Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vài nét về tục cưới của người Dao Tuyển

Cập nhật ngày: 25/11/2010 - 09:39

Người Dao Tuyển sống chan hoà cùng các nhóm Dao và các dân tộc anh em khác, tuy nhiên trong đời sống văn hoá, họ có sắc phục, tiếng nói, phong tục, mỹ tục… khác với các dân tộc, các nhóm Dao và có nhiều nét văn hoá đặc sắc.

Người Dao Tuyển trong hôn nhân trai gái được tự do tìm hiểu và thực hiện các quy định chung của pháp luật: như hôn nhân một vợ một chồng, người trong họ chưa quá năm đời không được lấy nhau… Và nét đẹp của việc cưới- một nghi lễ không chỉ in đậm dấu ấn đời người mà còn ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống gia đình và cộng đồng.

Việc cưới của người Dao Tuyển được tiến hành qua các nghi lễ và các bước: đôi trai gái sau khi tìm hiểu đã ưng thuận và mong muốn đi đến hôn nhân sẽ báo cho bố mẹ hai bên cùng biết. Bố mẹ đôi bên nếu vừa ý con dâu, con rể tương lai và gia cảnh của hai gia đình…thì sẽ tiến hành nghi lễ thứ nhất gọi là ăn pầu. Nhà trai sang thăm và gửi lại nhà gái hai đồng bạc trắng nhỏ để “Làm tin”. Sau một thời gian “thử thách” tình cảm của đôi trẻ và hai gia đình vẫn tốt đẹp sẽ tiến hành nghi thức tiếp theo (còn nếu không thành, nhà gái sẽ giử trả lại hai đồng bạc trắng). Đây là nghi thức rất quan trọng của việc hôn nhân gọi là: lo nỏi ăn ăn nỏi. ở tục lệ này, ngoài các lễ vật: trầu cau, rượu thịt tùy tâm; nhà trai còn phải mang đến nhà gái một thứ lễ có tính tín ngưỡng là gói muối bọc giấy đỏ buộc chỉ màu và kẹp theo hai đồng tiền kẽm (loại tiền cũ bằng đồng, hoặc kẽm có lỗ vuông ở giữa). Sau lễ này, hai gia đình sẽ chính thức nhận nhau làm thông gia và bàn bạc thống nhất về ngày tổ chức đón dâu. Việc này được ghi thành văn bản trên giấy hồng điều, mỗi gia đình giữ một bản đem dán vào nơi trang trọng nhất trong nhà, thể hiện ý thức tôn trọng, và ngày hôm đó dù ở gần hay xa, họ nhà trai đều ngủ lại nhà gái một đêm để trò chuyện, tỏ rõ tình cảm thân thiện. sau nghi thức này là việc hết sức quan trọng của họ nhà trai đó là việc chọn người làm ông mối trong lễ đón dâu.

Người Dao Tuyển rất coi trọng vai trò của ông mối không chỉ có ý nghĩa trong lễ cưới mà còn mang dấu ấn trong cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ về sau. Ông mối được đôi vợ chông trẻ coi trọng và phải lễ tết hàng năm đồng thời thường xuyên đi lại viếng thăm giúp đỡ công việc khi cần thiết.

Trong phong tục cưới của người Dao Tuyển có thể nói việc ứng táp đối đáp là thể hiện rõ nét nhất, sâu sắc nhất về bản sắc dân tộc mình. Người Dao Tuyển không sử dụng nhiều dụng cụ như Dao Đỏ, Dao Họ…. nhưng cách hát và cách đối đáp cho người Dao Tuyển rất da dạng phong phú phần lời và đặc biệt rất chặt về niêm luật.

Trong lễ cưới của người Dao Tuyển mọi nghi thức vui vẻ mang đậm văn hoá dân tộc đều được thực hiện ở nhà gái, còn ở nhà trai chỉ có một vài nghi thức tế lễ với tổ tiên và bạn bè họ hàng đến chúc mừng.

Chính những nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hoá và tín ngưỡng trong việc cưới hỏi của người Dao Tuyển đã có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống vợ chồng. người Dao Tuyển rất ít khi có chuyện vợ chồng bỏ nhau, mà hộ sống rất chung thủy với nền tảng gia đình bền chặt, đó cũng là những nét đẹp trong đời sống văn hoá xã hội hôm nay mà chúng ta cần gìn giữ phát huy và trân trọng.

K.D (st)


Liên kết hữu ích