Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vài địa danh xưa thuộc xã Thanh Điền
Thứ tư: 00:48 ngày 17/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không thể không nhắc đến “duyên nợ” giữa Thanh Điền và làng Long Thành, nằm kế bên và cách nhau bằng con rạch Tây Ninh, đều ở phía Nam tỉnh lỵ Tây Ninh. Đấy là sự “nhập vào, tách ra” nhiều lượt giữa 2 làng trong quá khứ. Mục từ “Thanh Điền” (Sđd, trang 110) viết…

Địa danh bàu Khỉ nay chỉ còn là một cái ao trước nhà dân.

Sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh (Sài Gòn, 1973), bài viết về tiền hiền Trần Văn Thiện (trang 111, tái bản của NXB Thanh niên, 2001) có đoạn: "Năm Thiệu Trị thứ tư (1844) (sách in sai thành 1814) cụ Thiện cùng một số người cùng chí hướng đệ đơn lên Tri phủ Tây Ninh xin khai hoang canh tác khu đất, sau đó trở thành xã Long Thành, tổng Hoà Ninh (nay là ba phường (xã) Long Thành Bắc, Long Thành Trung và Long Thành Nam của thị xã Hoà Thành)". Tại trang 114 còn có đoạn: “Quan phủ cho lập hai làng: - Long Đình thôn (nay gọi là làng Long Thành) - Thái Định thôn (nay gọi là làng Hiệp Ninh)…”.

Sự thật là không phải đợi tới năm 1844 mà làng Hiệp Ninh đã có từ khá lâu. Sách Từ điển địa danh hành chính Nam bộ có mục từ Hiệp Ninh (trang 429) viết, Hiệp Ninh là: “thôn thuộc tổng Hàm Ninh, h.Tân Ninh, p.Tây Ninh, t.Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838).

Từ 5.1.1876 gọi là làng… Năm 1930 thuộc quận Thái Bình. Từ năm 1942 đổi thuộc quận Châu Thành…”. Vào năm 1943, một phần Hiệp Ninh đã tách ra, hợp cùng với phần thị tứ của 2 làng Thái Bình và Ninh Thạnh, lập nên xã Thái Hiệp Thạnh- tỉnh lỵ của tỉnh Tây Ninh. Dù vậy, vẫn phải truy tìm địa danh Thái Định thôn mà Huỳnh Minh đã viết ở đoạn trích trên.

Thật may, vì trong bản thảo “30 năm làm nên sự nghiệp anh hùng” của Đảng bộ xã Thanh Điền, phát hành vào dịp 30.4.1985, có đoạn: “Tổ tiên ta ngày xưa đặt cho nó cái tên là Đồng Đình, Thái Định và qua nhiều biến đổi, xã được mang tên là Thanh Điền…”.

Tới đây, không thể không nhắc đến “duyên nợ” giữa Thanh Điền và làng Long Thành, nằm kế bên và cách nhau bằng con rạch Tây Ninh, đều ở phía Nam tỉnh lỵ Tây Ninh. Đấy là sự “nhập vào, tách ra” nhiều lượt giữa 2 làng trong quá khứ. Mục từ “Thanh Điền” (Sđd, trang 110) viết, đây là: “Thôn thuộc tổng Hoà Ninh, h.Tân Ninh, p.Tây Ninh, t. Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 19… Đến đầu Pháp thuộc giải thể nhập vào thôn Long Điền và bị xoá tên. Ngày 31.10.1891 được sát nhập làng Long Thành giải thể…”.

Vậy là tên làng Long Thành đã mất đi, chỉ còn lại Thanh Điền. Tác giả sách trên đã không có tư liệu tiếp theo sau năm 1891. Tuy vậy, làng Long Thành được tái lập vào năm Mậu Thân 1908 với vị Hương thân là ông Trần Văn Liêng, hậu duệ của cụ Trần Văn Thiện. Ba năm tiếp theo, ông Liêng làm thôn trưởng của làng. Để tới năm 1943 lại tách làng Long Thành từ tổng Hoà Ninh sang phụ thuộc tổng Hàm Ninh Hạ (theo mục từ "Hoà Ninh", sđd).

Chi tiết tái lập làng Long Thành lần cuối để tồn tại tới nay, có trong cuốn sổ việc làng chép tay, còn gọi là Lịch Đại thôn trưởng, với mục đích “Lập sổ lưu niên mỗi thọ lãnh Thôn trưởng, chi chức việc biên vô hầu”. Tại trang đầu còn có mấy dòng sau:

"Chiêu quy

- Triều Minh Mạng nhị thập niên tân lực Thới Long thôn, hậu lập Thới Định thôn…".

Trong các tài liệu xưa, chữ Thới cũng có nghĩa là chữ Thái. Như thế, ta lại gặp cái tên Thái Định trong sách “30 năm làm nên sự nghiệp anh hùng” của xã Thanh Điền. Để thêm chắc chắn là Thái Định thôn không phải làng Hiệp Ninh như sách của Huỳnh Minh.

Thái Định chỉ liên quan đến xã Thanh Điền, cũng như Thới Long thôn chỉ có thể là tên cũ của làng Long Thành. Cả hai đều đã có từ triều vua Minh Mạng, nhị thập niên (năm thứ 20, tức là vào năm 1840), gần đúng như sách Từ điển địa danh đã chép.

Đến đây, xin trở lại với các địa danh nay đã rất ít người được biết ở xã Thanh Điền. Như Củ Chi Một và Củ Chi Ba, nay là 2 ấp Thanh Đông và Thanh Trung. Đấy là do dọc con đường số 7 từng có vài cây củ chi đã thành cổ thụ. Đoạn viết về trận đánh lịch sử tại Bàu Cá Trê có mô tả: “Đúng 13 giờ chiều ngày 23.11.1945, 2 chiếc xe Jeep của bọn Tây, từ Tây Ninh chạy ra hãng Đường…

Đúng 15 giờ chúng quay về… Trinh sát lật đật chạy về đánh trống mõ báo động. Tiếng trống tại Củ Chi Một do 2 anh Muôn và Ngọc đánh. Tiếng trống nhà ông 5 Lăng do anh Thệ đánh. Khi nghe tiếng trống, đồng bào Thanh Phước, Thanh Đông ùa ra cột cây ngã xuống cản đường…”.

Sách cũng nhắc đến những cái tên như Tà Hụp (ấp Thanh An), nay thuộc về xã An Bình, hay những tên bàu Khỉ, bàu Nai, bàu Voi, bàu Đưng, bàu Rào (có tài liệu ghi là bàu Ràu); trảng thì có những trảng Thỏ, trảng Mễn, thậm chí là trảng Bù cạp (bò cạp); bưng, đìa có “đám tràm ông Thu” hay đìa rắn hổ… Toàn là những địa danh gắn với một miền thiên nhiên giàu có, hoang sơ.

Những bàu, trảng, bưng đìa của Thanh Điền xưa, nay hầu hết đã trở thành ruộng lúa. Đi tìm giữa mùa lúa trổ đòng, lên bông chỉ thấy bát ngát những vệt màu xanh, vàng tươi non hớn hở bên nhau. Từ đường 786 rẽ vào đường Thanh Điền 8, chạy 2,4km tới bàu Rào.

Đi thẳng vài cây số nữa thì tới bàu Đưng, nay thuộc xã An Bình mới được tách ra từ đất Thanh Điền thuở trước. Đã không còn tìm được dấu vết nào của cuộc chiến tranh ác liệt, dù là Bàu Đưng, bàu Rào hay bàu Khỉ; nơi nào cũng từng vang dậy những chiến công thời kháng chiến chống Mỹ. Nhất là từ khi Thanh Điền trở thành một mắt xích trong vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn, được huyện Châu Thành lập nên vào tháng 9.1965.

Từ ngã tư Thanh Đông rẽ vào đường huyện số 9 đi An Bình dễ dàng hỏi thăm tới nơi xưa là bàu Khỉ. Chỉ có nơi đây là còn dấu tích cuối cùng của cái bàu xưa, nay là cái ao nhỏ trước sân một ngôi nhà chơ vơ giữa mênh mông vàng lúa.

Trên đường vào vẫn còn một bụi tre gai góc đứng đã bao năm. Ruộng ở đây gần giống kiểu ruộng bậc thang, thấp dần xuống cho đến bờ ao nước lồng lộng soi gương phơ phất bóng dừa. Còn cái bàu nổi tiếng nhất ở Thanh Điền lại là bàu quá nhỏ nên chưa thấy ghi vào trang sử thiên nhiên vùng đất.

Đấy là bàu Cá Trê, nằm ở ngay cây số 3 đường 786. Bàu vẫn còn tới ngày nay, chỉ rộng hơn một công đất, lúc nào cũng mướt xanh rau kèo nèo. Vậy mà bàu lại gìn giữ một chiến công vang dội nhất, là trận đầu tiên quân dân Tây Ninh đánh thắng quân Pháp xâm lược ngay từ những ngày đầu chúng tái chiếm Tây Ninh (8.11.1945). Cầu mong sao cái bàu nhỏ bé này sẽ không bao giờ bị lấp.

Trần Vũ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục