BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vai trò cơ quan thi hành án được nâng lên, nhưng án tồn đọng vẫn còn nhiều

Cập nhật ngày: 27/10/2010 - 11:07

Mới đây, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Tây Ninh làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh để giám sát công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.

Qua giám sát cho thấy, kể từ khi Luật Thi hành án có hiệu lực, vị trí, vai trò của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh được nâng lên, tổ chức bộ máy được củng cố, trình độ cán bộ, công chức cơ bản đáp ứng nhiệm vụ được giao. Ban Chỉ đạo thi hành án tỉnh được kiện toàn; Công tác phối hợp với các cơ quan chức năng được lãnh đạo Cục quan tâm và thực hiện tốt. Công tác thi hành án và số tiền thu được qua thi hành án đều đạt và vượt so với kế hoạch được giao. Cán bộ, công chức làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, trung bình mỗi chấp hành viên phải giải quyết trên 35 việc/tháng. Công tác xác minh điều kiện thi hành án đối với các bản án không có điều kiện thi hành được rà soát, xác minh định kỳ hằng quý và tăng cường công tác xác minh để thực hiện việc miễn giảm theo quy định (trong năm đã miễn, giảm 324 việc với số tiền là 99.566.000đ). Trụ sở làm việc của các Chi cục Thi hành án được quan tâm xây dựng mới hoặc được nâng cấp sửa chữa tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho các đơn vị. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được ngành quan tâm chú trọng giải quyết không để tồn đọng…

Đoàn giám sát làm việc tại Cục THA tỉnh

Tuy nhiên, nhìn chung công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như số lượng việc thụ lý năm 2010 tăng 1.239 việc so cùng kỳ, nên số án tồn chuyển sang năm 2011 cũng tăng so cùng kỳ 1.591 việc. Bên cạnh đó, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án chưa đầy đủ nên khi có phát sinh vướng mắc, cán bộ, chấp hành viên phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên dẫn đến kéo dài thời gian thi hành án. Công tác phát mãi tài sản thi hành án không bán được, do người dân có tâm lý e ngại mua tài sản đấu giá. Việc đăng ký quyền sở hữu tài sản bán đấu giá gặp nhiều khó khăn do chưa có quy chế phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan chức năng. Công tác phối hợp với ngành chức năng tuy được quan tâm nhưng còn hạn chế như: việc chuyển giao tang vật sung công quỹ thực hiện chậm; công tác chuyển giao tang vật chứng giữa cơ quan Công an và Thi hành án chưa được đảm bảo (bản án đã thi hành xong nhưng tang vật chưa được chuyển giao hoặc chuyển giao tang vật thừa so với bản án tuyên…). Công tác chuyển giao bản án, giải thích bản án của toà án chưa đảm bảo thời gian quy định, chuyển giao theo đợt với lượng án nhiều làm tăng áp lực cho cơ quan thi hành án. Công tác xác minh điều kiện thi hành án còn khó khăn do lực lượng cán bộ tư pháp, địa chính xã phường còn ít do đó, thời gian hỗ trợ cho công tác thi hành án còn hạn chế. Công tác thẩm định giá tiến hành chậm (hơn 1 tháng) do Tây Ninh chỉ có 1 chi nhánh thẩm định giá của Trung tâm định giá phía Nam.

Đồng thời, về việc phân cấp quản lý công tác tổ chức cán bộ, địa phương còn vướng mắc trong công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, tuyển dụng, tiếp nhận công chức do chưa có Thông tư thay thế Thông tư 06 năm 2008. Công tác quản lý điều hành ở một số đơn vị chưa thực hiện tốt, năng lực thực hành của lực lượng cán bộ, Chấp hành viên chưa đồng đều, một số Chấp hành viên mới bổ nhiệm chưa có kinh nghiệm…

Ban Pháp chế ghi nhận những kết quả đạt được của các cơ quan Thi hành án trên địa bàn tỉnh và ghi nhận những khó khăn vướng mắc mà ngành gặp phải để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, đề nghị Cục thi hành án tỉnh sớm củng cố nhân sự ở các Chi cục Thi hành án và tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho các Chi cục để hiệu quả công tác thi hành án dân sự ngày càng được nâng cao…

KIM CHI