BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vài suy nghĩ về việc thu hút và sử dụng nhân tài:
Lẽ đời: Đất lành chim đậu

Cập nhật ngày: 17/04/2009 - 11:55

Hoà vào sự phát triển chung của cả nước, trong những năm gần đây kinh tế Tây Ninh phát triển không ngừng, thu nhập bình quân theo đầu người liên tục tăng, số hộ nghèo đã giảm một cách đáng kể. Để đạt được những thành quả đó là do sự cố gắng của toàn thể nhân dân, của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp tỉnh nhà.

Một trong những vấn đề chiến lược nhằm phát triển kinh tế Tây Ninh về lâu dài đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm và xác định rõ đó là yếu tố con người- cần đầu tư để phát triển và thu hút nhân tài. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, trong số những sinh viên người Tây Ninh ra trường đã có rất nhiều người quay về quê hương làm việc. Không chỉ có các sinh viên quê Tây Ninh mà còn có nhiều sinh viên từ nhiều miền quê khác về đây, đem kiến thức của mình góp phần xây dựng cho vùng đất quê hương thứ hai. Đây là lực lượng cán bộ trẻ có năng lực chuyên môn, tràn đầy lòng nhiệt huyết, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thời đại. Tuy trong mỗi con người non trẻ đó có thể vẫn còn những khiếm khuyết tuổi trẻ, nhưng với năng lực, bầu nhiệt huyết sẵn có cùng với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp đi trước, họ sẽ nhanh chóng trưởng thành.

Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra khiến chúng ta phải suy nghĩ. Chuyện sinh viên sau khi ra trường không muốn về làm tại tỉnh hoặc đã làm nhưng lại bỏ ngang công việc chẳng hạn. Đó có phải là sự thiếu kiên nhẫn của tuổi trẻ hay do nguyên nhân nào khác? Trong thời đại phát triển, xã hội đổi thay từng ngày một, cán bộ công chức trẻ với đồng lương khá thấp, không đủ sức trang trải cho cuộc sống và giúp đỡ gia đình (vì không ít người có hoàn cảnh khó khăn) là điều đáng băn khoăn. Tốt nghiệp đại học ra trường họ luôn mong có việc làm và giúp đỡ cha mẹ sau bao năm được chăm lo ăn học, đầu tư cho cuộc sống tương lai. Họ cũng mong muốn đem những kiến thức chuyên môn được học trong nhà trường để áp dụng vào thực tế một cách hiệu quả nhằm phục vụ xã hội. Có nhiệt tình, luôn muốn cống hiến nhưng có khi sự toại nguyện lại không đến được với họ. Báo Tây Ninh số ra ngày 4.4.2009 có đăng bài báo của tác giả Quỳnh Anh nhan đề: “Xin đừng đối xử với cán bộ trẻ như thế”. Bài báo nói lên những bức xúc của một công chức trẻ muốn học cao hơn nữa để phục vụ cho công việc, anh đã tự học ôn và thi cao học vào ngày nghỉ cuối tuần vì vậy đã bị lãnh đạo cơ quan xử lý, kỷ luật và có những cách đối xử gây nhiều phiền toái. Trong số báo ngày 14.4 tác giả Nguyễn lại có bài: “Mưa đám mây”, có nhắc tới trường hợp của bạn Quỳnh Anh, đại ý rằng phải chăng trường hợp mà bạn trẻ này mắc phải cũng như những cơn mưa đám mây, chợt đến rồi chợt đi. Biết rằng đâu đó vẫn còn những điều chưa như ta mong đợi nhưng, nếu như có thể nhẫn nại hơn thì biết đâu một ngày kia “trời lại sáng”, mong ước bấy lâu được đóng góp xây dựng quê hương lại được thực hiện. Hai ý kiến của hai cá nhân nhưng đã nói lên một vấn đề mà cả xã hội quan tâm.

Cán bộ công chức trẻ là một bộ phận không thể thiếu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cách quan tâm và những chính sách hỗ trợ công chức trẻ để họ cống hiến hết mình cho sự phát triển của quê hương cũng là vấn đề lớn cần đặt ra. Lẽ thường, đất lành, chim đậu, nên đất cần phải được chăm sóc chu đáo kỹ lưỡng thì mới mong có cây cối tốt tươi, hoa hiền, trái ngọt và chim chóc lũ lượt bay về.

ĐÌNH VŨ