Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vài lát cắt ngang sông Vàm Cỏ Đông
Thứ tư: 08:35 ngày 15/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nối liền hai khu thị tứ đầu tiên của người Việt trên đất Tây Ninh ấy, lồng lộng giữa trời và nước là cầu Bến Ðình của thời hiện đại. Có lẽ cũng nên cho ghe du khách ghé bến mà lên ngắm núi ngắm sông.

Cầu Bến Đình.

Từ Gò Dầu lên tới Bến Kéo, sông Vàm Cỏ Ðông có bề rộng trung bình khoảng 200 mét. Ở khoảng giữa hành trình ta sẽ gặp cầu Bến Ðình mới bắc ngang sông. Ðây cũng là cây cầu đẹp nhất trong những cây cầu đã bắc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Cầu cong như một cánh cung hướng phía trời xanh. Lại như một chiếc kẹp tóc cài ngang trên suối tóc một người con gái.

 

Lát cắt quan trọng nhất ngang sông Vàm Cỏ Ðông chính là ở nơi này, khi vùng đất ấy là đô thị cổ nhất trên thềm sông. Nhưng chúng ta sẽ trở lại sau để cùng nhau khám phá. Còn bây giờ, sau những miền không gian khoáng đạt và biến đổi, nhưng về cơ bản bên tả ngạn là cửa nhà sầm uất, phố thị đông vui. Bên kia vẫn là những ruộng lúa xanh ngút mắt tới chân trời.

Thỉnh thoảng lắm mới gặp một vài cụm nhà, cụm cây nhô lên trên bờ nước. Khi đã no nê các “đại cảnh” trên sông, thuyền có thể ghé vào nhiều con rạch đổ ra sông. Như rạch Giồng Nần, rạch Bàu Nâu, rạch Rễ… hoặc là kinh Hố Ðồn chạy suốt từ đối diện Cẩm Giang tới giữa làng Long Chữ (Bến Cầu). Xin tạm được gọi là những lát cắt ngang sông.

Lát cắt đầu tiên đáng kể là rạch Giồng Nần. Bên tả là bến đình Trường Tây lúc nào cũng tấp nập ghe xuồng. Bên hữu, xuôi dòng chỉ hơn trăm mét là đã tới rạch Giồng Nần. Cái tên này gợi lên trong lòng người Tây Ninh về ngọn lửa cách mạng đã nhen nhóm ngay từ năm đầu thành lập Ðảng. Vâng! Sau 3 cây số rạch là tới ấp Long Ðại, xã Long Vĩnh.

Ngay trên bến sông đã thấy màu ngói đỏ tươi của Khu di tích Giồng Nần. Ðây chính là nơi ra đời nhóm đảng viên Cộng sản đầu tiên năm 1930 và sau đó là tổ chức Nông hội đỏ đầu tiên trên đất Tây Ninh.

Nay di tích Giồng Nần đã được công nhận là di tích quốc gia, là địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ Tây Ninh về viếng thăm mỗi mùa kỷ niệm. Nhưng con rạch, cái bên ngoài di tích lại cho ta một hình ảnh sinh động trực quan về một thời cha ông đi mở đất.

Chỉ có nơi đây mới có thể tìm thấy những căn chòi lá, tôn lụp xụp; những chiếc lều như đã bỏ hoang giơ những càng vó gầy guộc lên trời. Ðấy là lều lán của những người coi lúa hay chăn vịt. Những bộ rễ gừa bám chắc vào lòng đất.

Những lùm bụi cây hoang dại. Dừng ghe, lên bờ là thấy mênh mông bát ngát cánh đồng, mới nhận ra đã có biết bao mồ hôi nước mắt nhiều thế hệ cha ông từ thời đi mở đất và cả một thời đánh đổi máu xương.

Cũng là rạch nhưng một cảnh sắc mới mở ra khi ta dong thuyền qua gậm cầu Ðôi trên quốc lộ 22B mà vào Rạch Rễ. Rạch Rễ sẽ đưa ta qua những vườn trái cây sum suê ở Trường Phú, Trường Lưu… thuộc xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành.

Chẳng biết thời tiền sử ở đấy có gì, mà Bảo tàng tỉnh đã tìm thấy cả những con thuyền độc mộc có từ 3.000 năm trước. Nơi đào được thuyền nay đã là vườn cây trái xanh um…

Ngang qua Cẩm Giang, trước khi ghé Bến Ðình có thể tìm hiểu thêm vài lát cắt ngang. Như bên hữu có kinh Hố Ðồn thẳng tắp chạy về ấp Long Hoà, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu. Ðoạn giáp ranh giữa xã Cẩm Giang với xã Thạnh Ðức- huyện Gò Dầu lại có rạch Bàu Nâu. Rạch hay kênh thì hai bênh cũng đều bát ngát mênh mông những thảm lúa xanh, những vườn cây trái. Hoặc là những khung cảnh hoang sơ như con người chưa từng đến bao giờ.

