sách 19 vị hương chức, với số tiền đóng góp của mỗi vị là từ 10 đến 50 đồng. Tổng cộng số tiền là 610 đồng.
Một tờ khác quan trọng trong sổ việc làng, có thể cho biết năm nào làng Long Thành xây đình Bến Kéo. Đấy là 1 tờ đơn cũng xin phép xây sửa ngôi đình vào ngày 14 Octobre 1942. Nguyên văn như sau: “Bẩm Quan lớn chủ Quận Châu Thành. Tây Ninh/ Chúng tôi Hương chức Hội tề làng Long Thành, tổng Hoà Ninh (Tây Ninh)/ Đồng đến cúi xin Quan lớn, nguyên trong làng chúng tôi có một cái nóc đình tại ấp Bến Kéo cất hồi năm 1915 đến nay đã bị mối ăn hư tệ và bị gió xiêu/ Nên Hương chức chúng tôi đồng đến cúi xin Quan lớn cho phép làng chúng tôi triệt xuống đặng làm lại một nóc đình mới/ Việc làm tốn hao Hương chức chúng tôi đồng chung chịu, không xin xuất số tiền chi hết./ Cúi xin Quan lớn nhận lời làng chúng tôi rất mang ơn…”. Tờ đơn này kèm chữ ký của 9 vị Hương chức làng Long Thành. Đặc biệt, nó còn được sự cho phép của Quận trưởng Huê, và xác nhận của ông Cai tổng Mạnh.
Nghi lễ tế Kỳ yên
Đơn lập ngày 14.10.1942. Chữ ký cho phép của Quận trưởng Huê và xác nhận của Cai tổng Mạnh không rõ ngày. Nhưng chắc chắn lần tu sửa này đã diễn ra. Bởi các trang tiếp theo ghi nhận việc này (trang 2 và trang 3) đã cụ thể hoá từng phần việc.
Như trang 2 ghi: “Ngày 26 tháng mười An Nam, năm Nhâm-ngũ, nhằm ngày 3 Décembre 1942 và ngày 27 tháng mười An Nam Nhâm-ngũ, Hương chức nhóm hạ triệt đình”. Tức là ngày 3.12.1942, đình đã được “hạ giải”- dỡ xuống theo cách nói của ngày nay. Tại trang 3 ghi: “ngày mùng 4 tháng 2 An nam năm Quý Mùi nhằm ngày 9 mars 1943, dựng nhà bếp đông lang. Thợ mộc Út và Khuyên lãnh làm”.
Lễ Kỳ yên đình Long Thành năm ấy (Quý Mùi, 1943) lẽ ra phải là 2 ngày đặc biệt vui. Vì đình mới đã “đại tu” xong. Nhưng rất tiếc là quan chủ Quận có trát về ngay trước ngày lễ cúng. Trát rằng: “Quận Châu Thành Tây Ninh/ Trát cho hương chức Long Thành, việc cúng linh thần là việc tỏ lòng dân tín ngưỡng thần thánh muốn cho các sắc dân dự được. Kể từ ngày nay phải theo cựu lệ (cúng mặn)/ Ngày 17-3- An nam Quý Mùi/ Le 21- Avril 1943/ Quận chủ Quận Signé Huê”.
Trát về trước có 1 ngày, không biết lệnh quan Quận trưởng có được thực hiện hay không? (do quá gấp). Sở dĩ có trát kể trên, là do trong tờ kê khai “Khảo cứu phong tục thờ Thành hoàng đình Long Thành” được cụ cựu Hương cả Trần Văn Liêng kê khai năm 1939, tại mục XI khoản a, là: “Trước khi cúng mặn nghĩa là cúng heo, bò và xôi. Sau khi năm 1926 có đạo Cao Đài mới định lại cúng chay, nghĩa là cúng hoa quả và xôi”. Từ lâu nay, đình Long Thành đã trở lại là cúng chay trong cả hai dịp lễ Kỳ yên và Cầu bông các ngày 18 tháng 3 và tháng 8 âm lịch.
Quả phẩm dâng lên lễ Kỳ yên.
Các tư liệu trích ở trên là một bằng chứng đáng tin cậy về thời gian lập đình Long Thành. Đó là vào năm 1915. Điều này cũng góp phần giải thích vì sao đình lại có ít tư liệu Hán Nôm. Ngoài các bảng ghi công đức tại các Ban: Cửu huyền thất tổ, Tiền vãng, Hậu vãng chỉ có 3 cặp liễn đối. Trong đó có một đôi phản ánh rất đúng với ngôi đình trung luôn được người dân chung sức chăm lo. Đó là đôi liễn ở hai bên bàn thờ Hội đồng trong gian chính đình. Phiên âm ra là:
- Long đồ miếu mạo nguy nga, hương chức cộng phù tái tạo thần từ tân khí tượng.
- Thánh địa thần ân phổ tế, nhân dân hiệp sự trùng tu vũ thánh cựu căn cơ.
Tạm hiểu: Cơ đồ làng Long Thành có miếu mạo nguy nga, hương chức đều góp công sức sửa sang cho thêm phần sinh khí/ Đất được coi như thánh địa nhờ ơn thần trải khắp, nhân dân chung tay làm cho ngôi đền thờ bền vững dài lâu.
Trần Vũ
(Còn tiếp)