Trên toàn tuyến sông Vàm, đoạn từ Gò Dầu lên Bến Kéo thì lát cắt ngang quan trọng nhất chính là ở nơi, bên này là Cẩm Giang, bên kia là xã Tiên Thuận. Thật ngẫu nhiên, đây lại là trung điểm của miền sông Gấm. Trước tháng 8.2016, nơi đây vẫn còn một chiếc phà nhỏ nhẫn nại nối đôi bờ. Nhưng sau đấy là cây cầu Bến Ðình cùng 3km đường bê tông nhựa đã giúp cho Cẩm Giang, Tiên Thuận từ ấy liền đường.

Lịch sử phát triển đô thị Tây Ninh (nếu có) thì cũng nên ghi nhớ miền đất này như một đô thị đầu tiên của Tây Ninh thời khẩn hoang, mở cõi. Bởi, như chúng ta đã biết ngay từ năm 1779, khi lập đạo Quang Phong (vùng đất Tây Ninh ngày nay), Cẩm Giang đã được chúa Nguyễn Ánh chọn làm “đạo sở”.

Ðến năm Minh Mạng thứ 5 (1824), thành bảo được đắp tại đây, gọi là bảo Quang Hoá. Năm 1836, bỏ đạo mà lập phủ, huyện, Cẩm Giang lại trở nên thành của huyện (huyện thành) Quang Hoá thuộc phủ Tây Ninh (Ðại Nam nhất thống chí).

Về sự kiện chuyển dời thành huyện, sách này chỉ viết đúng một câu. Ðấy là: “Năm Thiệu Trị thứ ba đắp bảo Ðịnh Liêu; năm Tự Ðức thứ ba lại lấy bảo Ðịnh Liêu làm thành của huyện, mà Quang Hoá vẫn để làm bảo như cũ”. Bảo Ðịnh Liêu được sách kể là ở thôn Long Giang (năm Thiệu Trị thứ 3- 1843).

Nhưng đến năm 1845, quan Tuyên phủ sứ Cao Hữu Dực lập thêm 2 làng mới thuộc tổng Giai Hoá là Long Khánh và Tiên Thuận, nên bảo Ðịnh Liêu lại thuộc về Tiên Thuận, tức là ngay bên hữu ngạn Vàm Cỏ Ðông. Sách Ðại Nam thực lục chính biên, quyển 5 có mô tả chút ít về bảo Ðịnh Liêu như sau: “Bảo này, nguyên trước đặt một Tuyên phủ sứ, 1 phó lãnh binh, nay chuẩn cho đổi làm huyện lỵ Quang Hoá”.

Tuyên phủ sứ đầu tiên ở bảo Ðịnh Liêu có lẽ là Cao Hữu Dực, bởi sau đấy ông đã chủ trương thiết lập nhiều thôn làng mới ở Tây Ninh. Quan lính đóng ở bảo cũng không nhiều, chỉ có: “Trích lính huyện Quang Hoá 100 tên, 6 tháng một lần đổi theo với viên Quản vệ, và một viên Quản cơ hội đồng với viên Tri huyện chia phái canh giữ…” (Sđd).

Như vậy là Cẩm Giang có tới 57 năm; sau đó Tiên Thuận có 9 năm làm đạo sở Quang Phong và huyện lỵ huyện Quang Hoá. Cũng thật xứng đáng vì cả hai đều là nơi “trên bến dưới thuyền”, giữa một vùng sông đặc sắc được gọi là sông Gấm.

Tiếc rằng, chiến tranh liên miên. Khi thì giặc ngoại xâm, lúc là cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn; kể cả cuộc binh biến của Lê Văn Khôi dưới thời Minh Mạng. Vậy nên thành quả vật chất để lại chẳng bao nhiêu.

Bên Cẩm Giang chỉ còn một đoạn ngắn bờ thành. Tiên Thuận cũng chỉ có vài đoạn tường thành còn sót lại. Nhưng dấu tích văn hoá lịch sử một thời vẫn còn đây. Bốn di tích đã được công nhận trên đất Cẩm Giang, dù chưa có những điểm quan trọng nhất là bảo Quang Hoá và chùa Cẩm Phong.

Bên Tiên Thuận cũng chỉ có một di tích cấp tỉnh nhưng lại chưa đề cập gì đến bảo Ðịnh Liêu. Trong khi Tiên Thuận còn những địa điểm nổi bật khác, từ di chỉ khảo cổ học đến tâm linh tín ngưỡng.

Nối liền hai khu thị tứ đầu tiên của người Việt trên đất Tây Ninh ấy, lồng lộng giữa trời và nước là cầu Bến Ðình của thời hiện đại. Có lẽ cũng nên cho ghe du khách ghé bến mà lên ngắm núi ngắm sông.

Nhìn về phía Cẩm Giang là núi Bà Ðen sừng sững giữa đồng lúa xanh trải tới mênh mông. Phía Tiên Thuận là cả một rừng dầu trên gò miếu, như di ảnh một thời của rừng xưa Quang Hoá. Nói thêm:- cầu dài 10 nhịp, nhưng có đến 6 nhịp lừng lững soi bóng trên mặt nước.

Con đường bê tông nhựa phẳng băng đã nối liền quốc lộ 22B với cầu Bến Ðình để ta dễ dàng chọn lựa, về TP. Hồ Chí Minh, TP. Tây Ninh hay sang cửa khẩu quốc tế Mộc Bài trên đường Xuyên Á. Dường như Bến Ðình đã trở thành một ngã ba trên con đường phát triển và hội nhập của ngày mai.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục